Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðầu tư nước ngoài: Vượt lên thách thức của khủng hoảng

Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (ÐTNN) tại nước ta trong năm 2009 chịu sự tác động trực tiếp và mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ðúng như dự báo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư từ đầu năm, lượng vốn ÐTNN đăng ký mới giảm mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, vốn thực hiện được duy trì ở mức khá cao và khu vực kinh tế có vốn ÐTNN tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho dù vẫn còn không ít vấn đề cần xử lý nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Vốn đăng ký mới giảm

Ðiểm đáng chú ý trong bức tranh tổng thể về ÐTNN năm 2009 là các nhà đầu tư Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số vốn đăng ký mới. Tính riêng trong 11 tháng đầu năm, vốn đăng ký của các doanh nghiệp Hoa Kỳ lên tới 8,1 tỷ USD, chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới.

Về cơ cấu ngành, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ và bất động sản tăng mạnh. Riêng hai lĩnh vực này chiếm tới 74% tổng vốn ÐTNN đăng ký mới trong 11 tháng đầu năm.

Mặc dù vốn ÐTNN vào nước ta năm 2009 đạt thấp so với năm trước, nhưng do năm 2008 là năm lượng vốn ÐTNN đăng ký tăng trưởng đột biến và xét trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, ÐTNN vào các nước trong khu vực suy giảm mạnh thì đây là một kết quả đáng khích lệ. Kết quả đó tiếp tục khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định chính trị và triển vọng phát triển của Việt Nam.

Mặc dù vốn đăng ký mới đạt thấp so với năm trước, nhưng vốn ÐTNN thực hiện duy trì ở mức khá cao. Cũng theo số liệu của Cục Ðầu tư nước ngoài, trong 11 tháng đầu năm 2009, các nhà ÐTNN đã giải ngân được 9 tỷ USD. Ước tính vốn ÐTNN thực hiện trong cả năm đạt khoảng 10 tỷ USD (không tính phần góp vốn của bên Việt Nam). Ngoại trừ năm 2008, đây là năm có mức vốn giải ngân cao nhất kể từ khi ban hành Luật ÐTNN tại Việt Nam.

Với mức vốn giải ngân nói trên, quy mô và năng lực sản xuất, xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn ÐTNN gia tăng đáng kể. Trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn ÐTNN đạt 27,02 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu không tính dầu thô, khu vực kinh tế có vốn ÐTNN xuất khẩu 21,2 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Ðiều đáng chú ý là trong khi cả nước nhập siêu khá lớn thì trong 11 tháng đầu năm khu vực kinh tế có vốn ÐTNN đã xuất siêu tới 4,6 tỷ USD, góp phần quan trọng vào việc kiềm chế nhập siêu.

Sự phát triển của khu vực kinh tế có vốn ÐTNN cũng đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước ở mức hơn 5,2%, là mức khá cao so với các nước trong khu vực.

Khoảng cách giữa vốn đăng ký và thực hiện doãng rộng

Kết quả giải ngân vốn ÐTNN năm 2009 là đáng khích lệ, nhất là xét trong bối cảnh khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, cũng như tình trạng ách tắc trong giải phóng mặt bằng và không ít rào cản về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, vốn giải ngân vẫn còn rất thấp so với tổng vốn đăng ký. Tính riêng trong bốn năm (2006 - 2009), tổng vốn đăng ký mới lên tới 118,8 tỷ USD, trong khi vốn giải ngân của các dự án ÐTNN mới đạt 33,6 tỷ USD; tỷ lệ vốn giải ngân trên vốn đăng ký chỉ đạt 28%. Ðiều đó cũng có nghĩa rằng, chỉ tính riêng vốn của các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong bốn năm qua, thì hiện vẫn còn tới 85,2 tỷ USD chưa được giải ngân.

Những con số này cho thấy tính khả thi của không ít dự án lớn có quy mô vốn hàng tỷ USD còn hạn chế, nhất là về năng lực tài chính và khả năng huy động vốn của chủ đầu tư, cũng như dự báo về thị trường tiêu thụ. Mặt khác cũng cần thấy rằng, khả năng hấp thụ vốn ÐTNN là không dễ dàng do tình trạng "thắt nút cổ chai" của nền kinh tế, nhất là về kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực.

Thực tế thời gian qua, cũng cho thấy chủ trương sàng lọc nhằm nâng cao chất lượng dự án ÐTNN chưa được thực hiện một cách triệt để. Trong việc cấp phép cho các dự án đầu tư, một số địa phương còn chưa đánh giá đầy đủ năng lực tài chính của chủ đầu tư cũng như các yếu tố về môi trường, tiết kiệm đất đai, khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ... Trong khi đó, khả năng hậu kiểm của các cơ quan chức năng lại còn rất hạn chế, dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, hoặc không có khả năng triển khai nhưng vẫn không thu hồi được giấy chứng nhận đầu tư để dành đất cho các dự án mới.

Ngoài ra, những vướng mắc về thủ tục hành chính, nhất là trong việc cấp đất, đền bù giải phóng mặt bằng đang gây cản trở lớn đến tiến độ triển khai dự án, càng làm doãng rộng khoảng cách giữa vốn ÐTNN đăng ký và vốn thực hiện.

Ðiểm nhấn năm 2010

Trong bối cảnh nói trên, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với hoạt động ÐTNN trong năm 2010 là tăng cường hậu kiểm để tập trung tạo điều kiện thúc đẩy giải ngân các dự án đã được cấp phép, thu hồi giấy phép của các dự án không có khả năng triển khai, đồng thời cần đặc biệt coi trọng việc sàng lọc, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án mới.

Thước đo thực chất về lượng vốn ÐTNN là chỉ số về vốn thực hiện chứ không phải vốn đăng ký. Những con số được đưa ra về vốn đăng ký chỉ thật sự có ý nghĩa khi dự án mang tính khả thi và bảo đảm khả năng thực hiện trong thời hạn cam kết. Một khi điều kiện này không được đáp ứng, những con số về vốn đăng ký rất dễ dẫn tới sự đánh giá sai lệch về tình hình thu hút ÐTNN cũng như tác động của nó tới quá trình phát triển kinh tế đất nước.

Ðể thúc đẩy giải ngân và nâng cao chất lượng dự án ÐTNN, đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, về mặt pháp lý, cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhất là các quy định còn thiếu, chưa rõ ràng và chưa nhất quán giữa các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; sớm ban hành các quy định cụ thể về mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập WTO, về điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Thứ hai, cần rà soát đánh giá tình hình cấp phép đầu tư của các địa phương trong thời gian qua, đánh giá đúng những mặt tồn tại, hạn chế để sớm có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Thứ ba, cần khẩn trương hoàn chỉnh chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và có biện pháp bảo đảm nguồn vốn cho công tác này.

Thứ tư, cần tăng cường sự phối hợp giữa trung ương và địa phương và giữa các sở, ban, ngành của địa phương trong công tác quản lý các dự án đầu tư sau cấp phép. Ðồng thời phải chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý ÐTNN tại các địa phương cả về mặt kiến thức kinh tế, pháp luật, ngoại ngữ, cũng như nhận thức về chính trị, xã hội. Ðây là yếu tố hết sức quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý nhà nước về ÐTNN trong thời gian qua.

Cùng với việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án khả thi, cần kiên quyết thu hồi giấy phép chứng nhận đầu tư đối với các dự án không có khả năng triển khai, hoặc chủ đầu tư không thực hiện đúng các cam kết. Ðồng thời cần hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để khu vực doanh nghiệp có vốn ÐTNN hoạt động có hiệu quả, tăng doanh thu và xuất khẩu, góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Việc thu hút và cấp phép cho các dự án mới phải bảo đảm theo đúng quy hoạch ngành và vùng lãnh thổ, phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng và bảo đảm tính khả thi cũng như các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường, nhất là yếu tố tiết kiệm đất đai và các tài nguyên không có khả năng tái tạo đang ngày càng cạn kiệt.

Ðó là những điểm nhấn quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ đã được đề ra là tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ÐTNN phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong năm tới.

(Theo BaoNhandan)

  • Cải thiện môi trường đầu tư ở Quảng Nam
  • Rộng cửa đón nhà đầu tư
  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2009: nhìn từ 10 dự án lớn nhất
  • WB cho vay 500 triệu USD cải cách đầu tư công Việt Nam
  • Ban hành Quy định mới về giám sát và đánh giá dự án đầu tư
  • “Cuộc đua” gọi vốn nước ngoài
  • Vay mới, áp lực mới
  • Thêm một dự án đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!