![]() |
Tiềm năng rau quả của VN còn rất lớn |
Theo báo cáo của Hiệp hội rau quả Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2010 đạt 120 triệu USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ, chiếm 0,83% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước 3 tháng đầu năm 2010. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, mức xuất khẩu như vậy vẫn chưa xứng với tiềm năng mà ngành rau quả Việt Nam đang có.
Nói chưa xứng với tiềm năng bởi với hơn 1,5 triệu hecta đất canh tác rau quả, trung bình mỗi năm Việt Nam có thể cung cấp hơn 6 triệu tấn trái cây nhiệt đới; 10 triệu tấn rau vừa đa dạng về chủng loại. Mặt khác, về mùa vụ, Việt Nam là 1 trong những nước có sản lượng rau quả lớn ở khu vực Châu Á và thế giới.
Nhiều hạn chế
Lợi thế, năng lực là như vậy, nhưng rau quả Việt Nam vẫn loanh quanh hết “trúng mùa - rớt giá” lại đến “được giá - thất mùa”. Số lượng và chất lượng không đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu. Mặt khác, ngay tại thị trường nội địa, rau quả Việt Nam đã và đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt từ rau quả nhập khẩu của Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ... bày bán tràn lan trên thị trường với mẫu mã ngon, chất lượng tốt và giá cả lại rất... phải chăng.
Theo Huỳnh Quang Đấu - Giám đốc Cty Dịch Vụ Kỹ Thuật Nông Nghiệp An Giang, Kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, nguyên nhân khiến ngành rau quả Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng bởi bản đồ ngành trái cây Việt Nam phân bố rộng rãi và bị phân chia nhỏ lẻ. Hầu hết sản lượng trái cây được sản xuất bởi những trang trại nhỏ hoạt động trên diện tích 1 đến 2 ha trở xuống với mức trung bình của cả miền Bắc và miền Nam là khoảng 1,2ha trên một trang trại. Sản phẩm hoặc được bán thẳng cho những người tiêu dùng địa phương hoặc được bán cho những người thu mua bán lẻ và bán buôn, sau đó họ dồn các sản phẩm để bán lại cho nhà chế biến. Các nông trại có diện tích trên 30ha là rất hiếm trên toàn bộ đất nước Việt Nam.
Cũng theo ông Huỳnh Quang Đấu, do chưa quy hoạch vùng chuyên canh theo lợi thế nên sản xuất rau quả tại Việt Nam quá manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến giá thành quá cao. Mặt khác, Việt Nam chưa thực sự tổ chức được liên kết vùng lại dẫn đến việc nhiều vùng, nhiều địa phương cùng trồng một loại cây. Bên cạnh đó, người nông dân thấy cây trồng nào đang có giá ngay lập tức chuyển sang trồng cây đó dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, hàng hóa dư thừa làm giảm chất lượng, không tiêu thụ được và chất lượng không ổn định.
Một thực trạng đáng buồn nữa không thể không nhắc tới, đó là giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp tranh mua, tranh bán hoạt động cùng lĩnh vực với nhau lại “làm giá” nguyên liệu đầu vào, khiến doanh nghiệp “bạn” rơi vào tình trạng khó khăn. Lấy ví dụ điển hình từ chính công ty mình, ông Huỳnh Quang Đấu cho biết, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp đến thu mua nguyên liệu do công ty chúng tôi đầu tư, doanh nghiệp chỉ cần thu mua giá cao hơn công ty chúng tôi 100 đồng/kg thì nông dân bán ngay cho doanh nghiệp đó làm cho công ty chúng tôi mất số lượng và mất cả tiền giống đầu tư.
Mục tiêu có… quá xa?
Trong chiến lược xuất khẩu rau quả của Bộ NN&PTNT đã đưa ra mục tiêu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước phải đạt 760 triệu USD và đến năm 2020, đạt 1,2 tỷ USD/năm. Trong đó, vào năm 2010, diện tích trồng cây hoa quả là 1 triệu hecta, sản lượng khoảng 10 triệu tấn. Mục tiêu có “quá xa” không nếu như nhà nước không có những chính sách và mức đầu tư đủ mạnh để xây dựng một ngành trồng và chế biến rau quả mang thương hiệu Việt Nam.
Trong thời gian qua, nhà nước cũng đã thực hiện nhiều chính sách, chương trình hướng tới sự phát triển của ngành rau quả như: Xuất khẩu rau quả từ 2001 - 2010; Chính sách về các trang trại để xây dựng các khu chuyên trồng trái cây tại các khu vực mới; Chính sách phát triển các hợp tác xã trái cây chuyên nghiệp; Qui hoạch phát triển rau quả và hoa cây cảnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Hỗ trợ thành lập liên kết 4 nhà… Không thể phủ nhận được, các chương trình này đã thúc đẩy rất tích cực cho sự phát triển của ngành rau quả. Tuy nhiên, hiệu quả ảnh hưởng của các chương trình, chính sách kể trên vẫn chưa được như chúng ta mong muốn.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho rằng, chúng ta nên học tập mô hình của Trung Quốc và Thái Lan. Ở hai quốc gia này, diện tích đất để trồng cây ăn trái không lớn, nhưng họ biết cách tổ chức sản xuất thành các vùng chuyên canh có sự tham gia của nhiều hộ nông dân thông qua hợp tác xã kiểu mới nên quy mô sản xuất lớn, sức cạnh tranh cao, thương hiệu trái cây được khẳng định. Trong khi đó, Việt Nam chưa có nhiều hợp tác xã và mối liên hệ giữa người sản xuất với tiêu thụ.
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Minh Châu, ông Huỳnh Quang Đấu - Giám đốc Cty Dịch Vụ Kỹ Thuật Nông Nghiệp An Giang cũng cho rằng, chúng ta cần phải quy hoạch cụ thể vùng chuyên canh và các doanh nghiệp cùng nhau liên kết lại. Điều quan trọng là giữa doanh nghiệp và người nông dân cần có sự gắn kết chặt hơn để tạo ra sức mạnh thì rau quả Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng mới phát triển bền vững, nếu không thì cảnh "trúng mùa - rớt giá", "được giá - thất mùa" và việc thừa thiếu nguyên liệu không biết đến bao giờ khắc phục được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu tiêu năm 2010 là kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước phải đạt 760 triệu USD và đến năm 2020, đạt 1,2 tỷ USD/năm.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com