Bộ Công thương khẳng định, Việt Nam không bán phá giá giày mũ da vào EU |
Như vậy, cùng với việc Ủy ban Tư vấn chống bán phá giá của EU không nhất trí với đề xuất trên của EC, ngành da giày Việt Nam đang hy vọng sớm thoát khỏi mức thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu giày mũ da vào EU.
Khẳng định doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá giày mũ da vào EU, rằng kết luận Việt Nam bán phá giá giày mũ da vào EU là do EC so sánh giá thành sản xuất giày mũ da của Việt Nam với giá thành sản xuất của một nước có chi phí sản xuất cao hơn, Bộ Công thương đề nghị, EC tôn trọng ý kiến của đa số các nước thành viên EU, của các cá nhân và tổ chức EU và sớm đi đến kết luận bãi bỏ thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Theo Bộ Công thương, quyết định của Ủy ban Tư vấn về chống bán phá giá của EU là hợp lý và hợp tình, bởi rất nhiều hiệp hội, tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp của EU (kể cả doanh nghiệp sản xuất giày dép) đã phản đối việc kéo dài thuế chống bán phá giá này, cho đây là biện pháp bảo hộ cho một vài doanh nghiệp ngành giày dép có khả năng cạnh tranh hạn chế, trong khi bỏ qua quyền và lợi ích chính đáng của nhà sản xuất và công nhân Việt Nam, cũng như của người tiêu dùng, nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà bán lẻ… của EU.
Trong thực tế, thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU bị áp từ tháng 10/2006, đã gây tác động tiêu cực đến ngành da giày, khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào EU giảm mạnh. Nếu năm 2005, xuất khẩu giày mũ da sang EU đạt trên 120 triệu đôi thì năm 2006 giảm còn 107 triệu đôi, năm 2007 chỉ còn 91 triệu đôi và năm 2008 còn gần 80 triệu đôi.
Theo ông Vũ Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), EU là thị trường xuất khẩu chính của ngành da giày Việt Nam. Trước năm 2005, khi EC chưa áp thuế chống bán phá giá, tỷ trọng xuất khẩu vào EU ở hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép là từ 60 đến 80%, nhưng năm 2007 giảm còn 56% và năm 2008 chỉ còn gần 52%.
Một sức ép lớn nữa đối với các doanh nghiệp da giày từ việc áp thuế chống bán phá giá vào EU đối với giày mũ da là vấn đề lao động. Không ít người lao động đã chuyển sang lĩnh vực sản xuất khác bởi lo ngại tương lai của ngành da giày. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, mức độ biến động về lao động của ngành này rất cao, tới 35-40%.
Ông Nguyễn đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) cho rằng, việc EC áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da đã gây khó khăn cho toàn ngành da giày Việt Nam. Tuy vậy, cũng cần xác định rằng, khó khăn tại thị trường EU chỉ là trước mắt.
Xác định rất rõ vấn đề này, một số doanh nghiệp đã kịp thời đưa ra chiến lược sản xuất - kinh doanh phù hợp, thay đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, Công ty cổ phần Hữu nghị Đà Nẵng cho biết, nếu những năm trước, các loại giày da, mũ da chiếm đến gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty, thì do thuế chống bán phá giá, Công ty đã điều chỉnh sang xuất khẩu các loại giày vải.
(Theo Hải Yến // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com