![]() |
Tăng thuế nhập khẩu sẽ là đòn giáng mạnh vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi. |
Ngày 12-11-2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 216/2009/TT-BTC về việc điều chỉnh mức thuế xuất nhập khẩu áp dụng cho một số mặt hàng, trong đó có thức ăn chăn nuôi (TACN) thành phẩm và nguyên liệu TACN.
Cụ thể, mức thuế suất ưu đãi trong khu vực WTO đối với hầu hết các loại nguyên liệu TACN bao gồm ngô, cám mì, bột cá, bột thịt, bột xương sẽ tăng từ 0% lên 5%, riêng đối với mặt hàng bã ngô (DDGS) mức thuế chỉ tăng lên 3%. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2010.
Quyết định tăng thuế nói trên của Bộ Tài chính rơi vào đúng thời điểm hầu hết các mặt hàng nguyên liệu TACN đang trong vòng xoáy tăng giá. Từ cuối tháng 10 vừa qua, giá ngô và cám gạo liên tục tăng nhanh và hiện đã đạt đỉnh 5.000-5.200 đồng/ki lô gam. Đây là mức giá cao kỷ lục tính từ đầu năm 2009 đến nay và xấp xỉ mức đỉnh thiết lập vào tháng 4, tháng 5-2008, giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu lan rộng.
Diễn biến tăng giá rất mạnh của nguyên liệu TACN trong nước có thể được giải thích bởi hai nguyên nhân chính:
1. Giá nguyên liệu thế giới bắt đầu chu kỳ tăng giá mới sau vụ thu hoạch lớn nhất trong năm rơi vào cuối quí 3, đầu quí 4;
2. Nguồn cung nguyên liệu trong nước đang thiếu hụt do diện tích canh tác ngô và khoai mì bị thu hẹp. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng ngô của cả nước tính đến ngày 15-11-2009 đã giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2008).
Trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu trong nước khó khăn như hiện nay, việc tăng thuế nhập khẩu được dự báo sẽ là đòn giáng mạnh vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp TACN và chắc chắn đây sẽ là một trong những nhân tố đẩy giá TACN thành phẩm tiếp tục tăng trong một vài tháng tới.
Trong khi thị trường TACN Việt Nam đang loay hoay với những diễn biến bất lợi của giá cả cũng như chính sách mới của Chính phủ thì trung tuần tháng 12-2009, Ủy ban Chính sách lương thực thuộc Chính phủ Thái Lan đã chính thức phê chuẩn kế hoạch cắt giảm thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng khô đậu tương nằm trong phạm vi hạn ngạch cam kết WTO từ mức 4% xuống còn 2% kể từ đầu năm 2010.
Trước đó, kế hoạch cắt giảm thuế này đã bị trì hoãn nhiều tháng và hậu quả là các doanh nghiệp Thái Lan phải chịu sức ép từ cả hai phía, giá nhập khẩu nguyên liệu tăng mạnh và mức thuế suất cao. Do đó, động thái giảm thuế của Chính phủ Thái Lan được đánh giá là nhân tố rất tích cực giúp giảm chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi lợn và gia cầm, lần lượt giảm 15,37% và 3,67% so với cùng kỳ năm 2008. Cụ thể, giá các mặt hàng TACN giảm từ 0,25-1,62 baht/bao 50 ki lô gam (tương đương mức giảm 0,8-4,9 xu Mỹ/bao) so với mức giá trước khi giảm thuế.
![]() |
![]() |
Trước bối cảnh tăng giá nói chung của thị trường nguyên liệu TACN thế giới, Chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã đưa ra những quyết định rất khác nhau và có tác động ngược chiều đến xu hướng thị trường. Cả Việt Nam và Thái Lan đều là những nước phải nhập nguyên liệu TACN và phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu, thậm chí Việt Nam còn đứng ở vị thế ít chủ động hơn so với Thái Lan về nguồn cung nguyên liệu TACN trong nước.
Do đó, các doanh nghiệp TACN Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với các doanh nghiệp Thái Lan trong việc cân đối chi phí đầu vào. Đứng trên quan điểm lợi thế cạnh tranh, một khi giá nguyên liệu TACN hay nói cách khác là chi phí đầu vào tăng cao hơn, thì các sản phẩm chăn nuôi và thủy sản của Việt Nam chắc chắn sẽ mất đi lợi thế so với Thái Lan - một trong những đối thủ lớn của Việt Nam trên thị trường nông sản thế giới, đặc biệt là thủy sản.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com