![]() Gạo là mặt hàng nhạy cảm. Ảnh: Hoài Nam |
Không có chuyện lợi dụng
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) cho biết, ông đã có nhiều thông tin cho rằng, năm 2008 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã “lỡ” mua gạo với giá cao nên đề nghị tạm ngừng xuất khẩu (vì xuất khẩu sẽ bị lỗ), khiến giá lúa gạo rớt “thê thảm” để tiến hành mua vào.
“Việc tạm dừng xuất khẩu gạo năm 2008 ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân này không?”, ông Liêm thẳng thắn đặt câu hỏi.
Ngoài ra, vị dân biểu này cũng rất băn khoăn trước việc Vinafood 2 lập công ty con tại Singapore, bởi theo phản ánh của một số doanh nghiệp, Vinafood 2 thành lập công ty con là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, bán phá giá, gây tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp khác, ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt Nam và ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Hoài Nam |
Xuất khẩu gạo là chủ đề khá nóng tại nhiều phiên chất vấn các thành viên Chính phủ trong 2 kỳ họp Quốc hội gần đây, nên mặc dù phải trả lời những câu hỏi khá nhạy cảm của đại biểu Liêm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đi thẳng vào vấn đề.
“Việc tạm dừng xuất khẩu gạo năm 2008 là do các nguyên nhân khách quan (lượng lương thực dự trữ trong dân còn ít, không dự báo được việc “trúng mùa” vụ hè thu…) chứ hoàn toàn không phải lý do trên. VFA đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo là vì an ninh lương thực quốc gia chứ không có việc tổ chức này lợi dụng chính sách để trục lợi cho mình và cho các thành viên”, ông Hoàng khẳng định.
Việc Vinafood 2 thành lập công ty con tại Singapore, theo ông Hoàng là phù hợp với chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, nhằm mở rộng thị trường, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá ra thị trường thế giới.
“Trong tương lai, Vinafood 2 có thể thành lập công ty con tại nhiều nước khác và nhiều doanh nghiệp khác cũng thành lập công ty tại nước ngoài. Điều này phù hợp với chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ”, ông Hoàng phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng khẳng định: “Vinafood 2 là doanh nghiệp nhà nước, nên công ty con của Vinafood 2 tại Singapore cũng là doanh nghiệp nhà nước, toàn bộ lợi nhuận mà công ty con này mang lại thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, chứ không phải là “sân sau” của bất cứ cá nhân nào như dư luận phản ánh”.
Vẫn theo ông Phát, Vinafood 2 thành lập công ty con tại nước ngoài đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đánh giá rất kỹ trên các văn bản pháp lý hiện hành nhằm mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo được tốt hơn chứ không hề bán phá giá.
Xuất khẩu gạo là hoạt động kinh doanh có điều kiện
Tiếp tục với chủ đề xuất khẩu gạo, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, nhiều khả năng năm 2009, Việt Nam sẽ đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo (khoảng 6,2 triệu tấn), nhưng kim ngạch lại giảm so với năm 2008, ngoài nguyên nhân là giá thị trường thế giới giảm, còn có nguyên nhân là nước ta có quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo (205 doanh nghiệp) nên đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tạo điều kiện cho khách hàng ép giá.
“Thái Lan xuất khẩu gạo nhiều hơn chúng ta, nhưng họ chỉ có 10-15 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên gạo của họ luôn được giá”, ông Danh Út cho biết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Khá (đại biểu Trà Vinh) lại bày tỏ, việc Chính phủ quy định giá thu mua gạo lúa là 3.800 đồng/kg và khẳng định, với mức giá này, người nông dân bảo đảm có lãi 30%, nhưng tại Sóc Trăng, người dân bán sản phẩm của mình bình quân chỉ bằng 53% giá sàn, còn tại Kiên Giang thì mức giá bán bình quân cũng chỉ tương đương 83% giá sàn.
“Nguyên nhân là do sản phẩm của người nông dân phải đi qua quá nhiều khâu trung gian (thương lái) nên sự hỗ trợ của Nhà nước đã không đến được với đối tượng cần hỗ trợ”, bà Khá phát biểu. “Không có người nông dân nào bán được lúa vụ hè - thu đúng bằng mức giá sàn do Chính phủ quy định”, nhiều đại biểu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hưởng ứng.
Theo khảo sát của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí để sản xuất ra 1 kg lúa thấp nhất là 2.012 đồng (Sóc Trăng) và cao nhất là 3.190 đồng (Kiên Giang). Trên cơ sở này, Chính phủ đã định ra mức giá sàn thu mua lúa cho người dân với nguyên tắc bảo đảm cho người trồng lúa có lãi ít nhất 30%.
“Việc đưa ra mức giá sàn chung là không phù hợp - ông Hoàng thừa nhận - bởi với mức giá này có địa phương người nông dân đạt được mức lãi trên 30%, nhưng có địa phương người nông dân lãi rất ít”.
Ông Hoàng cho biết, Chính phủ đã nhận ra được hạn chế này nên đã giao Bộ Tài chính xây dựng chính sách thu mua lúa gạo mới, bảo đảm thực hiện nguyên tắc nhất quán là người nông dân ở địa phương nào cũng sẽ có lãi ít nhất 30% từ việc trồng lúa. Nguyên tắc này sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất và sẽ được thực hiện từ năm 2010 trở đi.
Mặc dù Việt Nam có tới 205 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, nhưng 11 doanh nghiệp lớn chiếm 70% khối lượng xuất khẩu; 137 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ chiếm 13%; 57 doanh nghiệp còn lại, mỗi DN chỉ xuất khoảng 10.000 tấn gạo/năm.
“Nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đã góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao uy tín với cả bên bán lẫn bên mua. Tuy nhiên, do nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm, không có kho tàng dự trữ gạo cũng tham gia vào thị trường xuất khẩu dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác “, ông Hoàng thừa nhận.
Việc tư thương tham gia thu mua lúa gạo, theo ông Hoàng cũng tạo điều kiện cho người dân tiêu được sản phẩm, còn để tránh tình trạng tranh mua, ép giá thì biện pháp tốt nhất là phải nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp được Nhà nước giao thu mua lúa gạo cho người dân.
Để thực hiện việc này, Bộ Công thương đang xây dựng Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế cho Nghị định hiện hành.
“Nghị định mới sẽ thắt chặt hơn hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng coi hoạt động này là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, doanh nghiệp phải có hệ thống kho tàng dự trữ gạo ít nhất 20 ngày, có kinh nghiệm xuất khẩu, tuân thủ các quy định VFA, không được xuất khẩu gạo với giá thấp hơn giá sàn…”, ông Hoàng cho biết.
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com