Trước tình hình tỉ giá USD biến động và đứng ở mức cao với giá thỏa thuận trên thị trường tự do ở mức hơn 19.300 đồng/USD, các loại hàng hóa nhập khẩu đang đối mặt với giá bán tăng lên.
Gas, điện máy, ôtô biến động nhanh theo tỉ giá
Trong những ngày qua, thị trường có một số mặt hàng ngoại nhập tăng giá khá nhanh, với việc thay đổi giá nhiều lần trong chưa đầy một tháng, thậm chí có nhóm mặt hàng thay đổi biểu giá từng ngày. Nhóm sản phẩm linh kiện máy tính như ổ cứng, màn hình LCD, mainboard, ram..., các loại máy tính xách tay có tỉ lệ tăng giá mạnh và khá nhanh. Tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh máy tính ở TPHCM, mặc dù các sản phẩm đều được treo biểu giá VND, nhưng mức giá này đều được các nhà nhập khẩu, phân phối quy đổi từ tỉ giá USD nên vào những ngày tỉ giá USD biến động mạnh, mức giá có thể thay đổi từng ngày.
Chị Kim Phụng - chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ máy tính tại tỉnh Vĩnh Long - cho biết: "Tôi thường xuyên lấy hàng các loại linh kiện máy tính, màn hình... từ TPHCM về tỉnh cho khách hàng. Trong tháng 11, giá các loại hàng này biến động nhiều theo tỉ giá, khiến nhiều loại hàng giá tăng 5-10% so với thời điểm trước tháng 11. Điều này khiến 1-2 tuần nay, hầu như các cửa hàng không dám báo giá chính xác trước với khách hàng như trước đây, mà phải tính giá theo thời điểm giao hàng".
Cùng với việc giá xăng dầu điều chỉnh tăng, trong tháng 11, giá gas bán lẻ cho người tiêu dùng đã đạt kỷ lục điều chỉnh giá nhiều lần nhất trong một tháng. Từ đầu tháng 11 đến 27.11, các Cty kinh doanh gas đã điều chỉnh giá bán 3 lần với tổng mức giá tăng hơn 35.000 đồng/bình, gần 15%. Đặc biệt là đợt điều chỉnh giá ngày 27.11, mỗi bình gas tăng thêm đến 22.000 đồng/bình.
Ông Nguyễn Phúc Đại - Tổng giám đốc Cty năng lượng Vinagas - cho biết: "Giá gas tăng mạnh nhiều đợt trong tháng 11 do nhiều nguyên nhân. Trước hết là giá gas thế giới tính đến ngày 23.11 tăng hơn 130 USD/tấn so với giá gas thời điểm tháng 10. Kế đến là tỉ giá USD theo giá thỏa thuận tăng mạnh trong tháng 11, đã khiến các Cty kinh doanh gas phải điều chỉnh giá theo".
Trong khi đó, thị trường ôtô, nhất là các loại ôtô nhập khẩu hiện nay đã tăng giá mạnh so với đầu tháng 11, khiến ngay cả những người kinh doanh cũng không ngờ. Nhân viên cửa hàng kinh doanh xe ôtô nhập khẩu trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 cho biết: "Chỉ với một chiếc ôtô trị giá khoảng 65.000USD, nếu như mua vào thời điểm hiện nay, khách hàng sẽ phải trả cao hơn khoảng 50 triệu đồng/chiếc so với mua lúc đầu tháng - thời điểm tỉ giá USD thỏa thuận chỉ 18.650 đồng/USD".
Thực phẩm, hàng tiêu dùng nhập khẩu cố kìm giá
Trong số các mặt hàng nhập khẩu, có thể nói các loại thực phẩm đóng hộp, nước giải khát đang là một trong những mặt hàng đang được các nhà phân phối cố gắng kìm giá hoặc tăng ở mức độ nhẹ nhất.
Bà Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa - cho biết: "Tuy tỉ giá ngoại tệ thời gian gần đây có biến động, nhưng hiện nay chưa có nhiều nhà nhập khẩu, phân phối sản phẩm thực phẩm đóng hộp, hàng tiêu dùng thông báo điều chỉnh giá bán. Bởi mãi lực hiện nay chưa cao, các nhà nhập khẩu, phân phối đang tìm cách để thu hút mãi lực vào dịp cuối năm. Nếu điều chỉnh giá tăng vào lúc này, e rằng khó tăng được mãi lực".
Tuy vậy, các siêu thị cũng lo ngại việc cố giữ giá này chỉ có thể cầm cự trong khoảng 1-2 tháng, nhiều khả năng vào đúng dịp Tết Nguyên đán sẽ có đợt tăng giá hàng nhập khẩu.
Về phía các nhà sản xuất, hiện không ít nhà sản xuất cho rằng tỉ giá ngoại tệ tăng càng khiến chi phí nguyên liệu sản xuất tăng thêm, khó tránh khỏi đợt tăng giá trong vài tháng tới.
Ông Phạm Ngọc Châu - Phó Tổng giám đốc Cty Hanco Food - cho rằng: "Trước tình hình tỉ giá USD tăng lên, cộng với giá nguyên liệu sữa bắt đầu tăng lên từ tháng 10, chúng tôi đang chịu áp lực về giá".
Còn ông Võ Văn Đức Tám - Cty nhựa Chợ Lớn cho rằng: "Tình hình giá nhiều loại nguyên liệu trên thế giới đang nhích giá, cộng với tỉ giá USD tăng lên như hiện nay, càng khiến các DN sản xuất trong nước thêm khó khăn. Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng lên nhưng nhà sản xuất không thể tăng giá sản phẩm, nếu tăng NTD sẽ khó chấp nhận và khó cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc, đành gắng chịu".
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com