"Những tập đầu bộ phim truyền hình "Bộ tứ 10A8" gây xôn xao giới "teen" bởi cách làm mới mẻ, hài hước. Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, phim chứa nhiều tình tiết không thật, chỉ dành cho con nhà giàu...", đạo diễn "Bộ tứ 10A8" Hoàng Điệp tâm sự.
- Mỗi tập chỉ dài 7-8 phút, các cảnh ráp không liền mạch… Lý do nào khiến chị và ê kíp quyết định thực hiện "Bộ tứ 10A8" theo hướng này?
- Tập phim dài 45 phút nhiều khi khiến khán giả trẻ nhàm chán, khó kiên nhẫn xem hết, nhất là phim Việt Nam thường có tiết tấu chậm. Tôi muốn mang lại một “món ăn” mới, ngắn và có tiết tấu nhanh hơn. Xin nói thêm đây là series chuyện hài hước đời thường chứ không phải là một bộ phim tình cảm, tâm lý xã hội.
- Phát sóng quá 22h, thời điểm mà đối tượng theo dõi chính thường đi ngủ. Đó là ý đồ, hay vì phim chưa đủ sức hút chiếu giờ vàng?
- Đối tượng khán giả của "Bộ tứ 10A8" không chỉ tuổi teen (13 - 19 tuổi) mà là thanh, thiếu niên (chủ yếu từ 13 - 25 tuổi). Lịch sinh hoạt của thanh, thiếu niên hiện khác xa so với cách đây vài năm. Các diễn đàn dành cho giới trẻ rất đông thành viên online vào tối muộn. Chúng tôi chủ định cung cấp cho các em thêm một món ăn tinh thần lành mạnh, hữu ích, thay vì chỉ có lựa chọn chơi điện tử hay vào lướt web giờ đó.
- Bốn nhân vật chính trong phim đại diện cho lứa tuổi 9X, nhưng cách ăn mặc của họ dường như không phù hợp thực tế của học sinh phổ thông hiện tại. Chị nói sao về điều này?
- Tôi khẳng định, đồng phục được thiết kế theo tông màu (xanh tím than và trắng) giống các trường ở Việt Nam, ngay cả mẫu vải kẻ ca-rô cũng được rất nhiều trường sử dụng thay vì vải trơn truyền thống.
Trang phục hơi giống các nước châu Á không có gì đáng ngạc nhiên, vì thời trang trong nước chịu ảnh hưởng từ thời trang Trung Quốc, Hàn Quốc... Nếu người lớn tự hào ăn mặc đẹp như Hàn Quốc thì tại sao lại cấm thanh, thiếu niên, nhất là cách ăn mặc ấy không phản cảm, hở hang hay thiếu thẩm mỹ? Vấn đề là bên cạnh cái vỏ trang phục, những câu chuyện, xúc cảm và suy nghĩ của các em đều rất “Việt Nam”.
- Những hành động tự nhiên chủ nghĩa như lớp trưởng báo hiệu các bạn đứng lên chào thầy cô bằng một cái búng tay, hoặc vào lớp mà khư khư máy khâu để may vá trong mọi điều kiện… là không có thật trong đời sống học đường. Vì sao chị đưa vào phim?
- Nhân vật La La thích thời trang, may vá, nhưng La La không dùng máy khâu trong mọi điều kiện mà chỉ trong giờ ra chơi để giúp bạn may lại dải nơ bị rúm, hay chiếc áo đá bóng bị sứt chỉ. Nhân vật Mai Lâm có tính cách rất mạnh mẽ, hơi “con trai” vì vị trí của em là bí thư trong một tập thể nhiều bạn nam.
Trong "Bộ tứ 10A8" không có bất kỳ nhân vật nào hoàn hảo, vừa xinh đẹp dịu dàng, vừa thông minh học giỏi, lại được bạn bè yêu quý.., vì những nhân vật như vậy mới là ít có ngoài đời.
- Chị nghĩ sao trước phản hồi cho rằng, các nhân vật trong phim hầu như chỉ dành mọi quan tâm cho việc làm đẹp, kiếm tiền, vui chơi, ca hát mà quên mất nhiệm vụ chính là học tập?
- "Bộ tứ 10A8" chắc chắn không phải là chuỗi những bài học đạo đức có tính giáo dục khô cứng và hô hào. Trong phim, những nhân vật có tính cách tiêu cực (chỉ thích làm đẹp hay chỉ thích kiếm tiền) đều chịu hậu quả từ hành động của mình. Tôi không tạo ra nhân vật tròn trịa, hoàn hảo.
- “Bộ tứ 10A8" giáo dục gì cho tuổi teen”, chị trả lời thế nào trước băn khoăn chính đáng này của các bậc phụ huynh?
- Chúng tôi không đặt mục tiêu phải giáo dục tuổi teen, lên lớp những bài học về đạo đức hay lối sống. "Bộ tứ 10A8" là những câu chuyện đời thường được nhìn qua lăng kính hài hước, có phần ngây ngô của các em. Qua mỗi câu chuyện, khán giả trẻ tự tìm thấy cách ứng xử đẹp trong cuộc sống, ý nghĩa của tình bạn, sự sâu sắc của tình thầy trò.
- Cảm ơn chị.
(Theo Đất Việt // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |