Slogan của phim là “Đến trường không chỉ để học”. Xét về khía cạnh giáo dục, chị có sợ slogan này vấp phải phản ứng từ phía phụ huynh và các nhà giáo dục?
Bộ tứ 10A8 không muốn trở thành một chuỗi dài những bài học đạo đức có tính giáo dục khô cứng và hô hào, bởi đó không phải là cách tốt nhất để đi tới tâm hồn các em.
Đến trường không chỉ để học có nghĩa là các em không chỉ tiếp thu những gì được viết trong sách giáo khoa mà còn trau dồi nhiều kỹ năng sống, hình thành tính cách, nhân cách và nhân sinh quan, thông qua mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người khác. Bộ tứ 10A8 không cổ vũ việc các em chỉ biết có học văn hóa, chỉ biết sách vở mà không quan tâm đến thực tế cuộc sống, không có ước mơ của riêng mình.
Mỗi tập phim chỉ dài 7 – 8 phút. Chị đã phải xử lý kịch bản như thế nào để vừa đúng thời lượng vừa truyền tải đầy đủ ý đồ tác phẩm?
Đúng là ban đầu, yêu cầu về thời lượng ngắn đã từng là trở ngại đối với tôi. Sau đó, tôi tìm ra cácch xử lý là mỗi tiểu phẩm chỉ đặt ra một tình huống thú vị, và hai hoặc ba tập tiếp theo sẽ giải quyết tình huống đó. Như vậy, khán giả sẽ xem 3-4 tập liên tiếp để theo dõi mỗi câu chuyện, điều này khích thích khan giả bật ti vi lên vào ngày hôm sau.
Đạo diễn Hồng Điệp (áo trắng ở giữa) bên các diễn viên trẻ
Mặt khác khán giả đã quá quen thuộc với những bộ phim truyền hình 45 phút/tập, tôi muốn mang lại một sự trải nghiệm mới cho người xem. Đối tượng chính của Bộ tứ 10A8 là các thanh thiếu niên cũng ưa thích một loại chương trình có thời lượng ngắn hơn, vì không phải lúc nào các em cũng có thể dành 45 phút mỗi tối cho một bộ phim.
Diễn viên teen của Bộ tứ 10A8 đều là nghiệp dư chưa từng tham gia đóng phim. Họ có bắt kịp với yêu cầu của đoàn làm phim không?
Điều khó khăn nhất là các em diễn viên đôi lúc còn vụng về, lúng túng, tự ti trước ống kính. Nhưng khi dựng thành tiểu phẩm hoàn chỉnh, chúng tôi thấy rằng sự vụng về của các em lại có nét đáng yêu nhất định. Một Phan Linh hơi hậu đậu, một Mai Lâm hơi cứng nhắc, một La La hơi “chành chọe” trẻ con cũng đúng là tính cách của nhân vật mà chúng tôi muốn xây dựng.
Hiện nay bùng nổ khá nhiều phim về tuổi teen, vấn đề trang phục được lưu ý như thế nào để phim mang màu sắc riêng, không lẫn với các phim khác?
Nhiều người khi xem Bộ tứ 10A8 đã cho rằng bộ đồng phục có vẻ giống Hàn Quốc. Thực ra, đồng phục của serie này được thiết kế theo tông màu xanh tím than và trắng hoàn toàn giống các trường ở VN. Ngay cả mẫu vải kẻ ca rô cũng đã rất nhiều trường sử dụng thay vì dung vải trơn truyền thống.
Diễn viên chính Thuỳ Anh (vai Phan Linh)
Chúng tôi không đặt ra mục đích là đồng phục trong tiểu phẩm phải hoàn toàn khác biệt so với các phim khác, chúng tôi muốn để lại ấn tượng cho khán giả bởi tính cách nhân vật và những câu chuyện trong đó. Việc lựa chọn trang phục và phong cách của Bộ tứ 10A8 phần nào phản ánh xu hướng đó, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, nhưng tất nhiên vẫn hướng đến cái đẹp hồn nhiên của tuổi học trò, không có những nét phản cảm hay quá “người lớn”.
Các diễn viên đều là học sinh đang đi học. Việc tham gia đóng phim có làm ảnh hưởng đến việc học của các em?
Đoàn làm phim đã trao đổi kỹ với gia đình và thầy cô của các diễn viên trước khi khởi quay, để gia đình và nhà trường giúp đỡ các em, không chỉ là về thời gian, bài vở mà còn cả sức khoẻ và tinh thần. Khi các em thi học kỳ, đoàn làm phim tạm dừng sản xuất để làm bù trong kỳ nghỉ hè.
Chị có thể giới thiệu đôi nét về phần hai đang chuẩn bị quay?
Cũng giống như một, phần hai của Bộ tứ 10A8 tiếp tục là những câu chuyện đời thường được nhìn qua lăng kính hài ước, có phần ngây ngô của các em thiếu niên. Đó sẽ là chuyện ôn thi đại học, chuyện ăn chay giảm béo, chuyện “rung rinh tuổi mới lớn” hay đòi sống tự lập để “chứng tỏ” với bố mẹ…
(Theo Thanh Hồng // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |