Ký sự bắt đầu bằng không gian văn hóa người Nguồn tại Quảng Bình và khép lại với sách lá người Chăm tại Bình Thuận. Mỗi nơi nhóm ký sự đến đều để lại những ấn tượng sâu đậm về vùng đất, con người và bản sắc văn hóa ở đó. Mỗi dân tộc được chọn vào ký sự sẽ mang một bản sắc độc đáo. Thoạt nghe, thoạt nhìn khán giả có thể nghĩ đó là những hình ảnh quen thuộc nhưng đi vào khám phá từng chi tiết lại thấy những điểm lạ, độc đáo riêng. Tính chất khám phá sẽ là điểm nhấn xuyên suốt toàn bộ các tập ký sự. Khán giả sẽ được trải nghiệm thực tế cùng với phóng viên tại hiện trường qua mỗi tập ký sự.
Trước khi lên đường ghi hình, kịch bản dự kiến quay đã được nhóm ký sự lên chi tiết. Đây là kết quả của việc tra cứu các tài liệu, tư liệu, trao đổi với các nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân… Tuy nhiên khi tác nghiệp tại hiện trường nhóm ký sự lại phát hiện những điều mới lạ…
Với tiêu chí các tập ký sự sẽ khám phá cuộc sống theo kiểu “Discovery”…, các nhân vật không xuất hiện cùng với phỏng vấn trực diện mà trong những đối thoại mang tính cởi mở, tự nhiên, gần gũi… Vì thế tất cả các đối thoại được thực hiện bằng mic không dây hoặc bum… Phóng viên Phạm Hùng tiết lộ: 12 tập ký sự được thực hiện ở mỗi tỉnh mỗi tập, mỗi tỉnh chọn một nét văn hóa riêng đặc sắc của một dân tộc. Một tập ký sự có một nhân vật trải nghiệm xuyên suốt từ đầu đến cuối tập. Nhân vật trải nghiệm là một nhà nghiên cứu văn hóa, một nhà nghệ thuật, già làng, trưởng bản hoặc nông dân miễn họ am hiểu vấn đề và có duyên ăn nói…
Từ Quảng Bình đến Quảng Nam, đoàn làm phim đi theo con đường Trường Sơn huyền thoại qua các vùng dân tộc Nguồn, Pako Vân Kiều, Tà Ôi và Cơtu. Ấn tượng nhất đối với các phóng viên là người Cơtu vẫn giữ được nếp sống cộng đồng như xưa.
Các dân tộc này có những đặc điểm chung về văn hóa của vùng đất Trường Sơn. Nhưng biểu hiện cụ thể của nét văn hóa lại có sự riêng biệt ở từng dân tộc. Nằm ở điểm cuối của con đường Trường Sơn, người Cơtu ở Tây Giang, tỉnh Quảng Nam khiến đoàn làm phim ngỡ ngàng về bản sắc văn hóa của họ.
Lễ cưới của người Cơtu
Khi có một sự kiện nào đó, cả bản cùng nhau về nhà Gươi – nhà truyền thống của người Cơtu. Trai gái, già trẻ trong thôn đều tập trung về đây. Họ đánh trống, cồng chiêng và múa điệu yaya. Những người phụ nữ của mỗi gia đình mang gạo, củi và các loại thức ăn khác tập trung về nhà Gươi để nấu chung với nhau. Khi thịt được nấu chin, các già làng chia đều cho từng thành viên trong thôn. Nhìn cảnh mỗi người cầm một cái mẹt đến nhận vừa lạ vừa vui.
Hay khi khảo sát hoa văn trên trang phục của người Tà Ôi, đoàn làm phim thấy rằng nguồn cảm hứng sang tác bắt nguồn từ những câu chuyện cổ và ngay cả trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Những hoa văn về đề tài động, thực vật, hoa văn về con người, vũ trụ, nhân sinh quan, thế giới quan đều hội tụ đầy đủ trên trang phục của người Tà Ôi…
Người Kor ở Quảng Ngãi lại nổi tiếng với những điệu chiêng. Chỉ cần dựa vào mỗi âm điệu vang lên, người ta hiểu được người đánh thổ lộ điều gì. Vào nhà bất cứ mỗi gia đình người Kor nào cũng có vài chiếc chiêng. Mỗi lần liên hoan văn nghệ các dân tộc trong khu vực và cả nước, đội chiêng của người Kor bao gio cũng đại diện cho tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng ít ai biết rằng, những người Kor ở Quảng Ngãi lại có sự phân hóa riêng biệt.
Ranh giới là con song Trà Bồng nhưng người Kor sống hai bên được gọi là Kor đường thủy đánh những bài chiêng trữ tình, thủ thỉ và da diết. Kor đường sơn thì có các bài đánh dữ dội, thể hiện sức mạnh bản lĩnh của người đàn ông. Vào dịp lễ hội, những người thanh niên, đàn ông thách đố nhau qua những bài đánh chiêng. Ai đánh chiêng lâu nhất sẽ thắng cuộc.
Mỗi tiếng chiêng vang lên mang trong đó lời đối đáp lẫn nhau của người đánh. Họ cùng nhau nhảy theo tiếng chiêng. Cuộc đấu chiêng như thế kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Vì thế trong các dân tộc sử dụng chiêng, đấu chiêng của người Kor được đánh giá là độc đáo nhất.
12 tập ký sự Đi dọc miền Trung đang được hoàn tất phần hậu kỳ, dự kiến ra mắt khán giả vào dịp cuối năm. Mỗi hiện vật, mỗi câu chuyện mà đoàn làm phim sưu tầm và ghi lại được sẽ giúp khan giả khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo và thú vị của các dân tộc…
(Theo Nguyên Bình // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |