Cỏ may còn có tên gọi là Bông cỏ, Thảo tử hoa, Trúc tiết thảo, tên khoa học là Chryssopogon Aciculatus (Retz) Trin. Cỏ may là loại cỏ sống lâu năm, thân rễ cứng, thân mọc thẳng lên cao 30 - 60cm, có nhiều đốt, đốt phía gốc ngắn hơn đốt phía trên.
Lá mọc so le, lá phía dưới mọc mau, lá phía trên mọc thưa hơn. Phiến lá hẹp dài 2 - 10cm, rộng 3 - 5mm, đầu nhọn phía cuốn tròn, nhẵn. Cụm hoa mọc thành chùm dài 5 -10cm, màu tím than. Quả khi chín có thể móc vào quần áo khi ta đi qua, nên có tên gọi là Cỏ may. Cỏ may mọc hoang khắp nơi ở nước ta và có ở nhiều nước khác như: Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, miền Nam Trung Quốc...
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lây, Chuyên khoa I, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thì cỏ may thuộc họ lúa Poaceae Gramineae, các loại cỏ họ lúa có tính vị ngọt nhạt có tác dụng lợi tiểu, giải độc. Theo kinh nghiệm dân gian ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh người dân dùng cỏ may sắc uống hàng ngày để chữa bệnh về gan: vàng da, vàng mắt có hiệu quả. Cách dùng như sau: Dùng toàn cây cỏ may, rửa sạch, thái nhỏ khoảng 300g, sao vàng, nấu với 500ml nước cô còn 250ml, chia thành nhiều lần uống trong ngày. Hiệu quả rõ rệt trong 4 - 5 ngày. Ngoài ra, cỏ may còn dùng để chữa giun đũa bằng cách: 20g cỏ may sao vàng, sắc với 1/2 lít nước để thật sôi sau đó lọc bỏ bã và cô còn 150ml, sau khi ăn cơm xong uống 150ml nước sắc cỏ may này để chữa giun đũa.
Bác sĩ Lây cho biết, cỏ may mọc quanh năm, dễ kiếm, dễ tìm. Bà con có thể dùng nước sắc cây cỏ may làm nước uống thay trà sẽ chữa được chứng nóng nhiệt trong người.
( Theo báo điện tử Bình Dương)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |