Mua sắm qua mạng, ban đầu chỉ là thú vui, sở thích, vốn phần nhiều thuộc về các chị em. Nhưng sau thấy tiền trong túi cứ liên tục “không cánh mà bay”, đồ đạc sắm về nhiều rồi không dùng đến, chất đống một chỗ, thậm chí “xuân thu nhị kỳ” lại lôi ra thanh lý một lần, nhiều chị em tự phát hoảng với thú vui của mình. Nghiêm trọng hóa hơn một chút, họ đã tự "bắt bệnh" cho chính mình, căn bệnh tên nghe lạ: Shopping online.
Dễ vung tay qúa chán
Mua sắm, luôn là thú vui của chị em phụ nữ. Ảnh mang tính minh họa
Nếu chưa từng một lần mua sắm qua mạng, chưa là thành viên của bất cứ diễn đàn mua sắm nào, chắc bạn sẽ băn khoăn tự hỏi: mua sắm trên mạng có những gì mà người ta lại ham mê đến thế. Câu trả lời rất đơn giản, cứ thử một lần làm khách hàng của các trang web mua sắm trên mạng đi, rồi bạn khắc rõ.
Shopping online luôn đi kèm với đủ thứ tiện ích. Chẳng cần đi đâu xa, bon chen với ai cho mệt, cứ thảnh thơi lướt web, vài cái click chuột vào các đường link, nào quần áo, trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm và đủ thứ hàng hóa linh tinh khác, từ bình dân đến cao cấp, cả nội lẫn ngoại, hàng độc, hàng xách tay đều có cả... đã bày biện ê hề trước mắt. Đương nhiên, giá cả cũng hấp dẫn. Thế là, chỉ một tin nhắn, một cú điện thoại thỏa thuận, vài dòng giao dịch qua chat, rồi chẳng bao lâu, bạn cũng chẳng cần dịch chuyển nhiều, món hàng ưng ý đã nằm trong tay bạn.
Thế nhưng, khi đã qúa lạm dụng, để chúng trở thành một thói quen, thì nhiều chị em tự biến mình thành những “con nghiện” lúc nào không hay. Làm công tác văn thư của một Sở lớn tại Hà Nội, công việc của Minh lúc nào cũng quẩn quanh, nhàn nhã, hết phôtô tài liệu lại soạn thảo văn bản, thành ra lướt web đã trở thành thú vui giết thời gian, trong đó hứng thú nhất là việc mua sắm. Một ngày nếu không chui ra chui vào vài ba lần, điểm danh nhẵn mặt trong các web site mua sắm, điển hình là muare.vn, thì dường như Minh bứt rứt không chịu được.
“Luôn tự nhủ phải tiết kiệm, không mua sắm linh tinh để làm các kế hoạch lớn cho gia đình, vậy mà từ đầu tháng đến nay, mình đã kịp mua đến vài đợt quần áo, giày dép, ga gối rồi vô số những đợt thực phẩm nữa. Mỗi lần mua, hóa đơn thanh toán cũng vài trăm trở nên, thậm chí ngót nghét tiền triệu. Thành ra, vừa mới lĩnh lương từ cuối tháng trước mà đến giờ ví tiền đã "thủng” - chị Minh than phiền về thiệt hại do thói quen quá ham mua sắm của mình.
Rò rẫm trên mạng cả buổi, chọn được món hàng ưng ý rồi động thái tiếp theo của các "tín đồ" shopping online là nhấc điện thoại lên hò hẹn, thống nhất giờ xem, thử hàng. Cứ hết giờ làm việc, việc đầu tiên của Minh là phóng như bay đến "điểm hẹn" để thỏa mãn "cơn nghiền". Rồi cũng nhiều lần được chủ hàng chiều, "ship" đồ đến tận cổng cơ quan. Chiếc "ví tiền" lúc ấy chỉ việc dịch chuyển nhẹ nhàng một quãng ngắn ngủi là đã có thể "dốc ruột dốc gan". Đồ mua nhiều tới mức nhiều khi đi trên đường, thấy người bên cạnh mặc chiếc áo đẹp, Minh mới giật mình, thì ra cô cũng đã từng mua chiếc áo này rồi mà vùi lẫn trong cả "núi" đồ trong tủ, chưa một lần mặc đến.
Mua chán thì cũng có lúc sắm vai người bán. "Xuân thu nhị kỳ", chị Hương, nhà ở Tây Hồ, Hà Nội lại lôi hết đồ của cả mẹ và con cùng đủ thứ thẩm cẩm ra thanh lý. Nào quần áo, giày dép mới dùng vài lần, còn mới nguyên đến 99%, lọ nước hoa vừa xịt thử, thậm chí cả chiếc đẩy của con vì mẹ thấy đẹp ham hố mua về mà chẳng dùng đến, còn chưa bóc tem mác... tuốt tuột được lôi ra để chụp hình rồi rao bán trên mạng với mức giá thanh lý hết sức "giật mình". Khổ chủ để cho những món đồ thân yêu ra đi lòng đầy đau khổ nhưng lại hừng hực ham muốn giải phóng cho đống đồ đạc trong gia đình đã quá tải và gỡ gạc vài đồng để lại được sắm sanh đồ mới. Trên chính những trang web mua sắm luôn ngồn ngộn những link thanh lý đồ như thế.
Tự cai web
Những món đồ đẹp được rao đầy rẫy trên các trang web luôn đầy sức quyến rũ
“Ban đầu cũng chỉ đụng vung tay đến nửa mặt thôi, ai dè lại toàn quá đà, phi lên quá chán luôn” - một thành viên tên N. đưa ra ví von trên một diễn đàn cũng khá nổi tiếng về mua sắm. Ý thức được nỗi nguy hiểm của căn bệnh mình đang mắc phải, chị thậm chí còn kêu gọi ai có hoàn cảnh như chị vào nhập hội để cùng tìm biện pháp… cai nghiện.
Thật không ngờ, lời kêu gọi vừa phát ra, có đến không dưới mười chị em khác nhao nhao nhập hội. Ai nấy đều than phiền về thói quen mua sắm online của mình và quyết tâm chữa trị căn bệnh này.
Họ hiểu phải trị tận gốc căn bệnh bằng không gì hiệu quả hơn là phải cai “web”, quyết tâm đoạn tuyệt với mấy trang web mua sắm. Nhưng xem ra việc này không dễ dàng gì, nhất là khi nó đã trở thành một thói quen, thậm chí là "nghiện ngập".
Bằng chứng vẫn là chị Minh. “Ban đầu, tự giới hạn mình, mỗi khi lướt web thì không được vào mục mua sắm nữa. Vậy mà cứ buồn tay buồn chân, không chịu được, định bụng ghé qua chút thôi, thế là lại bị hấp dẫn, bị lôi cuốn vào lúc nào chẳng hay. Từ link này dẫn đến link khác, từ gian hàng này nhảy sang gian khác. Vậy lại tặc lưỡi, vẫn tiếp tục sự nghiệp mua sắm...”.
“Mình đã cố cai rồi mà vẫn không yên thân. Trong list dài ngoằng ngoẵng của YM, những người bán hàng đã quen nhẵn mặt toàn “khiêu khích” bằng những đường link hàng mới về. Đang ngồi im tập trung vào công việc, bỗng giật nảy mình bởi một link mới được gửi tới toàn hàng "hot" của năm nay. Thôi thì mùa hè đến rồi, chẳng nhẽ không mua chiếc kính, bộ áo tắm đi biển mới, hay góp thêm cho bộ sưu tập guốc dép một vài đôi sandal mới.
Đơn giản chỉ click vào một cái hay gõ một dòng chat, thế là một món tiền lại đi êm như ru để rồi sau đó mới sót ruột. Hay nữa, cứ gặp mấy món đồ thanh lý giá rẻ là mắt lại hoa lên như lên cơn nghiện” - một chị trong hội “cai” web phân bua"
Thế mới biết, khi mua sắm đã trở thành một “căn bệnh” của chị em thì liều thuốc chữa trị thật không mấy đơn giản. Có chăng, “bệnh” chỉ ngưng tái phát khi túi tiền lên tiếng mà thôi…
(Theo N.Hạ // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |