Trong câu chuyện 53/210 mẫu sữa được các tỉnh thành kiểm nghiệm có tỷ lệ đạm thấp hơn công bố, điều đáng quan tâm nhất là tại sao có những loại sữa hàm lượng đạm chỉ đạt 0,62%, hoặc 1,33%? Nếu dùng đúng nguyên liệu bột sữa dùng để sản xuất sữa bột đóng lon, đóng hộp giấy thì không cần pha trộn thêm bất cứ thành phần nào, hàm lượng đạm tối thiểu trong bột sữa đã là 10%.
Dựa trên kinh nghiệm của người làm trong ngành sữa lâu năm, ông Trần Hữu Đức, giám đốc đối ngoại của công ty Nutifood cho biết: ngoài sự xê xích 10% so với chỉ tiêu công bố trên bao bì (mà pháp luật cho phép) do quy trình sản xuất theo kiểu phối trộn hỗn hộp khô, còn có hai lý do có thể gây nên tình trạng hàm lượng các chất béo, chất đạm trong sữa thấp hơn công bố trên bao bì: quá trình bảo quản và nguyên liệu nhập vào. Sữa để ngoài nắng, mưa, chịu ảnh hưởng của nhiệt nóng, sữa gần ngày hết hạn sử dụng… thì hàm lượng các chất trong thành phần sữa bị biến đổi, có thể không còn đúng như thành phần công bố, nhưng mức độ thấp hơn cũng chỉ vài phần trăm, không đến độ triệt tiêu chỉ còn trên dưới 1%. Và lý do chính của sữa có hàm lượng đạm thấp là do đầu vào nguyên liệu đã không đạt.
Gọi tên chung là bột sữa, nhưng thành phẩm của công nghiệp sữa có đủ loại, từ sữa gầy, váng sữa, sữa nguyên kem… với hàm lượng đạm từ 2 đến trên 35%. Phân tích sự khác biệt giữa sữa rẻ và sữa mắc, ông Phạm Ngọc Châu, phó tổng giám đốc công ty sản xuất sữa Dollac cho biết: “Sữa nguyên liệu nhập có 5 – 7 loại, với 5 – 7 nấc giá khác nhau. Thay vì dùng loại sữa gầy hoặc sữa nguyên kem về làm sữa đóng lon, đóng hộp giấy, tôi biết có đơn vị nhập loại bột sữa dùng để sản xuất thực phẩm, bánh kẹo. Sữa này cũng có vị béo, có hương sữa, chỉ cần thêm mùi thơm vào là có thể đem bán”. Theo ông Châu, thì giá thành loại sữa này chỉ vào khoảng 28.000đ/kg, chỉ cần bán thấp hơn sữa có thương hiệu của công ty lớn một chút là có lãi. Và người tiêu dùng – nhất là người ở nông thôn vốn ít tiếp xúc với các sản phẩm từ bơ sữa, chưa phân biệt được vị sữa một cách tinh tế thì không thể cảm nhận được sự khác biệt.
( Theo B. Thuỷ // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |