![]() |
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường giá cả, điều hành giá cả linh hoạt và kịp thời là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp Việt Nam đối phó với nguy cơ suy giảm kinh tế; đồng thời giảm bớt những khó khăn cho DN và người tiêu dùng.
Nhận xét về diễn biến kinh tế thời gian tới, ông Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội cho rằng, việc giá thế giới giảm mạnh hiện nay bắt nguồn từ tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Xu hướng này đang tác động mạnh vào nền kinh tế nước ta theo nhiều kênh, nhiều tuyến khác nhau và có thể gây ra sự đảo chiều từ lạm phát sang thiểu phát bất cứ lúc nào. Xây dựng những phương án điều hành giá cả linh hoạt và kịp thời chính là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm bớt áp lực cho người dân và doanh nghiệp (DN), đồng thời góp phần kích cầu đầu tư, tiêu dùng theo chủ trương của Chính phủ.
Thống kê cho thấy, giá nguyên liệu thế giới những tháng đầu năm 2008 đã tăng 39,85% so với cùng kỳ năm 2007. Nhưng đến cuối năm, giá nguyên liệu đã liên tục “rơi tự do”. Khi giá thế giới tăng cao, nhiều mặt hàng trong nước đã nhanh chóng lên giá, bám sát tình hình thế giới. Nhưng khi giá thế giới đã hạ nhiệt, việc giá trong nước mới chỉ “đi ngang” như hiện nay là chưa tương ứng với thực tế.
Một trong những bất hợp lý dễ nhận thấy nhất chính là việc giá xăng dầu trong nước đã tăng rất kịp thời trong những thời điểm giá dầu thô thế giới lên cao. Nhưng trong thời điểm hiện nay, khi giá xăng, dầu trên thị trường thế giới đã giảm tới 2/3, giá bán lẻ xăng trong nước vẫn chưa có những điều chỉnh tương ứng. Vì vậy, với giá bán lẻ xăng dầu như hiện nay, người tiêu dùng vẫn đang phải mua xăng với mức giá khá cao. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng xăng, dầu bị thiệt thòi mà còn ảnh hưởng tới mục tiêu kích cầu tiêu dùng và đầu tư của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vin vào cớ “thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn ở mức cao nên không thể giảm giá bán lẻ”. Khi Bộ Tài chính có quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 10%, người tiêu dùng ngóng đợi một đợt giảm giá xăng dầu mới thì lại nhận được câu trả lời “thời gian qua doanh nghiệp đã bị thua lỗ quá nhiều nên chưa thể giảm giá ngay để còn bù lỗ”.
Hay theo dẫn chứng của ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, trong năm 2008, giá các mặt hàng dầu ăn, phân bón, gas tăng 5 bậc thế nhưng bước sang năm 2009, khi giá cả các mặt hàng này trên thế giới đều đã giảm, giá trong nước mới chỉ giảm được 1-2 bậc. Như vậy, cần phải xem xét kỹ hơn công tác điều hành giá cả và xét cho cùng giá tăng cao thì người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân và DN không thể tăng cường đầu tư và tiêu dùng khi trong túi không có tiền và giá cả vẫn ở mức quá cao so với khả năng chi tiêu của họ.
Đã có quá nhiều bài học về giá cả
Biến động mạnh về giá tiêu dùng năm 2008 đã vượt xa những dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Trong nửa đầu năm 2008, giá cả đã liên tục tăng mạnh và đạt tổng mức tăng 18,44%. Có thời điểm, yếu tố đầu cơ, găm hàng đã khiến giá gạch xây dựng tăng tới 400% vào cuối tháng 2/2008, giá bất động sản tăng 200% ở thị trường của một số đô thị lớn trên cả nước trong quý I/2008; vào tháng 4, giá gạo cũng đã tăng tới 200%. Song đến cuối năm, giá cả đã quay đầu giảm mạnh 1,62%, xếp sau kỷ lục giảm giá 1,8% từng diễn ra vào quý II-năm 2000. Theo các chuyên gia, hiện kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu với kinh tế thế giới. Vì vậy, những biến động tăng, giảm trên thị trường thế giới sẽ tạo ra những tác động mạnh đến giá thị trường trong nước. Thực tế cho thấy, trong năm qua, giá nhiều mặt hàng như: xăng, dầu, nguyên liệu sản xuất… đã liên tục biến động, bám sát mức giá thế giới.
![]() |
Nếu quản lý giá không tốt thì người dân sẽ phải mua các sản vật của quê hương với giá cao (ảnh Ngọc Thành) |
Theo ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), diễn biến giá cả năm qua đã vượt xa những dự đoán, thậm chí nằm ngoài những quy luật giá cả đã hình thành từ lâu. Không ai có thể ngờ rằng, giá dầu thô thế giới đã lên tới mức 147 USD/thùng lại đột ngột giảm xuống mức dưới 40USD/thùng vào cuối năm 2008. Cũng không ai dự đoán được, những tháng cuối năm đã không xảy ra tình trạng sốt giá như quy luật thường diễn ra hàng năm.
Các chuyên gia cho rằng, xu thế giảm giá sẽ còn tiếp tục diễn ra trên thị trường thế giới năm 2009. Điều này sẽ khiến cuộc chiến chống giảm phát của các quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn như: số người thất nghiệp gia tăng, sức mua giảm, DN gặp nhiều khó khăn và kim ngạch xuất nhập khẩu có thể giảm mạnh.... Tuy nhiên, đây là cơ hội để Nhà nước định hình lại mô hình kinh tế nhằm hướng tới phát triển thị trường trong nước và giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Để giải quyết những tình huống đầy bất ngờ về diễn biến giá cả, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước rất lớn. Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, kinh tế Việt Nam thời gian tới vẫn ngổn ngang những mối lo, trong đó có trách nhiệm xác định phương hướng điều hành giá. Nhà nước sẽ tiếp tục kiên trì cơ chế quản lý, điều hành giá và hệ thống giá theo định hướng thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Chế độ bao cấp, bù giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ sẽ được xóa bỏ, song Nhà nước sẽ thực hiện chính sách trợ giúp, hỗ trợ kịp thời cho cán bộ, công nhân viên chức, các đối tượng chính sách để giảm thiểu những bất lợi khi thực hiện cơ chế giá thị trường.
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, mục tiêu của công tác điều hành giá năm 2009 là đảm bảo tính bình ổn, không để đột biến giá xảy ra, phấn đấu giữ chỉ số giá tiêu dùng ở mức một con số; góp phần thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ về ngăn ngừa suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội./.
( Theo VOV)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |