Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

10 sự kiện kinh tế trong năm 2008

Mỗi khi năm hết, tết đến, chúng ta lại tổng kết, đánh giá lại những việc đã làm được, có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế, tới quốc kế dân sinh. Năm 2008 đi qua với bao thăng trầm của thời cuộc nhưng đã kịp ghi lại 10 dấu ấn kinh tế đáng nhớ.

 
 Bất động sản trầm lắng

1. Lạm phát tăng cao
 
Sau cơn bão giá cuối năm 2007 với sự leo thang của giá xăng dầu, giá cả tiêu dùng những tháng đầu năm 2008 tiếp tục tăng mạnh với chỉ số lạm phát quý 1 là 9%, mức cao kỷ lục trong nhiều năm và cao hơn cả mức tăng trưởng dự kiến của cả năm. Cùng lúc đó, giá dầu, giá lương thực cũng tăng mạnh khiến các chuyên gia dự đoán lạm phát cả năm sẽ ở mức trên 20%. Trước những diễn biến ấy, Chính phủ đã phải triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ để đối phó lạm phát và đây được coi là mục tiêu hàng đầu trong điều hành kinh tế. Chính phủ đã đưa ra tám nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó lần đầu tiên lãi suất cơ bản được sử dụng như công cụ quan trọng để điều hành thị trường tiền tệ, thì đến tháng 11 Chính phủ lại phải ban hành năm nhóm giải pháp khác nhằm ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, trong đó chú trọng đến kích cầu đầu tư và tiêu dùng cũng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Trong năm 2008, Ngân hàng nhà nước đã có ba lần tăng và năm lần giảm lãi suất cơ bản. Lãi suất cơ bản đầu năm 2008 là 8,25%/năm, sau đó lên đỉnh là 14%/năm vào ngày 11/6 và hiện chỉ còn 8,5%/năm. 
 

 

2. Điều chỉnh GDP
 
Lần đầu tiên trong một năm Chính phủ đã phải hai lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP, từ 8-8,5% theo kế hoạch xuống 7% và lại hạ tiếp còn 6-6,5% do sự biến động quá lớn của nền kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước. Xuất khẩu giảm liên tiếp bốn tháng gần đây (tuy vẫn có thể hoàn thành kế hoạch cả năm là 59 tỷ USD) cho thấy tình hình xuất khẩu sắp tới sẽ rất khó khăn. Với khá nhiều biến động, mức tăng trưởng GDP cho năm 2009 được TS Lê Đình Ân - GĐ trung tâm dự báo Kinh tê - Xã hội quốc gia đưa ra ở mức 5,5-6%. Có lẽ đây là mức tăng trưởng hợp lý với một năm 2009 được dự báo là sẽ có rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế. 
 

 

3. Bất động sản trầm lắng, chứng khoán rơi sâu
 
Sau cơn sốt năm 2007, năm 2008 thị trường bất động sản đột ngột trầm lắng theo sự tăng vọt của lãi suất ngân hàng và nhu cầu đầu cơ sụt giảm. Giá nhà đất tại một số nơi ở TP HCM và Hà Nội đã giảm đến 50% nhưng vẫn không có khách mua. Theo Ngân hàng nhà nước, dư nợ cho vay bất động sản trong toàn hệ thống là 115.000 tỷ đồng (tính đến tháng 10), chiếm 9,5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Cũng sau đợt tăng trưởng kỷ lục năm 2007, năm 2008 thị trường chứng khoán lao dốc từ đỉnh cao trên 1.100 điểm hồi tháng 10/2007 xuống còn dưới 306,04 điểm trong phiên đóng cửa ngày 26/12/2008 khiến nhiều nhà đầu tư chán nản. 
 

 

4. Điểm sáng FDI
 
Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm nay là vốn FDI cam kết tăng kỷ lục đạt hơn 60 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm (kể cả phần tăng vốn), tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ. Vốn giải ngân vào khoảng 10 tỷ (đến tháng 11), bằng cả năm 2007. Tuy nhiên, với dự báo tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới còn kéo dài, thì khả năng giải ngân vốn năm sau có thể giảm mạnh khi chủ đầu tư các dự án đầu tư hàng tỷ USD, trong đó phần lớn là các dự án thép, được cấp phép trong năm nay cũng đang gặp khó khăn ở nước họ.
 

Tuy nhiên TS Võ Trí Thành, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương) cũng đã đưa ra lời nhắc nhở: Chúng ta cần phân loại các dòng vốn FDI vào theo tiêu chí tác động tốt hay không tốt, bởi trong thực tế, FDI có nhiều loại, có loại vào để khai thác tài nguyên, khai thác thị trường, tìm kiếm hiệu quả, đặc biệt là những ngành liên quan đến xuất khẩu, FDI vào các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bất động sản...
 

5.Dự báo và cú sốc gạo - thép
 
Cuối tháng 4/2008, lúc giá gạo trên thị trường đang ở mức cao chưa từng có 1.200 USD/tấn thì cơ hội thu lợi đã bị bỏ qua vì lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo vào đầu tháng 4 để đảm bảo an ninh lương thực. Sau đó ba tháng, dù được xuất khẩu lại, nhưng giá gạo chỉ còn hơn 600 USD/tấn và đến tháng 12 giảm còn khoảng 350 USD/tấn. Cùng chịu thiệt hại là các DN thép khi chỉ trong vòng chưa đầy 90 ngày, Bộ Tài chính đã có tới... 3 lần điều chỉnh mức thuế xuất khẩu hàng sắt thép. Sự tăng vọt sản lượng phôi thép xuất khẩu đã không được tổng kết, đánh giá, dự báo đúng mức. Có nhiều ý kiến lo ngại giá thép thị trường trong nước sẽ tăng cao vì khan hiếm phôi. Do vậy, thuế xuất khẩu phôi thép đã được điều chỉnh tăng từ 2% lên 10%, và sau đó là 20%. Trong khi đó, giá phôi thép thế giới không những đã không tăng, mà lại giảm xuống mức trên dưới 900 USD/tấn. Công tác dự báo “có vấn đề” một lần nữa lại khiến DN gặp khó. 
 

 
6. Gói kích cầu 6 tỷ USD
 
Sau nguy cơ lạm phát đầu năm, đến nửa cuối 2008 chúng ta lại phải đối diện với nguy cơ giảm phát. Để hỗ trợ hoạt động sản xuất và an sinh xã hội, Chính phủ đã công bố một gói kích cầu lên đến 6 tỷ USD (gần 110.000 tỷ đồng). Số tiền này sẽ không phải là một gói tài chính cụ thể bơm trực tiếp vào nền kinh tế, mà là các khoản từ giảm thuế, phát hành thêm trái phiếu, bảo lãnh DN vay vốn quốc tế, an sinh xã hội... Một quyết định được cộng đồng DN đánh giá rất cao. Tuy nhiên, vấn đề mà rất nhiều người quan tâm là: Gói 6 tỷ USD dùng để kích cầu lấy từ đâu ra? Và nếu rót tiền sai đối tượng thì Nhà nước đã kích cầu trật mục tiêu... là những lo ngại mà các chuyên gia kinh tế đưa ra. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì, gói nên phân bổ chính cho khối DNNVV, khu vực kinh tế tư nhân và nông thôn, chi cho an sinh xã hội. Bởi "Nếu đầu tư vào khu vực kinh tế quốc doanh sẽ kém hiệu quả vì tuy khối DN này mang lại 40% GDP song chỉ tạo công ăn việc làm cho 6% lao động".
 
 
7. Đại lộ Đông Tây và nỗi lo ODA
 
Vụ quan chức Cty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật thừa nhận trước tòa án Tokyo đã đưa hối lộ (820.000 USD) cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ - GĐ Ban Quản lý dự án đại lộ Đông - Tây TP HCM, đã làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong dư luận Nhật và quốc tế. Chính phủ Nhật quyết định tạm ngừng cung ứng ODA cho Việt Nam. Vụ việc cho thấy cơ chế quản lý vốn ODA cần phải được cải thiện hơn nữa. Trong vô số nguyên nhân, có nguyên nhân do Thanh tra Chính phủ thừa nhận, là quy trình "khép kín" của các dự án ODA đã làm "khó" cho các cơ quan chức năng trong giám sát, quản lý... 
 

 
8. Giá xăng dầu: Lên gấp, xuống vấp:
 
Từ đầu năm 2008 giá dầu thế giới liên tục tăng và đạt đỉnh cao mọi thời đại ở mức 147,27 USD vào tháng 7. Cùng với sự tăng giá ấy, giá xăng dầu trong nước cũng liên tục được điều chỉnh tăng thấp nhất là 1.500 đồng/lít (tháng 2/2008) rồi nhảy vọt tăng tới 4.500 đồng/lít trong lần tăng giá cuối tháng 7/2008. Điều đáng nói là sau khi giá dầu thế giới rớt một mạch hơn 100 USD/thùng, tương đương mức giảm hơn 70%, trong vòng có 4 tháng, về ngưỡng 40 USD/thùng, rồi xuống mức 33-34 USD/thùng. Phản ứng của các DN xăng dầu có vẻ như bị "cóng" do thời tiết lạnh của mùa đông. Giá bán lẻ xăng A92 hiện nay vẫn ở mức 11.000 đồng/lít và đó là đã qua vài lần giảm giá với từng 1.000 đồng/lít mỗi lần giảm. Ở đây có sự không sòng phẳng, khi mà giá xăng dầu thế giới tăng lên, người sử dụng xăng dầu đã chia sẻ với các DN kinh doanh xăng dầu. Nhưng khi giá xăng dầu thế giới xuống, DN chỉ giảm giá nhỏ giọt! 
 

 
9. Thuế thu nhập cá nhân:
 
Không lùi ! Trước kỳ họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (23/12/2008), Chính phủ đã đề xuất hai phương án về lùi thời hạn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân, và coi đây là một giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Phương án thứ nhất đề xuất hoãn thời điểm áp dụng 6 tháng đến 1 năm. Trong thời gian đó, vẫn áp dụng Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, nhưng giảm 30% số thuế cho những người nằm trong diện này. Trong phương án thứ hai, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2009 đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán, đồng thời giảm 30% thuế cho hộ gia đình và cá nhân trước đây thuộc diện nộp thuế thu nhập DN, nay chuyển sang nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc thay đổi hiệu lực thi hành Luật thu nhập cá nhân là sửa đổi luật và không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ. Quốc hội mới có thẩm quyền này. Mặt khác, việc tiếp tục thực hiện Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao cũng không đúng với Luật thuế thu nhập cá nhân, bởi luật có hiệu lực từ 1/1/2009 cũng bãi bỏ pháp lệnh này. Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị vẫn áp dụng thuế thu nhập cá nhân đúng quy định, từ ngày 1/1/2009.  
 

 
10. Lùng nhùng tập đoàn
 
Hoạt động đầu tư trái ngành của các tập đoàn, TCty nhà nước được xem là một trong những nguyên nhân của tình hình kinh tế khó khăn. TS Võ Trí Thành - Trưởng Ban Hội nhập kinh tế quốc tế, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng đó là các tập đoàn, TCty tranh thủ “ngoạm lấy các cơ hội kinh doanh”. Tuy nhiên không có gì đảm bảo rằng việc đầu tư trái ngành này mang lại thành công trong khi rõ ràng nó làm sao nhãng nhiệm vụ chính được nhà nước giao cho. TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện chiến lược công nghiệp, nhấn mạnh: “Tập đoàn có thể lấy lý do đầu tư đa ngành không trái quy định, nhưng mức độ thế nào phải tự xem xét và điều chỉnh. Dư luận cảnh báo là muốn các tập đoàn biết lượng sức mình, không làm lãng phí phần vốn lớn Nhà nước”.

(Theo báo điện tử Diễn đoàn doanh nghiệp)

  • Năm 2008, tổng số tàu cá đăng ký là 45.751 chiếc
  • Ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất trên sàn CK 2008
  • Năm 2008: Sản lượng muối đạt 850.000 tấn
  • Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam: Những thành tựu nổi bật trong năm 2008
  • Những điểm nổi bật của xuất nhập khẩu 2008
  • Những câu chuyện được đọc nhiều nhất năm 2008
  • 2008: Nhiều mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao
  • 10 sự kiện đối ngoại nổi bật năm 2008
  • Tài chính năm 2008: Đầu năm vất vả, cuối năm thư thả
  • Năm 2008, giá trị sản xuất- kinh doanh ngành xây dựng dự kiến đạt 102.219 tỷ đồng
  • 10 sự kiện kinh tế trong năm 2008
  • Các sự kiện nổi bật của TTCK 2008
  • 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2008
  • 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2008
  • Kim ngạch thương mại Nga-Trung đạt 60 tỷ USD vào cuối năm 2008