Với sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các giải pháp, chính sách ngăn ngừa suy giảm kinh tế đã từng bước phát huy tác dụng, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009 tiếp tục có chuyển biến tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng lên liên tục trong 4 tháng qua; tiêu thụ hàng hoá tiếp tục tăng cao; kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước. Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực có xu hướng tăng trở lại; an ninh xã hội được bảo đảm.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tốt
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước đạt 56,57 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 265,64 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,4%); trong đó: khu vực ngoài nhà nước tăng 7,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,7%. Như vậy, trong những tháng đầu năm sản xuất công nghiệp đang có chuyển biến khá tốt. So với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp quý I tăng 3,3% (tháng 1 giảm 4,4%; sang tháng 2 tăng 14,9%; tháng 3 tăng 2,4%); tháng 4 tăng 5,4%; tháng 5 tăng 6,8%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phát triển ổn định
Tính đến ngày 15/5/2009 thu hoạch lúa đông xuân cả nước đạt 1,89 triệu ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó miền Nam đạt 1,84 triệu ha tăng 0,7%; miền Bắc đạt 49,2 nghìn ha, tăng 44,7%. Sản lượng lúa đông xuân ở các tỉnh phía Nam đạt 11,84 triệu tấn, tăng gần 215 nghìn tấn so với năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 9,9 triệu tấn, xấp xỉ vụ đông xuân năm trước. Diện tích lúa đông xuân ở các tỉnh phía Bắc đạt gần 1.148 nghìn ha, tăng 1,6% so với vụ đông xuân năm 2008. Các tỉnh phía Bắc đang tập trung thu hoạch vụ đông xuân, có khả năng sản lượng đạt ngang bằng vụ đông xuân năm 2008. Gieo cấy lúa hè thu ở các tỉnh phía Nam đạt 1,3 triệu ha, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy đạt 1,2 triệu ha, tăng 0,8%.
Về chăn nuôi: 5 tháng đầu năm 2009 phát triển ổn định và có xu hướng tăng. Trong 5 tháng đầu năm đàn bò tăng 1-2% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn tăng 2-3%; đàn gia cầm tăng 7-8%,...
Về lâm nghiệp: Trong 5 tháng diện tích trồng rừng tập trung đạt 45,8 nghìn ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 8,6 nghìn ha, rừng sản xuất đạt 37,2 nghìn ha; diện tích khoanh nuôi, tái sinh và trồng dặm đạt 620,5 nghìn ha, bằng 122,6% kế hoạch năm; khoán bảo vệ rừng đạt 1,84 triệu ha, bằng 120,8% kế hoạch năm và bằng 88,9% so với cùng kỳ.
Về thuỷ sản: sản lượng thuỷ sản 5 tháng đầu năm đạt 1,74 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1,33 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ; tôm đạt 149,6 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ . Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 5 tháng đạt 748,2 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thuỷ sản khai thác 5 tháng đầu năm ước đạt 988,4 nghìn tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 911,7 nghìn tấn, tăng 9%.
![]() |
Thu hoạch lúa đông xuân cả nước đạt 1,89 triệu ha |
Lĩnh vực dịch vụ
Hoạt động của thị trường trong nước khá sôi động. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 5 ước đạt khoảng 91,84 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2% so với tháng 4/2009. Tính chung 5 tháng đầu năm đạt 452,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ vẫn tăng khoảng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đạt 292,8 nghìn lượt khách, giảm 11,1% so với tháng trước và giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1,6 triệu lượt, giảm 18,8% so cùng kỳ.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách: Khối lượng hàng hoá vận chuyển 5 tháng đầu năm ước đạt 260,6 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 69,7 tỷ T.Km, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Khối lượng hành khách vận chuyển 5 tháng đầu năm ước đạt 799,6 triệu hành khách, tăng 6,8%; khối lượng luân chuyển ước đạt 34,4 tỷ HK.Km, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Về xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 1,8 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước; xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 2 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước.
Trong 5 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,86 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 12 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 8,3 tỷ USD, giảm 10,2%. Nếu loại trừ xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm thì tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 20,25 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2009 đạt 5,9 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng trước, trong đó: nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với tháng trước (tháng 1/2009 giảm 47,2% so với tháng 12/2008; tháng 2 tăng 25,3% so với tháng trước; tháng 3 tăng 15%; tháng 4 tăng 6,1%).
Tính chung 5 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,5 tỷ USD, giảm 26,9%.
Trong 5 tháng đầu năm nhập siêu 1,1 tỷ USD, xấp xỉ bằng 5% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2008 nhập siêu 13,47 tỷ USD, bằng 55,7% kim ngạch xuất khẩu). Nếu loại trừ kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và chế phẩm từ kim loại quý, đá quý thì 5 tháng đầu năm nhập siêu là 3,7 tỷ USD, bằng 18,4% kim ngạch xuất khẩu.
Về đầu tư phát triển
Chi đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước tháng 5/2009 ước đạt 9,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2009 chi đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước khoảng 44,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,6% kế hoạch, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn tín dụng đầu tư phát triển tính đến hết tháng 5 năm 2009 thực hiện đạt 34 nghìn tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch, trong đó: tín dụng đầu tư phát triển đạt 23,5 nghìn tỷ đồng, bằng 90,8% kế hoạch, gồm: tín dụng vay dài hạn đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, bằng 23,8% kế hoạch, tín dụng xuất khẩu đạt 14 nghìn tỷ đồng, bằng 140% kế hoạch; vốn ODA cho vay lại đạt 1,5 nghìn tỷ đồng; và phần vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý đạt 10,5 nghìn tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/5/2009 dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 31,4 nghìn tỷ đồng; cho vay học sinh sinh viên đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm đạt 3,75 nghìn tỷ đồng,...
Tính đến hết tháng 4/2009, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án giao thông, thuỷ lợi giải ngân đạt khoảng 3.546 tỷ đồng, bằng 18,1% kế hoạch năm 2009. Nếu chỉ tính thanh toán khối lượng hoàn thành 4 tháng đầu năm mới đạt 1.382 tỷ đồng, bằng 7,1% kế hoạch được giao.
Thu hút vốn ODA: trong 5 tháng đầu năm 2009, ước tổng giá trị giải ngân ODA đạt khoảng 720 triệu USD, bằng 38% kế hoạch giải ngân, trong đó: vốn vay khoảng 649 triệu USD (549 triệu USD vay ưu đãi và 100 triệu USD vay thương mại), vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 71 triệu USD. Tính từ đầu năm tổng giá trị vốn ODA được ký thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt 1.467,47 triệu USD. Trong đó, vốn vay đạt 1.448,02 triệu USD và viện trợ không hoàn lại đạt 19,45 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 5 tháng đầu năm đạt 2,8 tỷ USD, bằng 70,9% so với cùng kỳ năm 2008. Trong 5 tháng đầu năm đã cấp mới và tăng vốn cho 296 dự án với tổng vốn là 6,68 tỷ USD, bằng 23,7% so với cùng kỳ; trong đó vốn đầu tư đăng ký mới là 2,7 tỷ USD, bằng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, vốn tăng thêm là 3,96 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là nhà đầu tư có số vốn đăng ký lớn nhất ở nước ta, với 9 dự án mới, tổng vốn đăng ký 53,5 triệu USD và 3,8 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm. Đứng thứ hai là Hàn Quốc với 59 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD. Xét theo vốn đăng ký mới, Hàn Quốc là đối tác có số vốn đăng ký mới lớn nhất trong 5 tháng đầu năm 2009. Tiếp theo là các đối tác như: Hồng Kông, Singapore và Đài Loan với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 540 triệu USD, 539 triệu USD và 306 triệu USD.
Thu chi ngân sách nhà nước, tiền tệ và giá cả
Thu ngân sách nhà nước: tháng 5 ước đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, ước đạt 157,6 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán năm, xấp xỉ số thu cùng kỳ năm trước.
Chi ngân sách nhà nước: tháng 5 ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng. Tính chung 5 tháng, tổng chi ngân sách đạt 179,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36,5% dự toán năm (cùng kỳ đạt 37%), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tiền tệ, tín dụng: Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến 31/5/2009 ước đạt 1.834 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cuối năm 2008. Tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng ước đạt 306 nghìn tỷ đồng giảm 0,11% so với tháng trước và tăng 19,3% so với cuối năm 2008.
Tổng đầu tư cho nền kinh tế đến 31/5/2009 ước đạt 1.537.900 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cuối năm 2008, trong đó tín dụng đối với nền kinh tế ước 1.465,2 nghìn tỷ đồng tăng 14,9% so với cuối năm 2008. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng VND ước đạt 1.213,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cuối năm 2008. Đầu tư cho nền kinh tế bằng ngoại tệ ước đạt 251,7 nghìn tỷ đồng, giảm 6,3% so với cuối năm 2008, trong đó dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng ngoại tệ ước đạt 251,6 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cuối năm 2008.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2009 tăng 0,44% so với tháng trước và tăng 2,12% so với tháng 12/2008 (cùng kỳ năm trước tăng 15,96%); so với cùng kỳ năm trước tăng 5,58% (cùng kỳ năm trước là 19,09%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2009 tăng 11,59% so với 5 tháng đầu năm 2008.
So với tháng 4/2009, giá vàng tăng 0,61%; giá USD tăng 1,25%. So với tháng 12/2008 giá vàng tăng 17,88%; giá USD tăng 5,18%.
Lĩnh vực xã hội
Trong tháng 5/2009 ngành giáo dục đào tạo tổ chức tốt các kỳ thi kết thúc năm học 2008-2009 ở các cấp; đồng thời tích cực chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học năm học 2008-2009 và tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp năm học 2009-2010. Ngành giáo dục và đào tạo đang nỗ lực để đảm bảo các kỳ thi được thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng, đánh giá đúng chất lượng giáo dục.
Nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 5 của nhiều doanh nghiệp có xu hướng tăng lên. Trong tháng 5 đã tạo việc làm cho khoảng 120 nghìn lượt người, tương đương cùng kỳ năm 2008; trong đó xuất khẩu lao động đạt 4 nghìn người, bằng 61,5% so cùng kỳ năm 2008. 5 tháng đầu năm 2009, tổng số lượt lao động được giải quyết việc làm ước đạt 546,6 nghìn người, bằng 84,1% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 3 vạn người, bằng 83,3% so với cùng kỳ năm 2008.
Các giải pháp trong thời gian tới
Tình hình kinh tế thế giới mặc dù đã có dấu hiệu chuyển biến, nhưng còn rất nhiều khó khăn và có nhiều diễn biến khó lường; những khó khăn của nền kinh tế trong nước, thiên tai, dịch bệnh trong thời tới. Trước tình hình đó, trong chỉ đạo điều hành của các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ về điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến cuối năm tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
Một là, hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ đã ban hành, trước hết là các chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế như: kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu, chính sách tài chính, tiền tệ, giải quyết việc làm cho người lao động,... Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích của các chính sách đã ban hành.
Hai là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu. Tổ chức tốt thị trường nội địa để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng trong nước, góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Ba là, tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục vay vốn kích cầu bao gồm: cho vay vốn lao động, vốn đầu tư phát triển, các thủ tục về hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế,...
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước, ODA, FDI.
Năm là, tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm bớt dịch bệnh hại lúa, cây trồng và vật nuôi. Tăng cường công tác phòng, chống lụt bão trong mùa hè tới. Chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra.
Sáu là, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nhất là những dịch bệnh nguy hiểm, như: tiêu chảy cấp, cúm A/H1N1,... Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; khuyến cáo người dân người dân chủ động đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời khi có các biểu hiện các bệnh dịch nguy hiểm./.
( Theo Minh Quang // Báo Kinh tế và Dự báo )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com