Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân sách tiếp tục bị vung vãi!

Hôm 23.7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố kết quả kiểm toán năm 2008 tại 20 bộ, ngành trung ương, 35 tỉnh, thành phố, 23 tập đoàn, 19 dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh uỷ sáu tỉnh… Một lần nữa, kết quả kiểm toán cho thấy sai phạm trong chi tiêu, sử dụng vốn ngân sách vẫn còn lớn. Nhất là thể chế, kỷ luật hành chính trong việc dùng tiền, tài sản công dường như ngày càng lỏng lẻo hơn…

Thất thu còn quá lớn

Cho dù thu ngân sách năm 2007 vượt dự toán 16% (đạt trên 327.900 tỉ đồng), nhưng trên thực tế, thu ngân sách có thể nhiều hơn do số thất thu qua kiểm toán ở nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp còn rất lớn. Sự hụt thu này có trách nhiệm rất lớn của ngành thuế. Theo ông Lê Minh Khái, phó tổng KTNN, thất thu ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh rất lớn. Kiểm toán hồ sơ thuế của 469 doanh nghiệp tại cơ quan thuế của 35 tỉnh, KTNN đã xác định số phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 452,3 tỉ đồng.

Tình trạng thất thu ở các đơn vị sự nghiệp chưa được chấn chỉnh, nhiều đơn vị chưa kê khai, hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế, tiền sử dụng đất và các khoản thu phát sinh… Kiểm toán tại 235 cơ quan thuộc 21 bộ, ngành và cơ quan địa phương, KTNN xác định số thuế và số thu khác phải nộp thêm vào ngân sách 164,2 tỉ đồng… Những khoản thất thu lớn nhất trong thu thuế nội địa, chủ yếu là do quản lý lỏng lẻo, sử dụng sai mục đích, miễn giảm thuế, ưu đãi thuế không đúng... Qua kiểm toán các dự án dạng “đổi đất lấy hạ tầng”, “giao đất có thu tiền sử dụng đất”…, KTNN đang mang về cho ngân sách nhà nước (NSNN) thêm 1.049 tỉ đồng.

Nguồn thu thuế từ xuất, nhập khẩu, nếu không được kiểm toán, cũng sẽ gây thất thoát lớn. Theo ông Lê Minh Khái, riêng việc xác định thời điểm áp dụng quy định thuế nhập khẩu xăng không phù hợp, đã làm giảm số thuế phải nộp 895 tỉ đồng. Các khoản thuế phải truy thu trong việc chuyển hình thức hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất sang kinh doanh, nhập khẩu tiêu thụ nội địa lên tới gần 492 tỉ đồng.

Ngành tài chính dường như đã rộng tay hơn cho các khoản xoá nợ, hoàn thuế, miễn giảm thuế, khiến KTNN phải kết luận: Việc miễn giảm thuế sai đã tăng hơn năm 2006 số tiền 48,1 tỉ đồng (năm 2006 miễn giảm sai 20 tỉ đồng). Ngành thuế cũng đã để cho số thuế nợ đọng ngày càng lớn: đến hết năm 2007, số nợ đọng đã lên tới 3.911 tỉ đồng, trong đó nợ khó đòi là 1.702 tỉ đồng. Số nợ chuyên thu quá hạn được tổng cục Hải quan báo cáo cũng lên đến 3.166 tỉ đồng, tính đến 31.12.2007. Ngoài ra, các khoản thu từ lệ phí, phí như: học phí, viện phí... và việc sử dụng các khoản vay để bù đắp cho bội chi ngân sách cũng rất lớn.

Điều xót xa là, trong khi người ta vẫn kêu thiếu tiền, thiếu vốn để đầu tư, giải quyết các vấn đề xã hội, số vốn vay nước ngoài về chưa được sử dụng hết năm 2007 rất khổng lồ”: 5.896 tỉ đồng, chiếm 31,2% số rút vốn. Tổng tất cả số kiến nghị tăng thu cho NSNN qua kiểm toán là 4.166 tỉ đồng.

Chi tiêu xả láng!

Báo cáo tổng hợp của KTNN năm nay không ghi nhận được những tiến bộ đáng kể nào trong việc siết chặt kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, chỉ trừ khâu chi thường xuyên (có tỷ lệ chi vượt dự toán thấp, khoảng 3%). Sự lãng phí, thất thoát… vẫn phổ biến và vô nguyên tắc ở nhiều cấp bộ, ngành, địa phương và KTNN đã phải đề nghị giảm chi số tiền 2.731 tỉ đồng qua quyết toán. Hàng trăm dự án, công trình đầu tư được điều chỉnh vốn bất hợp lý, đầu tư, nhưng không được đưa vào sử dụng, hoặc không thể hoàn thành, phải tháo dỡ, cải tạo… Nhiều công trình điều chỉnh vốn đầu tư tới 200 – 500% như: dự án trường cao đẳng Xây dựng Nam Định, các tiểu dự án thuỷ lợi sông Hồng… Dự án xử lý nước thải khu du lịch Đồ Sơn – Hải Phòng đã thanh toán 12 tỉ đồng, nhưng đã ngừng thi công nhiều năm nay. Đồng Nai có 23 dự án đã đầu tư gần 10 tỉ đồng, nhưng chấm dứt thực hiện. Một số dự án nuôi trồng thuỷ sản ở Hải Phòng đã đầu tư, nhưng không còn khả năng thực hiện, làm lãng phí 39 tỉ đồng.

Sự dàn trải, manh mún trong đầu tư là phổ biến nhiều năm nay. Có những dự án được vẽ ra như tại Hải Phòng, vốn cho các dự án đã phê duyệt hết năm 2007 của thành phố này lên tới 12.871 tỉ đồng, trong khi nguồn vốn ngân sách của địa phương hàng năm chỉ khoảng 1.400 tỉ đồng. “Nếu thành phố này dừng đầu tư xây dựng các công trình mới, thì phải chín năm nữa mới đầu tư xong các công trình đã phê duyệt”, ông Khái nói.

KTNN đã nhận xét về tình hình đầu tư: hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều vi phạm luật Đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng chậm, làm tăng chi phí, gây lãng phí ngân sách; hầu hết các dự án, công trình khi nghiệm thu đều phải giảm trừ do thanh toán trùng lắp, sai đơn giá, sai khối lượng… Qua kiểm toán, vấn đề bội chi ngân sách được lưu ý: hầu hết các địa phương có nhận bổ sung kinh phí từ ngân sách trung ương, nhưng kết dư lớn (Bình Phước dư 334 tỉ đồng, Quảng Ninh dư 329 tỉ đồng) trong khi Nhà nước phải đi vay để có nguồn bội chi. Trên thực tế, bội chi năm 2007 còn vượt 0,64% so với nghị quyết Quốc hội giao.

Tất cả những con số trên cho thấy, kỷ luật, kỷ cương trong việc thu, chi, sử dụng vốn, tài sản nhà nước vẫn rất lỏng lẻo và chưa được cải thiện. Một bằng chứng dễ thấy nữa về sự coi thường các quy định, chính sách về chi tiêu công là năm 2007, việc thực hiện các kiến nghị về tài chính của KTNN – với tư cách là cơ quan kiểm tra, giám sát của Quốc hội tại các cơ quan, đơn vị nhà nước có sai phạm chỉ đạt 67,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 89% của năm 2006. Như vậy, cho dù KTNN hàng năm thực hiện hàng ngàn cuộc kiểm toán, nhưng kết luận ra sai phạm, đơn vị được kết luận chưa thực hiện, thì việc kiểm toán, đề nghị xử lý dù nghiêm khắc cũng chưa có tác dụng.

Chỉ cần với một động tác: Quốc hội phải cắt giảm chi ngân sách cho các đơn vị, cơ quan chi tiêu, sử dụng vốn lãng phí, không hiệu quả, không thực hiện nghiêm kỷ luật… cũng đã có thể thay đổi tình hình. Đáng tiếc, những giải pháp để thay đổi thực tế này, lại chỉ được lãnh đạo KTNN cho biết: đang nghiên cứu, rà soát...

( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Công nghiệp tăng trưởng theo hướng “bần cùng hoá”
  • Đòi hỏi sự minh bạch và hiệu quả
  • Đại lãng phí đất công: bó tay?
  • Diễn đàn Một chiến lược quốc gia cho hàng Việt : Chỗ đứng thật sự cho hàng nội
  • Diễn đàn chiến lược quốc gia cho hàng Việt: Những doanh nghiệp tự lót đường đi
  • Chiến lược quốc gia cho hàng nội Thị trường nội địa: “Đầu kéo” tăng trưởng
  • Sống chung (và sống sót) với hàng Trung Quốc
  • Diễn đàn: Một chiến lược quốc gia cho hàng Việt Nam - Nói với người tiêu dùng chiến lược
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi