Bộ LĐ-TB&XH vừa phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo đề án Phát triển thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tại hội thảo, hàng loạt vấn đề đã được đưa ra như cung - cầu, chuyển dịch lao động…
Phải có những thống kê chuẩn xác
Giai đoạn từ 2011 đến 2020 thị trường lao động có điều kiện phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng do các nước ASEAN bước vào thời kỳ hợp tác và hội nhập sâu rộng hơn. Các nước trong khu vực cũng đã ký kết Hiến chương ASEAN để hình thành một Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Theo hiến chương này, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư vốn và lao động (có kỹ năng) sẽ được dịch chuyển tự do trong khu vực ASEAN. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam. Vì vậy, mục tiêu mà đề án đặt ra là cải thiện kết nối cung - cầu, nhằm tăng khả năng có việc làm bền vững và giảm thất nghiệp, thiếu việc làm.
![]() |
Đào tạo, nâng cao chất lượng lao động là vấn đề cấp thiết. Ảnh: Thái Hiền |
Theo dự thảo đề án, mục tiêu phát triển thị trường lao động được chia thành 2 giai đoạn: Thời kỳ 2011 đến 2015, quá trình tăng trưởng tập trung vào chuyển dịch cơ cấu lao động và mở rộng việc làm. Việc làm trong nông nghiệp giảm xuống còn 40% vào năm 2015; 60% lao động qua đào tạo và 40% lao động qua đào tạo nghề; tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị dưới 5%.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, điều quan trọng nhất là phải hoàn thiện thể chế thị trường lao động và những thể chế này phải được quốc tế thừa nhận. Ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh đến tính chính xác và nhất quán trong những phân tích, dự báo của thị trường lao động.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH tỏ ra băn khoăn về con số thống kê doanh nghiệp (DN) ở nước ta. Tổng cục Thuế thì cho rằng có hơn 300 nghìn, trong khi theo con số của Cục Việc làm chỉ có hơn 200 nghìn DN. Với con số dự báo không chuẩn thì số người lao động có việc làm hiện là bao nhiêu là một dấu hỏi lớn. Ông Nguyễn Đại Đồng nêu một thực tế: "Hiện nay có tình trạng cung thiếu và cầu cũng thiếu. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn cao thì DN lại "kêu" không tuyển được lao động, vậy nguyên nhân ở đâu, hay do việc điều tra, dự báo của chúng ta không chuẩn?".
Cần tính đến yếu tố hội nhập quốc tế
Nhiều chuyên gia lao động cho rằng, yếu tố chuyển dịch lao động rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển thị trường lao động. Cùng với quy định về cung - cầu, tiền lương, quan hệ lao động, thì chuyển dịch lao động được coi là vấn đề mấu chốt.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, hội nhập quốc tế, dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN sẽ phát triển. Lao động ở các nước ASEAN có quyền vào nước mình làm việc và ngược lại. Vậy, đề án phát triển thị trường lao động cần tính đến chuyện này một cách cụ thể. Nếu tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động thì chú trọng vào đẳng cấp lao động để được quốc tế thừa nhận. Ngược lại, xác định là nước nhập khẩu lao động thì phải có những quy định, mục đích tiếp nhận rõ ràng, cụ thể, tiếp nhận những đối tượng lao động nào, những lao động mình cần chứ không phải lao động mà các nước thừa.
Về vấn đề này, ông Chu Quang Cường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, thị trường lao động cần quan tâm đến ba vấn đề chính là quan hệ lao động (đặc biệt là vấn đề tiền lương); cung- cầu lao động và hội nhập quốc tế. Chúng ta phải xác định rõ phát triển thị trường lao động theo hướng xuất khẩu hay nhập khẩu lao động. Không thể để tình trạng khi đưa một lao động ra nước ngoài làm việc thì vô cùng khó khăn, trong khi lấy lý do hội nhập để lao động nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam lại quá dễ dàng.
Như vậy, theo nhận định của các chuyên gia về lao động, rõ ràng để có được một thị trường lao động phát triển như mong muốn, trước hết công tác thống kê, dự báo phải chuẩn xác. Từ đó, các kế hoạch, chiến lược được hoạch định ra mới có tính khả thi. Ngoài ra, theo Kế hoạch hành động của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, các nước trong cộng đồng sẽ cùng xây dựng một bộ chuẩn nghề, công nhận trình độ nghề của các nước trong cộng đồng. Nếu không tính đến yếu tố này, chắc chắn việc nhập khẩu lao động ở trình độ trung bình sẽ xảy ra. Khi đó, người lao động trong nước sẽ mất đi cơ hội có việc làm, nhất là những công việc có yêu cầu trình độ nghề tương đương với một số nước trong khu vực.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com