Thời kỳ sôi động của các thị trường xuất khẩu lao động đã qua đi. Thị trường thấp cấp xuống dốc, thị trường thu nhập cao không tuyển được đã tạo ra một cuộc sàng lọc thực sự đối với những doanh nghiệp “ăn xổi” và chuyên “hớt” váng
Lương thấp, khó tuyển
Ba thị trường được coi là dành cho người nghèo và cũng tiếp nhận nhiều lao động nhất là Trung Đông, Malaysia và Đài Loan đã thực sự chững lại. Năm 2006, thời kỳ đỉnh điểm của thị trường Malaysia, chỉ trong vòng hơn một năm khi thị trường này được khai thông, con số lao động nước ta sang Malaysia làm việc đã lên tới hàng vạn người. Người lao động xuất cảnh với mức phí thấp (khoảng 30 triệu đồng trở xuống) và không yêu cầu về tay nghề. Việc đưa người đi ồ ạt đó đã phát sinh những vấn đề không tránh khỏi: đình công, về nước trước hạn… và không ít các tệ nạn khác như đánh nhau, cờ bạc, uống rượu, trộm cắp… Đến nỗi, mặc dù rất cần lao động nước ngoài nhưng từ năm 2007, chính phủ Malaysia đã hạn chế tiếp nhận lao động nam nước ta vì… sợ.
Cộng thêm với mức thu nhập thấp, trung bình mỗi tháng, người lao động được nhận mức lương từ 1- 5 triệu đồng, tùy thuộc vào công việc, nhà máy và số giờ làm thêm. Bởi vậy, từ giữa năm 2007 tới nay thị trường Malaysia hầu như không tuyển được lao động. Các doanh nghiệp “mở” rất nhiều cách như về tư vấn tại các xã, cho vay 100% chi phí trước khi đi, nhưng người lao động vẫn từ chối. Tới nay, thị trường này chỉ thu hút được một số lượng rất nhỏ lao động đi cho dù hợp đồng cung ứng vẫn tới tấp đến với các doanh nghiệp.
Ba thị trường tiếp nhận nhiêu lao động nhất là Trung Đông, Malaysia và Đài Loan đã thực sự chững lại |
Sau Malaysia, thị trường Trung Đông cũng là nơi tạo việc làm cho nhiều lao động diện này nhưng 11 tháng đầu năm nay chỉ có gần 3.000 lao động được đưa sang Trung Đông làm việc, chủ yếu trong ngành xây dựng. Thực tế thì không nhiều doanh nghiệp “mặn mà” với thị trường Trung Đông bởi mức lương cho người lao động không cao hơn Malaysia là bao nhiêu, trong khi đó điều kiện lao động nắng nóng, khắc nghiệt. Điều quan trọng nhất là khi có vấn đề xảy ra với người lao động, doanh nghiệp phải bay sang giải quyết với chi phí rất tốn kém.
Hiện tại, chỉ còn thị trường Đài Loan vẫn thu hút được sự chú ý của đông đảo người lao động. Trong 11 tháng qua, số lao động được đưa sang Đài Loan đã vượt con số 30.000 người, chủ yếu làm việc trong các nhà máy, công xưởng… Tuy nhiên, với mức phí môi giới đang ngày một leo thang tại thị trường này, không ít doanh nghiệp đã phải từ bỏ đơn hàng do đối tác đòi mức phí môi giới lên tới 4.000 - 6.000 đô-la/lao động. Với mức phí môi giới như vậy, người lao động phải chi trả chi phí trước khi đi quá nhiều. Đây cũng là nguyên nhân của rất nhiều rủi ro sau này như: lao động bỏ trốn, kiện tụng nếu phải về nước trước hạn...
Lương cao, càng khó tuyển
Trong lúc nhiều thị trường truyền thống đang ngày càng trở nên khó khăn, không ít doanh nghiệp đã tìm đến với những thị trường mới, thu nhập cao như Mỹ, Canada, Phần Lan, Séc… Nhưng khi tiếp cận với những thị trường này, không ít doanh nghiệp đã phải chùn bước vì yêu cầu đối với trình độ của người lao động cao.
Một trong những công ty bền bỉ nhất với thị trường lao động Mỹ là Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty đã tìm kiếm được những hợp đồng với thu nhập từ 1.200 - 1.500 đô-la/tháng cho người lao động, nhưng cuối cùng cũng hầu như không tuyển được nguồn cung ứng. Vấn đề đặt ra là lao động có trình độ đại học nước ta đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nhưng trình độ ngoại ngữ lại không đáp ứng được. Chính bà Nhàn sau thời gian tốn kém không ít chi phí khai thác thị trường Mỹ cũng phải chấp nhận từ bỏ, cho dù nhìn thấy “miếng bánh” vẫn còn.
“Thị trường Mỹ cũng đang rất cần y tá với mức lương khá cao, tới vài ngàn đô-la mỗi tháng nhưng họ yêu cầu phải có trình độ tiếng Anh đạt 550 điểm TOEFL”, bà Nhàn cho biết. Những yêu cầu cao như vậy đã khiến doanh nghiệp bỏ công sức và tiền của đầu tư vào thị trường này khó tìm được hướng đi sáng sủa hơn.
Tại Canada, một số ngành nghề được Chính phủ nước này thông báo là đang thiếu trầm trọng lao động và sẽ có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài trong nay mai là xây dựng, khai thác mỏ, nông nghiệp, giúp việc gia đình và làm việc trong các viện dưỡng lão. Riêng ngành xây dựng với tốc độ tăng trưởng cao sẽ là ngành thiếu nhiều lao động nhất. Chỉ ở một bang nhỏ như bang Bistic Columbia (BC) sẽ thiếu khoảng 60.000 lao động xây dựng. Với mức lương trung bình khoảng 3.200 đô-la/tháng, trừ khoảng 50% thu nhập cho chi phí sinh hoạt, bảo hiểm... người lao động sẽ còn ít nhất 1.500 đô-la/tháng.
Tuy nhiên, đây là cơ hội không dễ tận dụng với các doanh nghiệp. Bởi yêu cầu về trình độ của người lao động cũng khá khắt khe. Hầu như các nhà tuyển dụng Canada đều yêu cầu người lao động ngoại quốc phải có chứng chỉ nghề tương đương hoặc chứng chỉ nghề do chính hệ thống giáo dục của Canada cấp. Điều này không những là yêu cầu về trình độ tay nghề mà còn yêu cầu rất cao về trình độ ngoại ngữ của người lao động. Người lao động khi tham gia tuyển dụng phải trải qua kỳ thi sát hạch nghề nghiệp rất nghiêm túc. Với yêu cầu khá cao, rất khó để người lao động nước ta đáp ứng được yêu cầu này khi nguồn nhân lực có chất lượng trong nước cũng đang khan hiếm. Mặt khác, những lao động đạt chuẩn thì không khó khăn để có được một công việc với mức lương cao trong nước nên không mặn mà gì để ra nước ngoài làm việc.
Tìm tới “phao” đào tạo
Thị trường lao động ngoài nước đang ngày càng thu hẹp lại với lao động phổ thông đã khiến không ít doanh nghiệp nghĩ tới việc tập trung đầu tư cho đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung ứng. Các chuẩn mực quốc tế về nguồn nhân lực đang được doanh nghiệp đầu tư thông qua việc đầu tư các trường cao đẳng, trung cấp nghề nhiều chục tỷ đồng và “mua” luôn các bộ giáo trình chuẩn, thuê giáo viên từ Mỹ, Canada, Nhật… để đào tạo cho lao động và có chứng chỉ được những nước này thừa nhận. Về lâu dài, người lao động sẽ có nhu cầu được làm việc ở các thị trường có thu nhập cao. Đây cũng là con đường rất nhiều nước phát triển đã trải qua như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật… đó là tiến tới xuất khẩu những lao động có trình độ.
Đương nhiên, với những khoản đầu tư cho đào tạo lên tới nhiều chục tỷ đồng trong khi đồng tiền thu về quá chậm, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng và tâm huyết để đầu tư. Nhưng chắc chắn đây là con đường doanh nghiệp phải đi. Thực tế đang diễn ra này cũng làm nên một cuộc thanh lọc thực sự đối với các doanh nghiệp trong giới xuất khẩu lao động, khi thị trường thấp cấp xuống dốc, không ít doanh nghiệp không đủ năng lực đầu tư cho thị trường thu nhập cao đã phải đóng cửa, thậm chí nợ lương nhân viên trong nhiều tháng liền.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com