Bảy tháng năm 2008, cả nước xuất khẩu 36,876 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ và là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao hơn như dầu thô, gạo, dệt may, giầy dép, đá quý và kim loại quý, thủy hải sản, đồ gỗ…
Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đạt kha, ngoài một phần tăng về lượng, phần đáng kể là do giá các mặt hàng đó trên thế giới đều tăng ở mức cao. Dù sao cũng phải nói rằng, trong lúc thế giới còn nhiều biến động, hoạt động xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực có mức tăng trưởng khiêm tốn thì kết quả tăng xuất khẩu tới 37,6% của Việt Nam là đáng trân trọng. Nhất là khi 13/22 mặt hàng quan trọng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá mạnh. Nếu giữ nguyên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu này thì năm nay kim ngạch xuất khẩu sẽ không chỉ dừng ở con số 62 tỷ USD mà có thể đạt 66 – 67 tỷ USD. Tuy nhiên, việc đạt chỉ tiêu xuất khẩu 62 tỷ USD không phải là chuyện dễ như “lấy đồ trong túi”. Trong 5 tháng còn lại và chỉ tiêu còn lại cần phải có sự nỗ lực rất lớn của nhiều ngành, nhiều địa phương. Thách thức cần vượt qua của 5 tháng còn lại không hề nhẹ nhàng chút nào.
Thứ nhất, trong số những nhóm, ngành hàng xuất khẩu quan trọng thì có tới 2 nhóm hàng nông lâm hải sản và nhóm khoáng sản khó có sự tăng trưởng về lượng trong lúc giá thế giới lại đang xuống rất mạnh. Sản lượng gạo có thể tăng thêm một triệu tấn nhưng giá gạo thế giới đang giảm mạnh, thậm chí chỉ còn một nửa. Bảy tháng đầu năm bình quân giá xuất của ta có thể đạt 800 USD/tấn, nhưng bình quân giá những tháng cuối năm có thể chỉ 450 – 500 USD/tấn. Cà phê, hạt tiêu đã không tăng về lượng, lại đang chững lại về giá.
Mặt hàng thủy hải sản đang khó lưu thông vì vấn đề vốn thiếu của doanh nghiệp và giá bán cũng đang xuống. Đối với mặt hàng khoáng sản, dầu thô đạt khoảng 7,8 triệu tấn dầu thô trong 7 tháng mới chỉ ước chừng 50% so kế hoạch. Trong lúc thời gian còn lại ngắn hơn mà phải gánh 50% và vào mùa khó khai thác. Giá dầu thô thế giới hiện đã giảm 20% so với lúc cao nhất (147 USD/thùng) và đang tiếp tục giảm. Mặt hàng than đá đang được tổ chức quản lý lại và con số 32 triệu tấn than xuất khẩu của năm trước đã khép lại những năm xuất than nhộn nhịp của Việt Nam. Như vậy hi vọng tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn trông vào nhóm hàng công nghiệp. Trong đó dệt may sẽ vượt chỉ tiêu 9,5 tỷ USD nhưng da giầy đang gặp khó khăn do việc EU thôi cấp ưu đãi cho da giầy Việt Nam…
Thứ hai, một số mặt hàng được kì vọng tăng trưởng mạnh thì đang chững lại. Đó là điện tử và linh kiện, đồ gỗ, dây cáp điện… Hàng điện tử trong 7 tháng chỉ đạt 1,44 tỷ USD so với kế hoạch 3,2 tỷ USD năm nay. Như vậy 5 tháng còn lại phải thực hiện vượt cả mức thực hiện của 7 tháng. Dây cáp điện 7 tháng cũng chỉ đạt được 45% kế hoạch năm; sản phẩm gỗ cả năm dự kiến 3 tỷ USD thì 7 tháng mới đạt 1,59 tỷ USD.
Thứ ba, trong 7 tháng có một số mặt hàng “bị” xuất khẩu mà những tháng cuối năm không thể tái diễn. Đó là thép, 7 tháng đầu năm doanh nghiệp xuất hơn 1 tỷ USD thép và phôi thép. Điều này cuối năm khó lặp lại vì chúng ta đang phải tiếp tục nhập phôi và thép phục vụ nhu cầu trong nước. Những tháng đầu năm ta nhập 62 tấn vàng, đồng thời cũng tranh thủ lúc thị trường thế giới tăng giá doanh nghiệp cũng xuất khẩu một ít. Phân bón cũng “bị” xuất khẩu trong bối cảnh tương tự. Những hiện tượng này cuối năm nay sẽ không lặp lại nên sẽ hụt về kim ngạch.
Thứ tư, một loạt khó khăn cho sản xuất xuất khẩu chậm được khắc phục. Đó là vấn đề thiếu điện cho sản xuất, đó là việc vốn vay vẫn chịu lãi suất cao quá mức chịu đựng của doanh nghiệp, là tỷ giá VNĐ và USD đang có lợi cho nhập khẩu hơn xuất khẩu, là những ách tắc trong vận tải biển… Những khó khăn đó chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp.
Cho nên có thể nói, mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng trên 37% là rất cao nhưng nếu không nỗ lực dồn sức, tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất lưu thông thì việc thực thực hiện kế hoạch xuất khẩu của năm nay vẫn khó mà hoàn thành.
(Theo Kinh tế & Đô Thị)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com