Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ lãi suất kích cầu.
TS. Trần Du Lịch |
Đánh giá của ông về tác động của gói vốn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sắp kết thúc?
Về mặt định tính, tác dụng của gói kích cầu ngắn hạn bằng VND tại Quyết định 131/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã đem lại hiệu quả nhất định. Nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất, DN đã tránh được nguy cơ phá sản, sa thải công nhân. Ngược lại, họ còn duy trì được sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, chính sách hỗ trợ lãi suất theo chủ trương trên đã tạo điều kiện cho ngân hàng phát triển tín dụng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần xem xét lại đối tượng khách hàng, cũng như mức lãi suất hỗ trợ. Có thể điều chỉnh mức lãi suất hỗ trợ từ 4% xuống còn 2%/năm, đồng thời nên xem xét để thu hẹp đối tượng được hưởng mức hỗ trợ.
Với gói vốn kích cầu thứ hai (trung và dài hạn) theo chủ trương tại Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo ông, có nên tiếp tục đẩy mạnh?
Đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong gói vốn này là nông dân ở khu vực nông thôn và làng nghề. Với gói kích cầu này, tôi cho rằng, cần duy trì và có sự đẩy mạnh, kể cả sang năm 2010. Có như vậy mới có thể tái cấu trúc được nền kinh tế. Song điều quan trọng là chủ kinh doanh và DN phải có chiến lược kinh doanh, phát triển mang lại hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến tốc độ lạm phát. Theo ông, kiểm soát dư nợ ở mức nào là hợp lý?
Theo tôi, giữ mức kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 30% trong năm nay là hợp lý. Để chủ động kiểm soát lạm phát, không nhất thiết phải khống chế ở một tỷ lệ nhất định, mà cần có sự linh hoạt. Nếu giữ mức tăng trưởng tín dụng dưới 30%, thì tổng cầu trong lưu thông không lớn, bởi thực tế, cung tiền còn phụ thuộc vào vòng quay của nền kinh tế. Nếu vòng quay của nền kinh tế nhanh, cung tiền tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ lạm phát. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam hiện còn chậm, nên không ảnh hưởng nhiều tới tốc độ lạm phát.
Như vậy, nguy cơ lạm phát tái bùng phát là không đáng ngại, thưa ông?
Hiện các chuyên gia trên thế giới còn đưa ra kiến nghị nên tiếp tục đẩy mạnh kích cầu, còn không sẽ bị mất đà tăng trưởng. Đối với Việt Nam, chính sách hỗ trợ lãi suất kích cầu có phần khác hơn là vừa làm, vừa canh chừng lạm phát. Ngoài yếu tố cung tiền tăng sẽ gây áp lực lên lạm phát, ở Việt Nam, còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến tốc độ lạm phát (giá dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào). Trên thực tế, trong năm 2008, sở dĩ lạm phát tại Việt Nam tăng cao phần lớn là do giá nhiên liệu, sắt thép, lương thực tăng… Tuy nhiên, theo tôi, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 30%, thì sẽ kiểm soát được lạm phát.
(Theo Thùy Vinh // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com