Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Doanh nghiệp giữ vai trò quyết định trong tái cơ cấu kinh tế”

Trong số báo trước (ra ngày 19.10), Sài Gòn Tiếp Thị đã lược đăng những nội dung cơ bản trong dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế (TCCKT) do bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng. Dịp này, Sài Gòn Tiếp Thị phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tổ trưởng tổ soạn thảo bản đề án:

Đã có nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề là việc TCCKT cần phải được tiến hành sớm, như một giải pháp thoát khỏi suy thoái và phát triển ở trình độ cao hơn, rút kinh nghiệm từ bài học chậm cải cách sau cuộc khủng hoảng 1997 trước đây. Nhưng đề án lại đặt ra thời hạn triển khai vào năm 2011?

TCCKT lần này là quá trình chuyển dịch từ sản xuất những sản phẩm dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên, khoáng sản, thâm dụng lao động rẻ… sang những ngành nghề chế biến sử dụng công nghệ cao, thâm dụng vốn lớn để đạt những giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đó là sự dịch chuyển từng bước lên một nấc thang phát triển mới mà trong ngắn hạn, không giải quyết được. Khủng hoảng kinh tế bộc lộ rõ nhiều yếu kém của nền kinh tế, tất nhiên cũng gây sức ép để đẩy nhanh tái cơ cấu. Nhưng rõ ràng là nền kinh tế chúng ta đang có nhiều điểm yếu về cơ cấu nên quá trình tái cơ cấu phải diễn ra liên tục. Tất nhiên, có những vấn đề mang tính chất điều hành thì Chính phủ cũng phải thực hiện ngay.

Trong đề án có nêu rằng, nhà nước không có vai trò quyết định trong quá trình TCCKT. Thế thì, nhà nước cần có định hướng chính sách và tác động thế nào để đạt được các mục tiêu về TCCKT?

Nhà nước sẽ giữ vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp hoạt động tốt. Nhà nước thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu bằng các chính sách đòn bẩy kinh tế để các nguồn lực kinh tế, tài nguyên, tài chính được sử dụng có hiệu quả hơn. Vốn đầu tư toàn xã hội phải được định hướng, bằng chính sách vào các ngành có độ nhạy cảm, có sức lan toả cao. Nhưng suy cho cùng, chính đội ngũ doanh nghiệp giữ vai trò quyết định trong chuyển dịch TCCKT. Dù không phải giữ vai trò quyết định nhưng với việc đảm bảo ổn định về kinh tế vĩ mô, Chính phủ phải làm cho môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, dễ đoán định, doanh nghiệp mới có những hoạt động đầu tư lớn, có sáng tạo, đổi mới và kinh tế mới chuyển dịch tích cực.

Trong quá trình TCCKT thì vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Theo như dự thảo đề án có đánh giá thì kinh tế nhà nước nhiều năm qua chưa đạt hiệu quả cao. Như thế, trong việc TCCKT những năm tới thì vai trò kinh tế nhà nước sẽ đặt ở đâu để có sự công bằng với các thành phần kinh tế khác và có hiệu quả với nền kinh tế?

Phải quan niệm là trong thời kỳ phát triển mới thì khu vực kinh tế nào cũng có vai trò quan trọng, có ý nghĩa lớn của nó. Doanh nghiệp nhà nước tuy không lớn so với bên ngoài nhưng trong nước vẫn là lớn so với khu vực kinh tế tư nhân về nguồn lực tài chính, tài nguyên… Cho nên, khối doanh nghiệp này vẫn có điều kiện tiền đề nhất định để đổi mới công nghệ, có vai trò dẫn dắt về năng lực, khả năng cạnh tranh. Trong thời kỳ mới, Nhà nước phải đặt ra tiêu chí về hiệu quả, năng lực cạnh tranh, về trình độ công nghệ đối với các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng khối doanh nghiệp nhà nước sắp tới chỉ nên nắm giữ một số ngành, lĩnh vực chủ chốt, có sức ảnh hưởng, lan toả tới các khu vực khác. Nhà nước tuy tập trung nguồn lực vào một số doanh nghiệp thì vẫn phải đảm bảo có sự cạnh tranh, phối hợp giữa các khu vực kinh tế.

Trong các giải pháp để TCCKT mà các ông đặt ra thì cũng có nhiều việc thực tế vừa qua, hiện nay nhiều bộ, ngành vẫn đang làm. Dường như đề án còn thiếu những đề xuất, giải pháp mới, mạnh và cần thiết để việc TCCKT thực hiện có kết quả rõ ràng?

Đúng là có những điều đã được đặt ra và đang triển khai thì nó cũng có tác động lớn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế như chính sách đào tạo nguồn nhân lực, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ… Nhưng các giải pháp mới cũng không hẳn là nhằm thúc đẩy, ép buộc mà cơ cấu kinh tế cần nhất có sự kết nối, thống nhất với nhau để đi tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Có những vấn đề mà chúng tôi cũng thấy Chính phủ buộc phải làm ngay để chuyển dịch cơ cấu kinh tế như vấn đề hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư như thế nào để định hướng doanh nghiệp chuyển đổi sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, không hao tốn nhiều năng lượng, tài nguyên…

Chúng ta đều thấy, hoạt động xuất khẩu suốt từ năm 2000 đến nay hầu như vẫn là xuất khẩu các sản phẩm khoáng sản thô, hàng nông, lâm, thuỷ sản sơ chế… nói chung là có hàm lượng công nghệ, chất xám trong đó rất thấp, hầu như không thay đổi. Hay đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, vào lĩnh vực bất động sản… Cho nên, chúng tôi đề xuất cải cách hệ thống ấy. Nó bao gồm cả các chính sách trong hệ thống thuế, chính sách đầu tư… do đó, cần sửa đổi lại luật Ngân sách nhà nước, các luật Thuế, luật Đầu tư.

Chúng tôi cũng cho rằng, Nhà nước phải đầu tư lớn cho hệ thống thông tin quốc gia, cung cấp đầy đủ, nhanh những thông tin kinh tế, thông tin về các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế...

Nếu như việc thực hiện luật Doanh nghiệp trước đây rất thành công cũng nhờ có một tổ công tác thi hành luật làm việc rất tích cực thì với đề án quan trọng như thế này, có cần một cơ quan tương tự?

Trong quá trình thảo luận, góp ý xây dựng đề án thì cũng có ý kiến nêu như vậy vì cũng cần có quá trình giám sát, theo dõi thường xuyên việc thực hiện các giải pháp để có sự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, tác động được vào những vấn đề cốt lõi để có sức lan toả sang những cái khác và nhất là để điều chỉnh, uốn nắn các vấn đề đi chệch ra khỏi mục tiêu. Hoặc là có sự điều chỉnh những điểm còn bất hợp lý. Đây mới là dự thảo ban đầu và chúng tôi còn cần lắng nghe ý kiến các chuyên gia kinh tế để tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện đề án.

( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Thứ trưởng bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh: Các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá
  • Thời gian làm giấy chủ quyền nhà đất sẽ giảm
  • Bảo hiểm tiền gửi cần có chỗ tựa vững chắc
  • Doanh nghiệp Việt cạnh tranh mới chỉ dựa trên giá rẻ
  • Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy: Sẽ sớm công bố báo cáo về ổn định tài chính
  • Địa phương cần thực tế khi thu hút các hãng hàng không
  • Cần đảm bảo an toàn khi xây nhà máy điện hạt nhân
  • Ông Nguyễn Trọng Hòa: "Mất mảng xanh vì... quản lý quy hoạch chưa chặt"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi