![]() NHNN chưa tính tới việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Ảnh: Hoài Nam |
Mặc dù tỷ giá chính thức tăng gần như liên tục, nhưng so với “tỷ giá” trên thị trường tự do thì mức chênh lệch vẫn lên đến 500-700 đồng/USD. Điều này cho thấy, thị trường ngoại hối hết sức căng thẳng.
“Do thiếu ngoại tệ, các doanh nghiệp có ngoại tệ đã găm giữ, còn doanh nghiệp có nhu cầu, muốn mua ngoại tệ tại ngân hàng phải trả một khoản phí”, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á, bà Phạm Thị Loan (đại biểu Hà Nội) nêu hiện tượng.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2007 lên tới 53% (mục tiêu là 25%) là nhân tố gây ra lạm phát lên 2 con số vào năm 2007 và 2008. Để kiềm chế lạm phát, cuối 2007 đầu 2008, NHNN đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Việc thắt chặt này được nhiều đại biểu ví là “cú sốc” khiến nhiều DN bị “chết lâm sàng” hoặc tồn tại “thoi thóp”.
“Trong 10 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã lên đến 33%, cao hơn 3% so với mục tiêu của NHNN. Trong 2 tháng cuối năm, nhu cầu vay vốn đầu tư và tiêu dùng của xã hội rất lớn nên tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay được nhiều chuyên gia dự báo ít nhất cũng phải là 40%”, bà Loan phát biểu.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội (đại biểu Hà Nội), ông Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ sự lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp là với tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng như hiện nay, nhiều khả năng NHNN sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và hậu quả sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng “chết lâm sàng” như đã từng diễn ra vào năm 2008.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Hoài Nam
“Thị trường ngoại hối chưa hết căng thẳng”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn thừa nhận và giải thích, thị trường ngoại hối căng thẳng là do cân đối cung cầu mà nguyên nhân sâu sa là trong hơn 20 năm qua hầu như năm nào Việt Nam cũng phải nhập siêu, đặc biệt là trong từ năm 2007 trở lại đây (năm 2007 nhập siêu 12,4 tỷ USD, 2008 nhập siêu đạt mức kỷ lục là 18 tỷ USD và 10 tháng đầu năm đã nhập siêu gần 9 tỷ USD.
Theo dự báo của ông Giàu, trong 2 tháng cuối năm sẽ nhập siêu thêm 3-3,5 tỷ USD, cộng với việc thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối, và nguồn ngoại tệ thu về từ khách du lịch đều giảm sẽ tiếp tục gây sức ép lên thị trường ngoại hối.
Một sức ép lên thị trường ngoại hối nữa là nếu như năm 2007, Việt Nam thu hút tới 6,3 tỷ USD nguốn vốn đầu tư gián tiếp (chủ yếu đổ vào thị trường chứng khoán) và nguồn kiều hối tăng thêm 2,6 tỷ USD so với năm 2006 thì năm 2008, do khủng hoảng kinh tế, nguồn vốn đầu tư dán tiếp rút ra khỏi Việt Nam lên đến 576 triệu USD và năm 2009 sẽ có thêm 500 triệu USD nữa được rút ra khỏi Việt Nam, cộng với nguồn kiều hối có khả năng sụt giảm mạnh cũng sẽ khiến nguồn cung ngoại tệ bị hạn chế đáng kể.
“Muốn giảm căng thẳng trên thị trường ngoại hối, giải pháp nhanh nhất là thắt chặt chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ sẽ khiến nhu cầu vay ngoại tệ để đầu tư giảm, nhu cầu mua ngoại tệ để nhập khẩu (trong đó có cả việc nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên nhiên vật liệu là đầu vào cho nền kinh tế) giảm chắc chắn sẽ giảm được cầu trên thị trườn ngoại tệ. Nhưng bài toán khó có thể thực hiện được vì mâu thuẫn với bài toán thúc đẩy tăng trưởng GDP”, ông Giàu băn khoăn.
Mặc dù thị trường ngoại hối căng thẳng, VND đang mất giá so với USD (so với cuối năm 2008, tỷ giá VND/USD đã tăng 5,18%) nhưng ông Giàu khẳng định: “Dứt khoát không phá giá đồng nội tệ”.
Theo phân tích của người đứng đầu ngành ngân hàng, nếu phá giá đồng nội tệ cũng có hiệu quả tích cực (hỗ trợ cho xuất khẩu), nhưng ngược lại sẽ tạo ra gánh nặng nợ quốc gia và nợ ngoại tệ của doanh nghiệp rất lớn, ngoài ra sẽ khiến đầu vào của nền kinh tế tăng lên do doanh nghiệp phải mua USD để nhập khẩu xăng dầu (vào khoảng 10 tỷ USD).
“Chỉ tính khoản nợ của doanh nghiệp bằng ngoại tệ vay trong nước hiện đã lên đến 17 tỷ USD, nếu phá giá VND sẽ gây ra nhiều nguy cơ khó lường”, ông Giàu nói.
Đầu năm 2009, NHNN dự kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ vào khoảng 21-22%, đến tháng 6/2009, nền kinh tế bước ra khỏi suy thoái, NHNN điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng lên 25%, đến tháng 9/2009, nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, NHNN tiếp tục điều chỉnh mục tiêu này lên 30% và hiện tại đã vượt quá 33%, nhưng ông Giàu khẳng định: “Chưa tính tới việc thắt chặt chính sách tiền tệ”.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2007 được coi là “quá sốc”, theo ông Giàu là do năm 2007, thặng dư ngoại tệ tăng đột biến (vào khoảng 10,17 tỷ USD) do đầu tư gián tiếp nước ngoài và kiều hối, nên NHNN phải bỏ VND ra mua lại số ngoại tệ này sau đó nâng lãi suất để thu hút tiền về khiến lãi suất trên thị trường tăng mạnh. Nhưng năm nay, thặng dư ngoại tệ đang âm nên sẽ không sử dụng công cụ này.
“Trong những tháng tới, NHNN chưa đặt vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ mà vẫn tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng một cách thận trọng, nhưng khi có dấu hiệu lạm phát quay trở lại thì có thể sẽ sử dụng biện pháp này”, ông Giàu nói thêm và cho biết, dấu hiệu đầu tiên của việc thắt chặt chính sách tiền tệ là nâng dự trữ bắt buộc (hiện là 3% đối với tiền gửi không kỳ hạn) và sau đó là tăng lãi suất. “Đây là nguyên lý kinh điểm của việc kiềm chế lạm phát”, ông Giàu cho biết.
Việc giá vàng trong nước tăng đột biến, tăng bất thường so với giá vàng thế giới, người đứng đầu NHNN khẳng định giá vàng tăng không phải do mất cân đối cung cầu. Ông Giàu chứng minh, từ 2005 đến năm 2008, cả nước nhập 279 tấn vàng, trong khi đó, từ cuối năm 2008 đến nay mới xuất 37 tấn vàng nguyên liệu và khoảng 57 tấn vàng chế tác thì lượng vàng đã nhập khẩu trong dân còn rất lớn trong khi nhu cầu mua vàng của người dân chỉ có hạn.
“Sau khi NHNN phát đi thông báo cho phép nhập khẩu vàng thì giá vàng trong nước đã giảm mạnh, trong khi đó trên thực tế các doanh nghiệp mới chỉ nhập thêm 1-2 tấn vàng”, ông Giàu chứng minh và cho biết, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, không có hiện tượng người dân rút tiền ngân hàng ra để mua vàng.
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com