Xung quanh vấn đề khai thác bể than sông Hồng, ông Trịnh Xuân Bền - Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản VN cho rằng hiện nay mới chỉ là bước đầu thăm dò bể than này và chưa có cơ sở để đánh giá trữ lượng cũng như hiệu quả kinh tế.
- Ông đánh giá thế nào về việc Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) thăm dò khai thác than tại bể than sông Hồng?
Khai thác thử nghiệm nằm trong quy trình của việc thăm dò đánh giá trữ lượng bao gồm: đánh giá trữ lượng, chất lượng, phân bổ, các yếu tố địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, nghiên cứu công nghệ khai thác như thế nào... Trên cơ sở xác định được trữ lượng thì mới có thông số để đánh giá ảnh hưởng đến nước, sụt lún như thế nào và đưa ra kết luận khai thác hay không khai thác. Đây là một hoạt động thăm dò bình thường chứ không phải là khai thác.
- Theo dự đoán bể than sông Hồng lên tới 210 tỷ tấn, con số này dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
Chưa thể xác định được trữ lượng cuả bể than sông Hồng và con số 210 tỷ tấn là không có cơ sở vì chưa khảo sát thăm dò cụ thể. Trước đây, điều tra địa chất dầu khí ở bể sông Hồng, khi khoan xuống các nhà địa chất phát hiện ra đây là bể than và đưa ra con số dự kiến 210 tỷ tấn. Còn công tác thăm dò địa chất chưa được tiến hành, bây giờ nhà nước mới giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường dự án đánh giá tổng thể và Tập đoàn Than Khoáng sản VN vào thăm dò đánh giá trữ lượng tại Hưng Yên.
- Khi nào sẽ thử nghiệm khai thác bể than sông Hồng, thưa ông?
Hiện nay TKV đang xin phép làm nhưng các cơ quan còn đang xem xét.
Thời gian vừa qua một số người hiểu lầm tưởng rằng thử nghiệm khai thác là khai thác. Đây là quá trình thử nghiệm hoá khí dưới lòng đất. Nó cũng giống như phản ứng nguyên tử, nếu không có điều khiển, kiểm soát thì nguy hiểm nhưng có điều khiển thì khá an toàn. Có điều khai thác than theo cách này thế giới chưa phổ biến lắm nên cần có đánh giá hết sức chặt chẽ.
- Nhiều ý kiến cho rằng khai thác ở độ sâu lên đến hàng trăm mét sẽ ảnh hưởng tới sụt lún đất thưa ông?
Khai thác than hầm lò hay hoá khí đều có thể dẫn đến sụt lún nhưng đều có giải pháp.
- Nếu khai thác thử nghiệm thành công thì sẽ khai thác quy mô lớn ở đâu trước, thưa ông?
Nếu có khai thác trước tiên thì cũng là ở Hưng Yên
- Dưới góc độ chuyên môn ông đánh giá thế nào về việc khai thác than tại bể than sông Hồng?
Theo tôi khu vực đồng bằng sông Hồng là khu vực rất trù phú, hàng năm cung ứng một lượng lương thực lớn nên cần phải cân nhắc kỹ hiệu quả kinh tế và tác động môi trường. Nếu không thực sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thì phải xem xét lại.
Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên: Chính phủ đã giao cho Bộ TNMT thăm dò đánh giá kỹ hơn về bể than sông Hồng và cuối năm 2009 sẽ có báo cáo. Dự kiến bể than sông Hồng có trữ lượng khoảng 200 tỷ tấn. Hiện nay Chính phủ cũng mới đồng ý cho Tập đoàn TKV thăm dò đánh giá trữ lượng tại xã Bình Minh, Khoái Châu (Hưng Yên) trên diện tích 12 km2 với trữ lượng khoảng 100 triệu tấn, còn khai thác hay không phải do Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép. Chúng tôi chưa cấp phép. Muốn khai thác được thì phải đưa ra được công nghệ hiệu quả và đánh giá tác động môi trường. Một số người hiểu lầm là Chính phủ cho phép như vậy là khai thác ngay, phải khẳng định lại, đây mới là cho phép thăm dò để đánh giá trữ lượng. |
(Theo Phan Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com