![]() |
Ông Trần Thế Ngọc. |
Tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2010 vào ngày mai (29-1) tại Tiền Giang. Nhân sự kiện này, TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, về định hướng kêu gọi đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
TBKTSG: Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2010 của tỉnh Tiền Giang hướng tới mục tiêu gì, thưa ông? Và ông đánh giá thế nào về kết quả thu hút đầu tư trong thời gian qua? - Ông Trần Thế Ngọc: Tiền Giang tổ chức hội nghị này nhằm phát huy tối đa nguồn nội lực của tỉnh, đồng thời giới thiệu và thu hút đầu tư từ bên ngoài (nhất là vốn, công nghệ, lao động có tay nghề kỹ thuật cao) để bổ sung nguồn lực phát triển, khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hội nghị lần này cũng nhằm mục tiêu đẩy mạnh việc phối hợp với các trung tâm kinh tế, nhất là với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khai thác hiệu quả, hợp lý hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia như các tuyến giao thông, cảng biển, điện, nước... Trong vòng bốn năm qua (2006-2009), Tiền Giang đã thu hút được nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước gồm 450 triệu đô la Mỹ (26 dự án) và 9.230 tỉ đồng (87 dự án) chiếm đa số các dự án trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay. Tuy nhiên kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. TBKTSG: Được biết, phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ sẽ là những lĩnh vực trọng tâm trong việc xúc tiến đầu tư của tỉnh tại hội nghị lần này. Vì sao tỉnh lại kêu gọi đầu tư theo hướng này? Còn nông nghiệp thì sao? - Tỉnh luôn xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh của tỉnh, là nền tảng để phát triển các ngành kinh tế khác. Điều này thể hiện trong thời gian qua địa phương đã tập trung đầu tư phát triển nông lâm, ngư, nghiệp nhất là lĩnh vực hạ tầng phục vụ nông nghiệp như đầu tư hệ thống thủy lợi ngọt hóa Gò Công, hệ thống thủy lợi năm trục thoát lũ của các huyện phía Tây, đầu tư hạ tầng các vùng nuôi thủy sản, đầu tư các trung tâm giống... Trong hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh cũng sẽ giới thiệu sáu dự án trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 500 tỉ đồng... Mặt khác, để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là khai thác tốt những lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh, hội nghị sẽ tập trung giới thiệu và mời gọi đầu tư vào nhiều dự án phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ.Hơn nữa, việc thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến hàng nông, lâm, thủy sản, ngành công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp... sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng như tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. TBKTSG: Những yếu kém về hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực là những cản trở lớn trong việc thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua. Tiền Giang đã có biện pháp gì để giải quyết những khó khăn này? - Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thành các công trình trọng điểm của Trung ương trên địa bàn tỉnh như: quốc lộ 50, quốc lộ 60, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận, nâng cấp luồng cửa Tiểu sông Tiền và cửa sông Soài Rạp nhằm khai thác thông luồng cho các tàu có tải trọng lớn, gắn liền với việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng các cảng trên sông. Bên cạnh đó, các tuyến đường nội tỉnh cũng sẽ được tráng nhựa, nâng cấp đồng bộ hệ thống cầu đường, ưu tiên đường vào các khu, cụm công nghiệp, đường nhánh kết nối với hệ thống đường quốc lộ, đường cao tốc. Về vấn đề nguồn nhân lực, tỉnh sẽ tập trung đầu tư và thu hút đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nhu cầu trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trước mắt tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng các cơ sở và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường dạy nghề trọng điểm của tỉnh như: trường cao đẳng nghề, các trường trung cấp nghề khu vực Cai Lậy, Gò Công và các trung tâm dạy nghề ở các huyện. Tiếp tục đầu tư theo quy hoạch trường Đại học Tiền Giang - trường đại học đa ngành của tỉnh. Hiện nay đã có các trường đăng ký đầu tư, thành lập trường trên địa bàn tỉnh như: trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, trường Cao đẳng Bách Khoa... TBKTSG: Tiền Giang sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ đặc biệt gì cho nhà đầu tư, thưa ông? - Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh cho nhà đầu tư, tỉnh cũng đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn như hỗ trợ đào tạo nghề; xúc tiến thương mại; hỗ trợ đầu tư và sau đầu tư; ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động khoa học - công nghệ... Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển và dịch vụ đầu tư; ưu đãi về giá thuê đất, miễn, giảm tiền sử dụng đất; ưu đãi đối với dự án xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp và đối với dự án nhà ở thu nhập thấp; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường... Để tạo quỹ đất “sạch” mời gọi đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ định Trung tâm Phát triển quỹ đất và Đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh Tiền Giang, tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển các khu tái định cư.
(Theo Quốc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com