![]() |
Lúa gạo Campuchia đưa về Việt Nam bằng đường sông ở ĐBSCL-Ảnh: Báo Tuổi Trẻ. |
Xoay quanh việc dự kiến lập liên doanh lúa gạo Việt Nam – Campuchia, sau khi một bạn đọc ở Đồng Tháp bày tỏ lo ngại về những thiệt thòi gây ra cho nông dân, ông Nguyễn Thọ Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có phản hồi thông qua trao đổi với phóng viên TBKTSG Online. Tòa soạn xin giới thiệu bài phỏng vấn này và mong nhận được thêm ý kiến đóng góp khác.
TBKTSG Online: Thưa ông, ngay khi có thông tin Vinafood 2 liên doanh xuất khẩu gạo với một công ty của Campuchia, nhiều nông dân đã thắc mắc không hiểu tại sao ta dư thừa gạo nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại ra nước ngoài lo xuất khẩu gạo?
- Ông Nguyễn Thọ Trí: Liên doanh xuất khẩu gạo Việt Nam và Campuchia là thỏa thuận giữa Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng với Công ty Thương mại Xanh (Green Trade Co) của Bộ Thương mại Campuchia trong chuyến đi xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Campuchia.
Không chỉ Vinafood 2 đầu tư sang Campuchia trong lĩnh vực gạo mà trong chuyến đi này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như BIDV, Công ty phân bón Năm Sao, Hoàng Anh Gia Lai …đều có các thỏa thuận về đầu tư vào xuất khẩu gạo, sản xuất phân bón hay trồng cao su tại Campuchia.
Thực ra việc các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia và có những thỏa thuận đầu tư là thực hiện thỏa thuận trước đó giữa Chính phủ hai nước trong việc đẩy mạnh đầu tư sang thị trường Campuchia.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang dư gạo và việc bán gạo ra thị trường thế giới còn khó khăn thì tại sao Vinafood 2 không tập trung lấy gạo trong nước để xuất khẩu mà phải qua Campuchia đầu tư?
- Diện tích trồng lúa của Campuchia theo tôi biết chẳng hề kém Việt Nam là mấy nhưng hiện nay sản lượng lúa của nước này còn ít là do sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu. Tuy nhiên, hiện nay Campuchia vẫn là nước dư thừa gạo và họ bán chủ yếu qua Thái Lan, bán tiểu ngạch sang Việt Nam.
Nếu chúng ta không tự cạnh tranh với chính chúng ta thì phải cạnh tranh với người khác, vậy chúng ta chọn cách nào nếu các công ty của các quốc gia khác liên doanh với Campuchia để xuất khẩu gạo và họ cạnh tranh với hạt gạo của chúng ta trên thị trường thế giới? Campuchia hiện nay là một kho gạo tiềm năng rất lớn, kế bên chúng ta, nếu có động lực tác động thì tiềm năng ấy biến thành hiện thực và họ xuất khẩu, cạnh tranh ngang ngửa với chúng ta.
Trong khi đó, các công ty của Thái Lan hay Trung Quốc đều muốn liên doanh với Campuchia để xuất khẩu gạo. Do vậy nếu nhìn liên doanh xuất khẩu gạo Việt Nam-Campuchia tác động như thế nào tới hạt gạo Việt Nam thì phải nhìn ở tầm vĩ mô, tầm cạnh tranh mua bán gạo trên thị trường toàn cầu.
Campuchia có tiềm năng rất lớn về sản xuất và xuất khẩu gạo và bất kỳ ai cũng có thể nghĩ rằng nếu chúng ta không đầu tư mà công ty của nước khác đầu tư thì một ngày nào đó, hạt gạo của chúng ta sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới bởi chính hạt gạo Campuchia. |
Theo tôi biết thì Campuchia hiện mỗi năm xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo nhưng chủ yếu qua Thái Lan. Nông dân Thái mua gạo của nông dân Campuhcia giá thấp để bán cho Chính phủ Thái nên ngay các doanh nghiệp của Thái cũng muốn liên doanh xuất khẩu gạo với Campuchia.
Hiện Campuchia xuất sang Việt Nam chủ yếu là lúa, như năm nay cũng có thể lên tới 2 triệu tấn lúa sang Việt Nam, tính ra cả triệu tấn gạo theo đường tiểu ngạch mà chúng ta không thể kiểm soát được về sản lượng, thuế, nên nếu có liên doanh lúa gạo và giả định liên doanh này xuất lúa gạo sang Việt Nam thì chúng ta kiểm soát được sản lượng, có thể thu được thuế.
Tôi đã sang Campuchia khảo sát và thấy họ có tiềm năng rất lớn để sản xuất và xuất khẩu gạo. Nếu chúng ta không đầu tư mà công ty của nước khác đầu tư thì một ngày nào đó, hạt gạo của chúng ta sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới bởi chính hạt gạo Campuchia.
Vậy hiện nay liên doanh lúa gạo đã thực hiện tới đâu thưa ông?
- Hiện tổ chuyên viên của Vinafood 2 và BIDV đang khảo sát tại Campuchia và xúc tiến việc thành lập liên doanh, hai phía đang đàm phán thỏa thuận các thủ tục về điều lệ hoạt động, góp vốn, địa điểm nhưng theo tôi biết thì Vinafood 2 và BIDV dự kiến sẽ nắm giữ vốn chi phối tới 70% trong liên doanh này. Chủ tịch và tổng giám đốc điều hành đều do phía Việt Nam nắm giữ.
Sắp tới, sau khi phương án liên doanh hoàn tất, nông dân trong nước sẽ biết rõ ràng tại sao chúng ta phải đầu tư sang Campuchia trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com