Xúc tiến thương mại thị trường nội địa không chỉ là chủ trương của Đảng và Nhà nước, chương trình còn được DN đưa vào kế hoạch lớn trong năm 2010 và những năm tiếp theo. Trao đổi với DĐDN, không chỉ có DN, ngay cả chuyên gia kinh tế cũng khẳng định: thị trường nội địa không chỉ là hậu phương lớn, đây còn là một mặt trận lắm thử thách nhưng cũng đầy vinh quang.
Song hành giá cả - chất lượng
- Thưa ông (bà), theo quan điểm cá nhân, sự kiện lớn nhất của thị trường bán lẻ VN năm 2009 là gì ?
Ông Vũ Đình Ánh :
Có thể nói, năm 2009 là một năm tiêu dùng sôi động. Tiêu dùng trong nước tăng mạnh bất chấp tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN. Ước tính, cả năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 18%. Đây là mức tăng khá lý tưởng trong bối cảnh sức mua trên toàn cầu sụt giảm mạnh, thậm chí đóng băng. Con số này cho thấy, VN đang là thị trường bán lẻ hấp dẫn và giàu tiềm năng.
Ông Trịnh Sỹ :
![]() |
Ông Trịnh Sỹ - Giám đốc Cty CP Tràng An: “DN muốn phát triển ổn định thì phải đi bằng “hai chân” tức là phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Thị trường trong nước đóng vai trò quan trọng và quyết định ổn định sản xuất cho các DN”. |
Theo tôi, thị trường bán lẻ VN năm 2009 có hai yếu tố chi phối, đó là: Thực hiện lộ trình của WTO, trong đó có các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã được phép vào thị trường VN; Thứ hai là VN đã thành lập Hiệp hội bán lẻ từ năm 2007.
Nhưng quan điểm của tôi lại cho rằng đây mới là điều kiện tiền đề còn điều quan trọng là công nghệ bán hàng của các Cty bán lẻ VN còn quá non trẻ, chưa có công nghệ bán lẻ hiện đại, còn quá xa so với các “siêu thị” nước ngoài và chưa theo kịp xu hướng thị trường. Các DN trong nước, đặc biệt là từ DNNN có rất nhiều siêu thị, nhiều cửa hàng, nhiều vị trí đẹp, địa điểm kinh doanh là các “mảnh đất vàng” tại các trung tâm lớn như Hà Nội, TP HCM... nhưng khai thác không tốt. Trong khi đó, các tập đoàn lớn của nước ngoài như Metro, BigC... họ không có vị trí tốt, thậm chỉ chỉ là vùng ngoại ô nhưng họ có “công nghệ bán buôn, bán lẻ” hiện đại, nên vẫn chiếm lĩnh được thị trường. Bán lẻ VN cần tập trung vào hai việc: Siêu thị có xu hướng ngày càng tăng (phải rẻ hơn ngoài đường, chợ cóc, siêu thị cần bán lẻ với giá bán buôn) và hệ thống phân phối bán hàng chủ động, hiện đại.
- Có ý kiến cho rằng, yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới khả năng giành và giữ thị trường của hàng nội là giá, quan điểm của ông (bà) về ý kiến này ?
Bà Phạm Thị Hồng :
Giá là kết quả cuối cùng của chuỗi hoạt động sản xuất – phân phối, chứ không là một yếu tố tách rời, độc lập trong chuỗi ấy. Theo tôi, không có yếu tố lớn nhất, hay là đơn nhất ảnh hưởng tới khả năng tạo ổn định thị trường. Mà ổn định được thị trường bao giờ cũng là sự phối hợp của một loạt biện pháp tác động nông, sâu tùy thời điểm vào các yếu tố trong chuỗi sản xuất – phân phối.
Ông Vũ Đình Ánh :
Giá cạnh tranh là một trong những yếu tố quan trọng để DN giữ vững thị trường và tăng khả năng cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên theo cá nhân tôi, giá phải đi đôi với chất lượng và sự đa dạng của hàng nội địa thì mới có thể tạo ra sức mạnh. Chất lượng tốt chính là yếu tố quyết định còn giá thấp chỉ là một trong những điều kiện cần để DN giữ vững thị trường nội địa. Chính vì thế, không thể nói giá là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của thị trường trong nước.
Ông Trịnh Sỹ :
Quan điểm của tôi không hẳn như vậy. Giá cả chỉ là một yếu tố trong chiến lược cạnh tranh của DN. Yếu tố quan trọng hiện nay đối với DN trong giành và giữ thị trường là chất lượng. Vấn đề ở đây không phải là chất lượng tốt nhất, bền nhất mà chất lượng phù hợp với người tiêu dùng từng vùng, từng địa phương, từng thời điểm... Đặc biệt trong ngành sản xuất bánh kẹo như DN chúng tôi, vấn đề được quan tâm đặc biệt đó là an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này liên quan mật thiết đến uy tín, thương hiệu và tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm an toàn.
Để hàng nội vào được thị trường lẽ đương nhiên là chất lượng phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng VN. Giá cả cũng phải phù hợp với phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu mà DN hướng tới. Ngoài ra các DN phải làm thế nào để có chất lượng sản phẩm tốt và ổn định trong thời gian dài để người tiêu dùng VN xoá bỏ được tư tưởng “sính hàng ngoại”. Trách nhiệm của các DN VN là xoá dần tư tưởng này và rất nhiều các DN VN đã làm được việc này. Chẳng hạn như các DN ngành may mặc, các DN bánh kẹo đã đẩy lùi được bánh kẹo của Trung Quốc, Thái Lan... Tương tự, các DN khác cũng cần phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Bình ổn giá cho 2010
- Vừa trải qua một giai đoạn khó khăn kinh tế, theo quan điểm của ông (bà), giá hàng hóa trên thị trường VN trong năm 2010 sẽ biến động theo hướng nào ?
Bà Phạm Thị Hồng :
![]() |
Bà Phạm Thị Hồng - Giám đốc hệ thống siêu thị Intimex tại Hải Phòng: “Chúng ta cần thực hiện ngay các quỹ bình ổn giá một số vật tư chiến lược, xã hội hoá hơn nữa và chống độc quyền. Mọi hoạt động kinh tế đều hướng tới hài hoà lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và của DN” |
Tôi cho rằng xu hướng tăng giá vẫn là chủ đạo. Nhưng tăng ở mức độ thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. Vì có nhiều yếu tố tác động trái chiều. Chẳng hạn như biến động giá ngoại tệ, vàng, lượng cung tiền tăng nhiều... là những yếu tố thúc đẩy giá nhiều loại hàng hóa tăng theo. Nhưng ngược lại, một số giải pháp quản lý và tác động định hướng quay lại thị trường nội địa có thể phát huy tác dụng làm giảm mức độ tăng giá hàng hóa...
Ông Vũ Đình Ánh :
Theo đà phục hồi kinh tế, giá hàng hóa sẽ có xu hướng chung là tăng lên. Song theo tôi, giá một số nhóm hàng chế tạo có thể giảm giá trong năm nay.
Ông Trịnh Sỹ :
Theo quan điểm của tôi, năm 2010 kinh tế VN sẽ có tốc độ tăng trưởng nhiều khả năng gấp rưỡi năm 2009, cộng với xu hướng lạm phát đã cận kề nên giá hàng hoá trên thị trường VN sẽ tăng. Hai biến động lớn trong thời gian qua đó là giá USD và giá vàng đã làm cho DN bị bất ngờ và ảnh hưởng khá lớn. Với góc độ DN chúng tôi, xuất khẩu thì ít, nhập khẩu thì nhiều, đặc biệt là máy, thiết bị và các hương liệu phụ gia chiến lược, tôi thấy sẽ rất khó mua USD trong năm tới. Nếu Nhà nước không chủ động điều tiết nhanh, nhạy, phù hợp quy luật thị trường, han chế chỉ đạo giá bằng mệnh lệnh hành chính... chúng ta sẽ lạm phát ở hai con số.
- Ổn định giá cả luôn là mong muốn của cả nhà quản lý, người tiêu dùng và DN, theo ông (bà) thời gian tới việc ổn định giá cả sẽ phụ thuộc vào những công cụ nào ?
Bà Phạm Thị Hồng :
Thực sự mà nói, trong thời điểm hiện tại tôi chưa thấy công cụ nào hiệu quả hơn mệnh lệnh hành chính. Dù rằng trong nhiều trường hợp nó có tính áp đặt. Chúng ta còn thiếu và yếu cả về hệ thống phân phối, các DN phân phối hùng mạnh, các hiệp hội có tính liên kết bền vững...
Vì thế nên dường như chỉ có công cụ mệnh lệnh hành chính và ý thức của mỗi DN là có thể cho thấy tính khả thi trong ổn định giá cả. Chuyện Chính phủ yêu cầu các TCty, tập đoàn, DNNN phải bán USD cho ngân hàng trong thời gian vừa rồi có thể xem là một ví dụ tiêu biểu cho cách ổn định thì trường bằng công cụ mệnh lệnh hành chính.
Ông Vũ Đình Ánh :
![]() |
Ông Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - Bộ Tài chính: “Ước tính, cả năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 18%. Đây là mức tăng khá lý tưởng. Con số này cho thấy, VN đang là thị trường bán lẻ hấp dẫn và giàu tiềm năng”. |
Việc giữ ổn định giá cả phụ thuộc nhiều yếu tố, song quan trọng nhất là khả năng kiểm soát chi phí sản xuất của DN, chính sách tiền tệ của Chính phủ và hiệu quả đầu tư toàn xã hội. Nếu DN biết cắt giảm chi phí hợp lý, chính sách tiền tệ của Chính phủ được giữ ổn định và hiệu quả đầu tư toàn xã hội đạt mức cao thì đương nhiên, giá cả sẽ không xảy ra những biến động bất thường.
Ông Trịnh Sỹ :
Liên quan đến hai thông tin chi phối, đó là VN đã gia nhập WTO nên phải thực hiện theo đúng lộ trình của WTO nhưng ngược lại còn hàng rào kỹ thuật và chính sách điều tiết trong nội bộ mà không vi phạm WTO. Do vậy, Chính phủ cần phải có chính sách riêng đối với các nguyên liệu chiến lược. Điều DN quan tâm nhất là chính sách điều tiết nhanh nhạy của Chính phủ để ổn định giá cả những nguyên liệu chiến lược. Và để làm được điều này cần phải có quỹ bình ổn giá. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được giá xăng dầu trong ít nhất 3 tháng nếu chúng ta có quỹ bình ổn tốt. Chúng ta hoàn toàn có thể bình ổn được giá phân bón, giá thép, đặc biệt là giá điện, giá than... nếu có quỹ bình ổn. Điều tiết vĩ mô là điều kiện tiên quyết giúp DN bình ổn giá. Đối với các DN VN phải tạo ra mặt hàng chiến lược cho chính mình với một thị phần lớn, một tỷ trọng lớn trên thị trường, giành thế chủ động trên thị trường.
- Ông (bà) sẽ thực hiện ổn định giá cả hàng hóa do DN mình kinh doanh bằng những biện pháp gì và liệu biện pháp ấy có là duy nhất với các DN Việt trong thời điểm hiện tại ?
Bà Phạm Thị Hồng :
Intimex là nhà kinh doanh siêu thị, vì thế giữ ổn định giá cả hàng hóa do mình cung ứng là biện pháp quan trọng và mục đích của chúng tôi. Nhưng chỉ là một trong những biện pháp, dù là biện pháp quan trọng, nhưng có thể không đủ. Mà phải được cộng hưởng từ các biện pháp của các nhà sản xuất, nhà phân phối. Và thực sự tôi nghĩ nếu mọi DN đều cố gắng thì việc ổn định giá trong thời điểm hiện tại mới có thể đạt được phần nào.
Ngoài ra, tôi cho rằng, chúng ta cần thực hiện ngay các quỹ bình ổn giá một số vật tư chiến lược, xã hội hoá hơn nữa một số lĩnh vực như nhà ở xã hội, kinh doanh xăng dầu, điện... và chống độc quyền. Mọi hoạt động kinh tế đều hướng tới hài hoà lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và của DN.
Ông Trịnh Sỹ :
Đối với từng DN việc ổn định giá liên quan đến nhiều vấn đề như thương hiệu, chất lượng sản phẩm, chiến lược phát triển... Quan trọng nhất đối với DN là phải có một kế hoạch dài hạn cho phát triển thương hiệu, marketing... đặc biệt là chiến lược sản xuất kinh doanh. DN phải có quy mô sản xuất lớn, có vai trò điều tiết được thị trường thì mới ổn định được giá cả. Đối với nội bộ DN phải cải tiến quản lý, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, nâng cao tay nghề cho công nhân viên, đồng thời mạnh dạn đầu tư nhiều công cụ tin học hiện đại hoá, tự động hoá... thì DN mới giảm được chi phí sản xuất và qua đó các DN mới ổn định được giá thành cũng như giá bán sản phẩm. “Bánh kẹo Tràng An” là một DN sản xuất hàng tiêu dùng và tôi quan tâm nhất đến việc xây dựng mô hình phân phối hiện đại. Có như vậy chúng tôi mới định lượng được nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu tiêu dùng và quay trở lại định hướng nhu cầu sản xuất của mình tốt hơn.
Đi bằng “2 chân”
- Có ý kiến cho rằng, thị trường nước ngoài là một mảnh đất rộng lớn. Vậy còn thị trường nội địa thì sao ?
Ông Trịnh Sỹ :
Theo tôi, DN muốn phát triển ổn định thì phải đi bằng “hai chân”, tức là phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Thị trường trong nước đóng vai trò quan trọng và quyết định ổn định sản xuất cho các DN. Xuất khẩu cũng chiếm vai trò quan trọng nhưng có nhiều nguy cơ. Ví dụ: trong bối cảnh khủng hoảng 2008, các DN xuất khẩu đã gặp không ít khó khăn. Ngược lại, các DN tiêu thụ nhiều trong nước lại ổn định. Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay các DN VN cần đặc biệt coi trọng việc phát triển thị để chiếm lĩnh trường trong nước, rồi mới đến xuất khẩu.
- Xin cảm ơn các ông, bà !
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com