Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tân Kỳ có gì mới, lạ ?

 
 Một nhóm người Mỹ đến thăm cột mốc km số 0 của “Đường Hồ Chí Minh” ở Tân Kỳ (Nghệ An) 
Ảnh: vietnamontrails.com

Tân Kỳ là huyện miền núi phía tây Nghệ An. Gần 14 vạn dân thuộc 3 dân tộc Kinh, Thái, Thổ cùng sinh sống trên diện tích 729 cây số vuông.

Từ một miền quê nghèo hoang vu, ngoài bạt ngàn núi rừng, người dân chỉ có sự cần cù và lòng hiếu khách, Tân Kỳ đã gồng mình vượt những tháng ngày gieo neo. Tân Kỳ giờ có nhiều sự mới, lạ đáng tự hào.

Tây Kỳ được thành lập từ năm 1963 bởi sự sáp nhập của hai mươi xã thuộc các huyện: Con Cuông, Anh Sơn, Nghĩa Đàn. Ra đời như thế, mảnh đất này có sự đa dạng và phong phú về kinh tế, văn hóa và xã hội. Người ta nhắc nhiều đến những đặc sản, đặc thù ở nơi đây. Làm sao có thể quên cây lúa ở Nghĩa Thái, cây mía ở Tân Xuân, đàn bò ở Kỳ Tân, đan lát ở Xuân Lam, cây cam ở Tân Hợp...

Từ xa xưa, mảnh đất này có cái tên rất đặc trưng là Trại Lạt. Trại Lạt ngày ấy hoang vu lắm, xa xôi lắm, khắp nơi bạt ngàn là giang, là tre, những loại cây dùng để đan lát nong nia, rổ rá, và để làm thức ăn. Người dân nơi đây không thể nào quên cái tên cúng cơm từ thưở hàn vi khố khó. Sự hình thành muộn, lại ra đời trong điều kiện hết sức khó khăn, chính quyền các dân tộc Tân Kỳ đã gồng mình vượt qua những tháng ngày gieo neo. Một chặng đường tuy chưa dài, nhưng đủ để khẳng định sức mạnh và niềm tin, đủ chứng minh cho mảnh đất tuy mới, song đã có những chiến tích, những thành tựu rất đáng tự hào.

Cũng chính tại mảnh đất này, những chiến sĩ của Binh đoàn 559 đã bổ nhát cuốc đầu tiên khai sinh con đường huyền thoại, làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Khi đất nước thống nhất, Tân Kỳ có cột mốc số không, điểm xuất phát đầu tiên của đường Hồ Chí Minh đồng thời là điểm tựa để phát triển kinh tế các huyện miền núi dọc theo dãy Trường Sơn. Trước đây Tân Kỳ nghèo lắm, ngoài bạt ngàn rừng núi, người dân nơi đây chỉ có sự cần cù và lòng hiếu khách. Hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, giao thông đi lại quá khó khăn, công vận chuyển lớn hơn công sản xuất.

Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, hàng trăm cây số đường liên huyện, liên xã được hình thành và mở rộng tạo thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng. Chỉ sau 5 năm Tân Kỳ đã có trên 4.300 ha mía, 4.000 ha ngô, gần 4.000 ha lúa hai vụ, gần 2.000 ha sắn và trên 1.000 ha cao su. Từ hơn 50% tỉ lệ hộ đói nghèo, nay Tân Kỳ đã có gần 60% hộ khá và giàu, tỉ lệ hộ đói không còn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới cũng chỉ còn chưa đầy 23%.

Tân Kỳ không chỉ đạt được những thành tựu về kinh tế, xã hội mà phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa cũng có nhiều kết quả hết sức khả quan. Phó chủ tịch huyện Tân Kỳ Đinh Quốc Khánh say sưa giới thiệu những ý tưởng, những đề án sẽ triển khai trong tương lai nhằm khai thác tiềm năng kinh tế, văn hóa và du lịch của huyện.

Tân Kỳ - Nghệ AnAnh khẳng định: Ở Tân Kỳ, sự phát triển du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa. Mảnh đất này không chỉ màu mỡ từ dòng sông Con quanh năm bồi đắp phù sa, nơi đây còn rất nhiều di tích lịch sử và vô số danh lam thắng cảnh như hang Lê Lợi, Bãi Tập Mã - nơi nghĩa quân Lam Sơn tập luyện binh mã và đồn trú trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Cho đến bây giờ, người dân sống quanh đây mỗi khi đi lấy củi vẫn bắt gặp những loại vũ khí mà nghĩa quân để lại như lưỡi kiếm, mã tấu bằng sắt...

Dãy Lèn Rỏi với 99 ngọn núi cao sừng sững và vô số thung lũng, hang động trải dài, đặc biệt là hang Chùa, một di chỉ văn hóa Hòa Bình, nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều loại công cụ như rìu đá, dao đá, chày đá... của người Việt cổ. Nếu trèo lên núi Voi, đỉnh núi cao nhất của dãy Lèn Rỏi, bạn sẽ nhìn thấy toàn bộ trung tâm huyện giống như một bức tranh sơn thủy hữu tình có núi trùng điệp, có sông uốn lượn đẹp đến mê đắm lòng người.

Phát hiện được tiềm năng đã khó khăn, nhưng có biện pháp khai thác triệt để những tiềm năng quý báu đó, đúng với giá trị đích thực của nó thì không hề dễ dàng... Phải có tầm nhìn và sự đầu tư cho tương lai, đặc biệt là phải được sự quan tâm đúng mực của chính quyền các cấp và quan trọng hơn là niềm tin và sự đồng lòng của người dân. Những năm qua, Tân Kỳ đã làm được điều đó.

Từ một huyện nghèo Tân Kỳ đã kiêu hãnh đi lên bằng năng lực và trí tuệ của chính mình. Với những ý tưởng, những dự án đầy khả thi trong tương lai, từ việc đầu tư thành lập trang web giới thiệu về Tân Kỳ, kế hoạch khoanh vùng danh lam thắng cảnh để bảo tồn, tôn tạo những di tích lịch sử văn hóa, đến đề án kêu gọi các nhà kinh doanh tham gia đầu tư xây dựng kết hợp những điểm du lịch trong tỉnh hình thành các tour du lịch giữa các huyện, giữa các vùng đất hữu tình, kỳ bí của khúc ruột miền Trung thân yêu...


 

( Tác giả: Phan Thanh Khôi - VH )

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Phó Bảng bình yên
  • Con cá trong đời sống người Thái
  • Ngôi chùa thiêng bị lãng quên hơn hai thế kỷ
  • Nghề đan mây tre ở Du Tràng
  • Làng hoa Sa Đéc
  • Vương quốc hoa kiểng Cái Mơn
  • Chiếu cói Nga Sơn
  • Cuối tuần với chợ Chuông
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com