![]() |
90% nguyên liệu của ngành thép là thép phế phải nhập khẩu - vì vậy ngành thép chịu tác động lớn của biến động tỷ giá |
Về cơ bản khi tỷ giá giữa VND và ngoại tệ, nhất là với USD lên thì DN xuất khẩu (XK) được lợi, DN nhập khẩu (NK) chịu thiệt và ngược lại. Tuy nhiên trong bối cảnh nhập siêu ở VN luôn thống soái thì cái bất lợi dường như nhiều hơn lợi ích.
Trong đợt tăng giảm thất thường của tỷ giá giữa USD và VND vừa qua, khu vực DN NK gánh chịu không ít thiệt hại, nhất là các ngành phải phụ thuộc lớn hoặc hoàn toàn vào NK.
Bà Trần Phương Loan - Phó Giám đốc Cty vật liệu điện Đường Lâm - Hà Nội cho biết: Biến động tỷ giá USD/VND cộng với đà tăng giá do phục hội kinh tế thế giới khiến giá nhiều chủng loại vật liệu điện tăng rất cao. Đa phần giá cáp điện hiện nay tăng khoảng 20 tới 30% so với tháng 8/2009. Nhiều công trình đã tạm giãn tiến độ thi công khiến thị trường trở nên ế ẩm. Việc ngành vật liệu điện gánh tác động của tỷ giá là điều dễ hiểu, mặc dù hiện VN có không ít DN sản xuất cáp điện song hai nguyên liệu chính cho mặt hàng này là nhựa và kim loại (đồng, nhôm) đều phải NK là cơ bản, nhất là đồng, nhôm phải NK tới 100%. Đối với nhựa, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được hơn 20%. Như vậy vô hình trung, không phải ngành cáp điện mà ngành nhựa cũng bị ảnh hưởng và trồi sụt cùng với biến động của tỷ giá.
Một DN kinh doanh máy tính và thiết bị điện tử, điện thoại di động cho biết, máy tính và thiết bị điện tử, điện thoại di động cũng là mặt hàng NK 100% từ nước ngoài, VN chỉ ít nhiều góp một chút về lắp ráp, tỷ trọng giá thành của phần lắp ráp so với giá thành sản phẩm không quá 10-20%. Do vậy ngành này cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của tỷ giá khi tỷ giá biến động mạnh và tình hình nguồn cung ngoại tệ trên thị trường mất cân bằng. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2009, trị giá máy tính, linh kiện điện tử NK lên tới 3,086 tỷ USD, một con số khổng lồ, chỉ đứng sau NK xăng dầu và sắt thép.
Đại diện Cty Inca, DN chuyên kinh doanh máy tính, điện thoại di động cho biết: Không biết phải bán hàng như thế nào, lúc thì tính bán theo tiền VN lúc lại tính bán theo USD. Chỉ riêng chuyện in lại báo giá để gửi cho các đại lý đã phải làm có khi tới hai lần mỗi ngày. Việc giá bán tăng gần đây cũng khiến hàng bán rất chậm. Tính riêng trong nửa cuối tháng 10 và đầu tháng 11, doanh thu của Cty giảm khoảng 30% mặc dù thời điểm hiện nay được coi là thời kỳ mua sắm mạnh. Tình hình kinh doanh nói trên khiến một số kế hoạch như đầu tư ra sản phẩm mới, mở thêm một số thị trường của Inca phải tạm dừng. Có thể là phải hết quý 1/2010 chúng tôi mới triển khai tiếp các kế hoạch mở rộng kinh doanh mà đáng lẽ sẽ triển khai trong quý 4/2009 - đại diện Cty Inca cho biết.
Ngành dệt may, da giày VN là ngành XK mạnh với kim ngạch 7,47 tỷ USD song con số thống kê cho thấy chỉ riêng kim ngạch NK phụ liệu và nguyên liệu của ngành này đã ngốn mất hơn 6 tỷ USD khiến con số 7, 47 tỷ USD nói trên tuy lớn nhưng không đóng góp được bao nhiêu cho việc cân đối ngoại tệ.
Đối với hàng loạt ngành sản xuất khác như sắt thép, thuốc tân dược, thiết bị máy móc, ôtô xe máy hay chất dẻo... việc phụ thuộc rất lớn vào NK khiến mỗi đợt biến động tỷ giá đều gây ảnh hưởng rất mạnh tới nền kinh tế nói chung và đến hoạt động của từng DN nói riêng - Giáo sư Phạm Tất Thắng - Viện nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù việc tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh vào cuối năm đã được dự báo từ rất sớm và những tác động của nó tới hoạt động kinh tế cũng đã được dự liệu song khả năng ứng phó của cơ quan quản lý và DN đều tương đối bị động. Về phía DN, kết quả khảo sát của Ngân hàng HSBC hồi giữa năm 2009 tại VN cho thấy có tới 64% DN trả lời là tỷ giá ngoại hối tác động rất mạnh tới việc kinh doanh của DN. Tuy nhiên đa số các DN đều biết sẽ khó khăn khi tỷ giá USD/VND lên quá cao song đều lỡ cơ hội và hứng trọn tác động của tăng tỷ giá ngoại tệ.
Ngoại trừ một số ít như các DN ngành gỗ, thép, và một số ít DN ngành da giày giám đầu tư NK nguyên liệu vào thời điểm tháng 4, tháng 5/2009 khi có dự báo giá tăng và sẽ biến động tỷ giá vào cuối năm còn lại đại bộ phận DN đều "nước đến chân mới dám nhảy" cơ bản là thiếu vốn và chưa có hợp đồng thì không dám tích trữ nguyên liệu.
(Theo Minh Giác // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com