Vinamilk là một thương hiệu được nhận biết cao tại Campuchia. Ảnh: Đức Thanh |
Đó là kết quả của cuộc khảo sát tập quán người tiêu dùng ở Tà Keo, Battambang và Phnom Penh (Campuchia) do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Công ty Nghiên cứu thị trường Trương Đoàn vừa thực hiện nhằm phục vụ cho một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu tại Battambang từ ngày 25 đến 29/11/2009.
Ông Trương Cung Nghĩa, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Trương Đoàn cho biết, tại Campuchia hiện chỉ có một số thương hiệu Việt có tỷ lệ nhận biết cao, như Vinamilk, mì Vifood, bánh kẹo Kinh Đô, nhựa gia dụng Duy Tân..., nhưng vẫn lép vế so với hàng Thái Lan.
Nguyên nhân là do thông tin chính để biết về sản phẩm Việt Nam hiện nay chủ yếu là người bán khuyên dùng, sản phẩm trưng bày tại cửa hàng, sạp chợ. Trong khi đó, nguồn thông tin chính để biết về hàng Thái Lan là từ quảng cáo trên truyền hình.
Cũng theo nghiên cứu, 73% người tiêu dùng Campuchia cho rằng, giá cả hàng hóa hợp lý là yếu tố quan trọng để họ mua hàng Việt Nam; 61% đòi hỏi chất lượng sản phẩm tốt; tiếp theo mới đến mẫu mã sản phẩm đẹp, có chương trình khuyến mãi, hệ thống phân phối rộng rãi, quảng cáo qua truyền hình, báo chí...
Thời gian gần đây, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế tại Campuchia. Cách đây 3 năm, hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Campuchia chỉ đứng ở vị trí thứ 3, sau Thái Lan và Trung Quốc.
Tuy nhiên, bước sang năm 2009, khi nhiều mặt hàng Trung Quốc có vấn đề về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, còn giữa Thái Lan và Campuchia nảy sinh một số bất đồng trong quan hệ song phương, thì hàng hóa của Việt Nam đã có cơ hội tăng cường vị thế.
Một số nhóm hàng như thực phẩm, hàng tiêu dùng... của Việt Nam được tiêu thụ rất mạnh, vươn lên dẫn đầu tại Campuchia. Theo kết quả khảo sát, khoảng 45% người tiêu dùng nhận biết được logo hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, tại 2 tỉnh Battambang và Takeo, tỷ lệ này chỉ còn 22 - 25%. Hình ảnh của hàng Việt Nam là giá cả phù hợp và đáng đồng tiền. Trong khi đó, hình ảnh hàng Thái Lan là sản phẩm mắc tiền, đa dạng, chất lượng cao.
Việc quảng bá sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông là hết sức quan trọng. Ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc marketting Công ty Anna cho biết, Công ty đã sử dụng những đoạn video clip quảng cáo ngắn nói về tác dụng của sản phẩm, nhờ vậy người tiêu dùng biết đến và dùng sản phẩm ngày một nhiều.
Theo các chuyên gia, để hàng Việt có chỗ đứng lâu dài ở Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hơn nữa việc quảng bá thương hiệu, đặc biệt là trong những dịp hội chợ triển lãm.
Bên cạnh đó, việc quảng bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nghiên cứu, lựa chọn kênh truyền thông phù hợp với dòng sản phẩm, cũng như phù hợp với phong tục tập quán của người dân Campuchia.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com