Khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc đang được lựa chọn để “đóng hàng” chuyển về xuôi.
- Ngày 10-12-2009, báo Hànộimới đăng bài "Kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu: Chồng chéo, khó quy trách nhiệm". Đây là một vấn đề được nhiều độc giả đặc biệt quan tâm bởi nó trực tiếp liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm, liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Để tiếp tục làm rõ vấn đề này, nhóm phóng viên NN-NT đã có mặt tại cửa khẩu Lào Cai thâm nhập thực tế nhằm tìm hiểu những lỗ hổng trong quản lý nhà nước đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.
Nông sản nhập khẩu… vô tư qua biên giới
9 giờ sáng ngày 12-12, tại cửa khẩu Lào Cai, chúng tôi tận mắt chứng kiến những chiếc ô tô trọng tải từ 15-20 tấn, ùn ùn chở nông sản từ Trung Quốc sang Việt Nam. Càng về trưa càng có nhiều xe ô tô mang biển số của Trung Quốc nối đuôi nhau đưa hàng sang bãi tập kết ngay tại cửa khẩu Lào Cai. Các mặt hàng nông sản gồm rau, củ, quả rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại, có loại còn được đóng gói trong bao bì kín rất cẩn thận. Hàng từ Trung Quốc đưa sang cửa khẩu Lào Cai là có người nhận rất chóng vánh, sau đó bốc xếp chuyển sang xe về Hà Nội và các tỉnh lân cận và xuất đi TP Hồ Chí Minh. Anh Phạm Văn Chi, quê ở Thổ Tang (Vĩnh Phúc), người chuyên buôn bán cam, quýt tại cửa khẩu Lào Cai cho biết: "Tôi làm ăn với tư thương Trung Quốc từ rất lâu rồi. Khi mình có nhu cầu đặt hàng loại gì là họ mang qua cửa khẩu giao đầy đủ. Chúng tôi muốn mua bao nhiêu cũng được, tiền nào - của nấy, mua đứt - bán đoạn, miễn là thanh toán sòng phẳng". Qua khảo sát, giá rau, củ, quả tươi nhập qua cửa khẩu Lào Cai lên xuống rất thất thường... Cụ thể như rau bắp cải giá 3.000 đồng/kg, cải thảo 3.500-4.000 đồng/kg; các loại củ, quả nhìn chung đều thấp hơn so với ở Hà Nội, với điều kiện là đặt mua hàng tận gốc (nơi sản xuất). Từ đây, nông sản chở về xuôi và sau đó có những đầu mối bỏ buôn cho các quầy bán lẻ, mỗi xe trừ chi phí đều có lãi, nên thấy lợi là cứ làm, không quan tâm đến chất lượng ra sao. Tư thương A Sính, người Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chuyên bán buôn khoai môn cho hay, tùy thuộc vào thị trường mà giá cả thay đổi theo từng ngày. Theo A Sính, nông sản ở tỉnh Vân Nam rất nhiều và được trồng thành những vùng tập trung, có năng suất cao, giá thành và chi phí sản xuất giảm khá nhiều so với những năm trước. Nông sản của tỉnh làm ra ngoài cung cấp tại chỗ, vẫn còn một lượng lớn được xuất khẩu sang Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai. Theo anh Tuấn, một tư thương có thâm niên buôn bán các giống cây trồng và rau, củ, quả thương phẩm tại cửa khẩu Lào Cai: Nông sản nhập vào Việt Nam nhiều, một phần do hàng không phải chịu thuế suất (trừ mặt hàng nguyên liệu lá thuốc lá nhập khẩu theo hạn ngạch Bộ Công thương quy định), mặt khác một số sản phẩm nông sản sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Anh Tuấn còn cho hay, nông sản của Trung Quốc rẻ là do họ rất quan tâm đến việc đưa giống chất lượng cao vào sản xuất. Bàn về vấn đề chất lượng nông sản nhập khẩu, anh Tuấn cho rằng, với các loại củ như: khoai tây hoặc khoai sọ, việc bảo quản đơn giản, không lo ngại về chất lượng. Nhưng với rau, quả nhập khẩu thì cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) để bảo vệ sức khỏe người dân. Anh Tuấn băn khoăn, thời gian qua, cửa khẩu Lào Cai chưa kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, nhất là việc kiểm tra, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên rau, quả…
Hải quan cửa khẩu Lào Cai kiểm tra hàng nông sản nhập khẩu bằng các biện pháp thông thường. Ảnh: Hữu Hoài
Đùn đẩy trách nhiệm quản lý
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 (Lào Cai) được biết: Một lô hàng rau, củ, quả tươi nhập khẩu, Kiểm dịch thực vật vùng 8 chỉ lấy mẫu để kiểm tra, kiểm soát đối tượng sinh vật gây hại. Nếu các lô hàng nhiễm khuẩn, cán bộ kiểm dịch thực vật sẽ xử lý, phun khử trùng sau đó coi như xong việc. Việc giám sát ATVSTP, cụ thể là xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các loại rau, quả, theo ông Tuân, thuộc trách nhiệm của y tế. Nhưng khi làm việc với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai, những cán bộ có trách nhiệm ở đây lại cho rằng, trước đây Ban Quản lý kinh tế cửa khẩu Lào Cai (có nhắc bằng miệng) giao cho Trung tâm kiểm soát ATVSTP tại cửa khẩu, nhưng lại không có văn bản chỉ đạo cụ thể nên Trung tâm chưa có căn cứ và cơ sở để lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc BVTV trên rau, quả tươi nhập khẩu. Theo ông Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai thì trách nhiệm này thuộc Chi cục ATVSTP Lào Cai. Nhưng thật buồn là Chi cục này mới được thành lập tháng 10-2009 nên chưa thể quản lý được công tác ATVSTP với nhóm sản phẩm nông sản nhập ngoại. Bà Nguyễn Thị Hải Anh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Lào Cai bức xúc cho biết, "Chi cục mới được thành lập, năng lực có hạn, cán bộ thì chắp vá, có cả công chức cấp xã mới được tiếp nhận vào làm, vì vậy chưa thể làm thay nhiệm vụ của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai". Bà Hải Anh phân trần, chức năng nhiệm vụ của Chi cục chỉ quản lý nhà nước về lĩnh vực ATVSTP và tham mưu cho Sở Y tế để cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩm về vấn đề này trên địa bàn tỉnh. Chi cục không có nhiệm vụ lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc BVTV tại cửa khẩu vì ảnh hưởng đến công tác xuất nhập khẩu. Theo bà Hải Anh, việc bỏ ngỏ kiểm dịch thực vật và chưa
giao trách nhiệm cho đơn vị nào là điều đáng lo ngại.
Cần lập quy chế kiểm soát chất lượng nông sản
Từ thực tế trên cho thấy, hiện nay khâu quản lý chất lượng hàng nông sản tại các cửa khẩu liên quan đến vấn đề ATVSTP còn rất nhiều lỗ hổng. Mỗi ngày có hàng trăm tấn rau, củ quả có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập sang Việt Nam bị "thả nổi" về chất lượng là điều rất đáng lo ngại. Điển hình là mới đây nhất, cơ quan chức năng đã phát hiện một số mẫu cà chua nhập khẩu có chứa chất độc hại. Do đó, để quản lý tốt chất lượng các mặt hàng nông sản nhập khẩu, yêu cầu đặt ra là cần sớm có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm soát phải được cung cấp những thiết bị cần thiết để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trong rau, củ bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Song song với vấn đề trên, các ngành, địa phương cũng cần gấp rút có biện pháp để khuyến khích người nông dân đẩy mạnh diện tích trồng hoa màu và có những tính toán quy hoạch tổng thể để cân đối được cung - cầu. Có như vậy mới có thể từng bước cải thiện đời sống cho người nông dân, đồng thời phát huy thế mạnh của thị trường trong nước, đưa các sản phẩm phù hợp, bảo đảm chất lượng tới tay người tiêu dùng.
(Theo Thúy Nga // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com