![]() |
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Huy Hùng |
- Giá lúa, gạo trong nước những ngày qua tăng mạnh với nhiều biểu hiện của một cơn sốt lúa, gạo như đã từng xảy ra năm 2008.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ việc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, đại diện Việt Nam dự và trúng thầu 150.000 tấn gạo (ngày 4-11) của Philíppin khiến giá lúa, gạo trong nước trước đó chỉ khoảng 3.800 đ/kg lúa (tháng 9-10) đã tăng lên hơn 6.000 đ/kg vào đầu tháng 12 và tiếp tục tăng sau khi Việt Nam trúng thầu thêm 600.000 tấn gạo cung cấp cho Philíppin vào ngày 15-12. Tuy nhiên, những phân tích và khẳng định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Công thương, cùng những động thái đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa, gạo đối với thị trường trong nước cho thấy "cơn sốt" lúa, gạo khó có khả năng xảy ra.
Không chủ quan trước cơ hội lớn
Thời gian gần đây, giá gạo thế giới tăng nhanh và dự báo xu hướng tăng còn tiếp tục là do nhu cầu nhập khẩu (NK) của một số nước tăng mạnh. Sau 24 năm liên tục đứng ở vị trí thứ 3 về xuất khẩu (XK) gạo, đợt hạn hán vừa qua ở Ấn Độ đã khiến quốc gia này mất khả năng sản xuất lúa, gạo và dự kiến phải NK từ 3 đến 5 triệu tấn gạo. Việc NK gạo của Philíppin ít nhất là 2,35 triệu tấn vào năm tới do ảnh hưởng từ các đợt mưa bão... Trong một thời gian ngắn, Philíppin liên tiếp mở thầu với số lượng gạo NK lớn. Động thái NK của Philíppin và Ấn Độ đã ảnh hưởng lớn đến giá gạo thế giới. Dự báo, giá gạo thế giới tiếp tục tăng nhờ nhu cầu NK của 2 nước này. Song, theo nhận định của Hiệp hội Lương thực, mặc dù nhu cầu lớn, nhưng 2 quốc gia này cũng không nôn nóng với kế hoạch NK gạo, vì được biết Ấn Độ vẫn còn một lượng lúa mỳ tồn kho khá lớn, nên có thể nhu cầu NK gạo của quốc gia này kéo dài đến quý II-2010. Mặc dù Philíppin liên tiếp mở thầu, nhưng nhu cầu lấy hàng cũng kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8-2010. Như vậy, thời điểm lấy hàng của các quốc gia này không quá cấp tập, nên không gây căng thẳng về nguồn hàng cho các quốc gia cung ứng như Việt Nam. Vì vậy, thông tin các doanh nghiệp (DN) của Hiệp hội đang thu gom hàng cho các hợp đồng lớn làm giá lúa, gạo trong nước bị đẩy lên cao là không có cơ sở.
Giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng, song dự báo không tăng quá mạnh do nguồn cung dồi dào từ Thái Lan và Việt Nam. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tồn kho gạo thế giới trong năm 2009 ở mức 85,9 triệu tấn, giảm 5,29% so với 2008, nhưng tăng mạnh so với mức dự trữ của năm 2006 và 2007 (tăng 6,84% và 14,38%). Như vậy, mặc dù đang có cơ hội, nhưng Việt Nam vẫn cần cân nhắc thời điểm hợp lý để xuất hàng, nhằm thu được lợi nhuận cao nhất từ gạo.
Không để xảy ra "sốt" giá
Theo Bộ Công thương, tổng lượng gạo XK tính đến hết tháng 11-2009 đạt kỷ lục trong nhiều năm nay (5,7 triệu tấn) và dự kiến tháng 12 XK 400.000 tấn. Với lượng gạo tồn kho trong hệ thống các DN nhà nước và Hiệp hội là 1,4 triệu tấn, nếu thực hiện hết các hợp đồng của tháng 12, chúng ta còn 1 triệu tấn gạo hàng hóa để chuyển sang năm 2010. Các vụ mùa, vụ thu đông sẽ cho thêm 500-700 nghìn tấn gạo. Số gạo này cộng với 1 triệu tấn tồn kho, ít nhất sẽ có 1,5 triệu tấn gối đầu cho năm 2010. Theo các hợp đồng thương mại của các DN đăng ký trong quý I-2010 tính đến nay vào khoảng 1,6 triệu tấn. Với lượng gạo đã có cộng với kết quả của vụ đông xuân sớm sẽ bảo đảm mỗi tháng giao hàng 500 tấn cho quý I-2010, không ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Vụ đông xuân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng hứa hẹn bội thu do các địa phương áp dụng tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Dự kiến, từ nay đến tháng 3-2010 khu vực ĐBSCL sẽ liên tục thu hoạch các vụ lúa, với tổng sản lượng hơn 10 triệu tấn. Cụ thể, là sau khi kết thúc vụ thu đông, các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch vụ lúa mùa trong và sau Tết Canh Dần với sản lượng khoảng 900.000 tấn. Vụ đông xuân sớm cho thu hoạch vào tháng Giêng năm 2010 với hơn 1,4 triệu tấn lúa. Đến tháng 3-2010, ĐBSCL sẽ thu hoạch vụ đông xuân chính với diện tích 1,3 triệu hécta, dự kiến sản lượng gần 8 triệu tấn. Với mặt bằng giá lúa, gạo như hiện nay, nông dân có nhiều hy vọng một mùa vụ vừa được mùa, vừa được giá.
Giá gạo trong nước đang bình ổn
Mấy ngày qua, giá nhiều loại lúa, gạo tại ĐBSCL đã có xu hướng bình ổn và giảm nhẹ khoảng 40-50 đ/kg so với cách thời điểm này 1 tuần. Nguyên nhân, do nguồn cung lúa hàng hóa trên thị trường đang tăng, vì nhiều địa phương ở ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang... có lúa mới thu hoạch. Giá các loại lúa thường bán lẻ trên thị trường ở các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL hiện ở mức 6.000-6.500 đ/kg, trong khi giá nông dân bán cho tư thương phổ biến 5.600-5.700 đ/kg. Giá lúa gạo từ hơn 1 tháng trước đó tăng đột biến là do các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL vào thời điểm giáp vụ, nguồn lúa, gạo hàng hóa giảm. Trong khi đó, thị trường XK gạo đang có nhiều thuận lợi, giá gạo XK của nước ta đã tăng sau khi Philíppin mở các đợt đấu thầu mua gạo với số lượng lớn. Theo nhiều DN chế biến gạo XK, ngoài nguyên nhân nguồn cung lúa, gạo hàng hóa trên thị trường giảm và nhu cầu NK gạo tại nhiều nước trên thế giới tăng, giá lúa, gạo trong nước được đẩy lên ở mức cao còn do yếu tố tâm lý. Ngoài ra, nhiều người kinh doanh gạo ở thị trường trong nước quy đổi giá gạo XK ra giá gạo bán lẻ ở thị trường trong nước. Mặt khác, đa số người buôn bán gạo và các loại hàng hóa khác nói chung, luôn mong muốn có được mức lời cao... Vì vậy, giá gạo bán lẻ trong nước ở nhiều nơi đã được đẩy lên ngang với giá gạo XK, thậm chí cao hơn. Hơn nữa, thời gian qua do một bộ phận người dân sợ giá gạo tăng thêm đã mua gạo dự trữ, góp phần đẩy giá nhích lên.
(Theo Thanh Mai // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com