Khi nói về những con người, những vùng đất mình đã gặp và đi qua ở các phóng sự, ký sự dài kỳ về đồng bào dân tộc, nhà báo Đỗ Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Truyền hình tiếng dân tộc, hầu như không thể dứt ra khỏi những câu chuyện giờ đã trở thành kỷ niệm trong cuộc đời người làm truyền hình. Và khi ngồi để ngẫm về nghề thì những kinh nghiệm nghề nghiệp cùng những trăn trở làm sao để "thương hiệu" VTV5 - Truyền hình Tiếng Dân tộc, Đài THVN đứng vững trong lòng khán giả cả nước luôn thường trực trong anh.
- Thưa anh, khi xem những chương trình do VTV5 sản xuất, người xem đều nhận thấy sắc màu, âm hưởng mênh mang của văn hoá các dân tộc trong đó, vậy văn hoá có phải là chủ đề mà VTV5 hướng đến?
Nhà báo Đỗ Quốc Khánh: Trong các chương trình của VTV5 hiện nay, kể cả chương trình chính luận, chúng tôi đều xác định văn hoá là điểm nhấn của mọi chương trình. Khi làm seri "Ký sự vùng cao" 12 tập nói về vùng đồng bào dân tộc Tây Bắc, chúng tôi cũng khai thác những giá trị văn hóa đích thực của đồng bào để tạo 'linh hồn' cho những ký sự này. Sắp tới, Ký sự Già làng Tây Nguyên 14 tập và Dọc ngang miền Trung 12 tập cũng đều lấy văn hoá làm nền tẳng để mềm hoá chương trình.Qua đó, những bến nước, sử thi, làn điệu dân ca, điệu múa, trang phục văn hoá của đồng bào mỗi dân tộc... đều là những giá trị không thể phai nhạt. Lựa chọn văn hoá làm chủ đề phản ánh cũng là xu hướng của truyền hình hiện đại. Từ văn hoá, các chương trình của VTV5 đã tạo ra bản sắc, lối đi riêng của mình. Đây cũng là hướng đi lâu dài của VTV5.
- Vậy những giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc được các phóng viên VTV5 khai thác như thế nào trong mỗi chương trình cụ thể?
Nhà báo Đỗ Quốc Khánh: Những bản làng mà chúng tôi đề cập trong các ký sự, phóng sự đều là những vùng đồng bào đời sống còn nhiều khó khăn. Điều khiến chúng tôi vừa mừng và ngạc nhiên là ở những vùng đất này, những nét hồn hậu và những sắc thái văn hoá của bà con vẫn được lưu giữ. Chính vì thế, khi thực hiện chúng tôi đều cố gắng thể hiện thật sống động những sắc màu văn hoá này. Đương nhiên làm những việc này thật không dễ dàng gì. Bởi bà con rất ngại ngùng trước ống kính. Để quay được những điệu múa của người Hà Nhì, điệu múa mừng lúa mới của đồng bào Si La, rồi kỹ thuật làm nhà trình tường, đặt tên cho người Lô Lô, tiếng khèn của người Mông, tiếng đàn Tbon của người Chứt; cảnh tắm bên suối của các cô gái Thái .. chúng tôi đã mất rất nhiều công sức và thời gian. Có lẽ cũng chính vì thế mà chúng tôi đã ghi được nhiều hình ảnh hồn hậu của người dân vùng cao. Đối với các dân tộc rất ít người như: Mảng, La Hủ, Si La, Brâu, Ơ Đu.. VTV5 đều ưu tiên đưa các các chương trình phản ảnh về văn hoá, đời sống qua các phóng sự, ký sự. Đối với các dân tộc này, nếu văn hoá không được giữ gìn thì mỗi ngày nó sẽ mất đi. Mình vừa làm truyền hình, vừa tìm cách giữ gìn, bảo tồn, tích luỹ về vốn quý văn hoá các dân tộc.
- Những chuyến đi đến những vùng đất xa xôi nhất, đến với vùng đồng bào dân tộc ít người nhất đã đọng lại trong các phóng viên, biên tập viên VTV5 những kỷ niệm gì?
Nhà báo Đỗ Quốc Khánh: Những phóng viên, biên tập viên muốn thực hiện các đề tài về vùng dân tộc phải thực sự say nghề mới làm được. Và hầu như chuyến đi nào chúng tôi cũng cùng ăn ở với đồng bào. Khi chúng tôi làm phim về tết người Mông (sớm hơn tết cổ truyền dân tộc 1 tháng), trời rất rét, nhiều anh em phải ra xe ô tô ngủ. Khi quay làn điệu múa xoà của đồng bào Thái, có những phóng viên đã ở 15 ngày tại bản để cùng ăn ở để hiểu phong tục tập quán của đồng bào. Có như vậy mới quay được những cảnh đồng bào đi đánh cá, mò rêu bên suối. Còn đợt làm ký sự 'Một ngày ở bản Seo Hai', trận mưa ở thượng nguồn sông Đà đã khiến chúng tôi một phen hú hồn. Hôm đó dòng sông trở nên hùng dữ lạ thường khiến phóng viên phải đứng giữa ranh giới sống chết. Cuối cùng, với sự nỗ lực của người dân, cuối cùng chúng tôi cũng vào được bản với những bộ quần áo ướt sũng, quần áo lấm lem và cái lạnh buốt người. Bù lại chúng tôi được bà con cả bản đón tiếp hết sức nồng hậu, bởi chúng tôi là người đầu tiên của truyền hình vào tới bản của người Si La..
- Những câu chuyện anh vừa kể khiến chúng tôi thấy, người làm truyền hình dân tộc sẽ phải hội tụ nhiều phẩm chất để sống được dài lâu với nghề?
Nhà báo Đỗ Quốc Khánh: Làm truyền hình cần say nghề, đam mê và phải làm hết mình, coi đó như nghề sống còn của mình, thậm chí tự dồn mình vào thế chân tường thì mình mới tìm cách bứt phá và vượt lên được. Trước Bác Hồ nói, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Đối với người làm truyền hình, nếu không vận động được đồng bào tham gia, không kéo được đồng bào vào cuộc thì không bao giờ thành công. Vì vậy, khi đến với đồng bào, mình phải thực sự chân thành, hoà nhập và hết lòng yêu văn hoá của đồng bào thì mới tạo sự sáng tạo trong tác phẩm.
Đối với các chương trình giàu màu sắc văn hoá như VTV5 thì ngoài yêu cầu có một 'phông' văn hoá tốt thì cần phải biết khai thác đúng thời điểm sự kiện diễn ra để dựng được những thước phim hay nhất, đẹp nhất, sống động nhất về đồng bào. Đến hôm nay, điều khiến người làm truyền hình chúng tôi vui nhất là những tác phẩm của mình đã được người xem đón nhận, cổ vũ, khích lệ. Có thể nói, sau những ngày 'trèo đèo lội suối' làm chương trình thì những tâm sự, phản hồi của khán giả là nguồn động viên lớn, khích lệ mình tiếp tục dấn thân và cống hiến hết mình cho nghề mà mình đã lựa chọn
- Xin chân thành cám ơn anh!
(Theo VTV // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |