Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Đông Nam Á trong năm 2009: Nhiều khó khăn và thách thức

Ngày 21-11, tại hội nghị các quan chức tài chính cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với những người đồng cấp Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng thống nhất đặt mục tiêu thành lập quỹ khẩn cấp khu vực mở rộng vào năm 2009 nhằm giúp khu vực này đối phó tốt hơn với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng quyết định họp thượng đỉnh vào ngày 13-12 tới tại Nhật Bản để xem xét biện pháp hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó có việc mở rộng các thỏa thuận hoán đổi ngoại tệ và thỏa thuận ASEAN + 3 về thành lập quỹ khẩn cấp chung trị giá 80 tỷ USD.

Liên quan đến tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á trong năm 2009, trang điện tử Oxford Analytica (OA) của Anh ngày 20-11 có bài phân tích với bình luận: “Những ảnh hưởng lớn về kinh tế Đông Nam Á do khủng hoảng tài chính toàn cầu mang tới sẽ xuất hiện rõ hơn và điều này sẽ quyết định tương lai trung hạn của khu vực này”.

Theo OA, hầu hết các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á đều hướng ra xuất khẩu, đều phụ thuộc vào thương mại và đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Các nền kinh tế này thuộc nhóm 50 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trong đó Malaysia, Singapore và Thái Lan nằm trong danh sách 10 nước phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu. Điều này làm cho Đông Nam Á rất dễ chịu tác động của xu hướng buôn bán và đầu tư giảm trên thế giới hiện nay.

Ngoài ra, những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu đã làm giảm mạnh ý định đầu tư mạo hiểm vào các thị trường đang nổi lên, kết quả là dòng vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài giảm mạnh. Trong khi đó, các nhà đầu tư của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lại đang rút vốn về nước để bù đắp cho thua lỗ ở kinh tế nội địa, nên dòng vốn đầu tư tư nhân cũng chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tổng lượng vốn đầu tư toàn cầu sẽ giảm tới 47%, chỉ còn 530 tỷ USD trong năm 2009, do kinh tế toàn cầu suy thoái, đầu tư trực tiếp của nước ngoài có thể còn giảm mạnh hơn.

Tuy nhiên, khác với cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á cách đây 10 năm, lần này Đông Nam Á chỉ nằm ở ngoại vi của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hệ thống ngân hàng, cán cân tài chính và dự trữ ngoại tệ của các nước trong vùng đều tốt hơn trước, tạo điều kiện cho các nền kinh tế khu vực chống đỡ được một phần tác động xấu từ bên ngoài.

(Theo báo Sài gòn giải phóng )

  • Nga dự định giảm hạn ngạch nhập khẩu thịt lợn và gia cầm năm 2009
  • Ấn Độ và TQ sẽ là những cường quốc vào năm 2025
  • Kinh tế Đông Nam Á trong năm 2009: Nhiều khó khăn và thách thức
  • Kinh tế Xingapo có thể tăng trưởng âm trong năm 2009
  • Nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc sẽ không tăng trong năm 2009
  • OECD: Kinh tế toàn cầu ít có cơ hội phục hồi trong năm 2009
  • Dệt may Campuchia sẽ lâm vào khủng hoảng từ đầu năm 2009
  • Thị trường ôtô Trung Quốc có thể tăng trưởng 5% năm 2009
  • Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 8-9% năm 2009
  • Tăng trưởng kinh tế của Inđônêxia năm 2009 có thể thấp hơn dự báo
  • Sản lượng xe hơi của Thái Lan sẽ giảm 17% trong năm 2009
  • Hàn Quốc đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 500 tỷ USD cho năm 2009
  • Pháp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2009, 2010
  • Đức: Ngành công nghiệp sẽ khó khăn hơn trong năm 2009
  • Nga thông qua ngân sách 2009-2011