Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 05/5/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội thành một đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á.
   


Đến năm 2050, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững. Đồng thời là trung tâm chính trị, văn hoá - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước.

Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thủ đô Hà Nội và 7 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình trải rộng trên diện tích khoảng 13.436 km2, bán kính ảnh hưởng từ 100 - 150 km. Như vậy, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ rộng gấp khoảng 13 lần Thủ đô Hà Nội hiện nay (diện tích 920,97 km2).

Dân số toàn vùng vào năm 2050 vào khoảng 18 - 18,2 triệu người, trong đó, dân số đô thị tăng nhanh, từ 4,1 - 4,5 triệu người (năm 2010) lên 8,1 - 9,2 triệu người (năm 2020) và 14,4 - 15,4 triệu người (năm 2050). Năm 2050, bình quân diện tích đất đô thị là 115 m2/người.

Các định hướng chính phát triển vùng Thủ đô


Vùng Thủ đô Hà Nội phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực tập trung: liên kết không gian giữa thành phố Hà Nội (vùng đô thị hạt nhân trung tâm gắn với vùng phụ cận) và các tỉnh xung quanh (vùng phát triển đối trọng), trong đó các đô thị tỉnh lỵ là các hạt nhân của vùng phát triển đối trọng. Phương hướng phát triển của vùng là thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị tỉnh lỵ nhằm phát huy vai trò, tiềm năng, thông qua việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, giảm sự tập trung quá tải vào thành phố Hà Nội.

Đô thị hạt nhân: Thủ đô Hà Nội đóng vai trò chủ đạo của vùng, chủ yếu tập trung các trung tâm chính trị, hành chính, văn hoá, thương mại, tài chính, dịch vụ, công nghệ cao, các cơ quan nghiên cứu và là một trung tâm du lịch của toàn vùng và quốc gia.

Vùng phụ cận Hà Nội được xác định trong phạm vi xung quanh Hà Nội hiện hữu.

Vùng đô thị hoá mạnh bao gồm không gian các đô thị công nghiệp - dịch vụ phát triển nối kết về phía Đông; không gian các đô thị du lịch - đào tạo - công nghệ cao phát triển nối kết về phía Tây của vùng, hình thành các trục không gian kinh tế - đô thị đối trọng Đông - Tây.

Vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế giữa đô thị hạt nhân thành phố Hà Nội với thành phố Hải Phòng và thành phố Hạ Long, trong đó đô thị Hải Dương đóng vai trò đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng đồng bằng phía Nam - Đông Nam đồng bằng sông Hồng.

Các đô thị trung tâm tỉnh phát triển quy mô và chất lượng đô thị với đầu tư xây dựng hạ tầng xã  hội - kỹ thuật gắn các vùng công nghiệp - dịch vụ xung quanh đô thị để tăng sức hút phát triển đô thị. Phát triển giao thông liên đô thị gắn kết với đô thị hạt nhân trung tâm và tạo khung phát triển chính cho vùng đối trọng. Lựa chọn các đô thị lớn cấp trung tâm vùng là thành phố Hải Dương, Hoà Bình, Vĩnh Yên, trong đó quan tâm thúc đẩy vai trò của thành phố Hải Dương tương lai là một đô thị lớn.

Các đô thị trung bình và nhỏ phát triển gắn với các vùng nông nghiệp và là các trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn, tạo sức hút lao động tại chỗ.

Bảo vệ những khu vực tự nhiên (không xây dựng và phát triển đô thị), bao gồm: các vùng thấp trũng lưu vực ven các dòng sông, các vùng xả lũ, những tuyến đê và các vùng giới hạn xây dựng, các vùng cảnh quan, di tích văn hoá lịch sử quốc gia trong vùng Hà Nội và các tiểu vùng nông nghiệp chính của các tỉnh.

Phát triển không gian vùng Thủ đô Hà Nội


Vùng đô thị hạt nhân và phụ cận: vùng đô thị hạt nhân là Thủ đô Hà Nội mở rộng lựa chọn các loại hình phát triển kinh tế, kiểm soát gia tăng dân số và đất đai, hướng tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính lớn của quốc gia, các khu nghiên cứu - đào tạo công nghệ cao, trung tâm văn hoá lớn.

Vùng phụ cận trong phạm vi 25 - 30 km có chức năng hỗ trợ phát triển và mở rộng đô thị trung tâm, là các vùng giao thoa, lan toả sự phát triển giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vai trò của các khu vực này là tạo các vành đai xanh cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cho Thủ đô, đồng thời phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch văn hoá, sinh thái...

Vùng phát triển đối trọng trong phạm vi 30 - 60 km, hình thành theo 3 phân vùng lớn với các trung tâm tỉnh lỵ là các hạt nhân phát triển.

Vùng đối trọng phía Tây của Thủ đô Hà Nội: là Hoà Bình có địa hình bán sơn địa, cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng có nhiều tiềm năng để phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng, làng văn hoá... Đồng thời có thể bố trí các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

Vùng đối trọng phía Đông và Đông Nam: bao gồm các tỉnh đồng bằng chuyển tiếp giữa vùng Đồng bằng sông Hồng với vùng Duyên hải Bắc Bộ như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam. Vùng này nằm trên các trục kinh tế nối Thủ đô Hà Nội với các cảng biển Bắc Bộ, có tiềm năng phát triển nông nghiệp và công nghiệp.

Vùng đối trọng phía Bắc - Đông Bắc: gồm các khu vực phía Bắc sông Hồng và dọc theo hành lang trục đường 18, chủ yếu là vùng bán sơn địa thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây có tiềm năng về quỹ đất gò đồi để hình thành các khu vực công nghiệp - dịch vụ đô thị.

Phát triển hệ thống dân cư, đô thị và các dịch vụ hạ tầng xã hội

Đảm bảo phát triển theo hướng bền vững với nguyên tắc tầng bậc, tập trung tại các trung tâm đô thị và xung quanh, tiết kiệm đất đai và đầu tư các dịch vụ hạ tầng, nâng cao chất lượng và sức thu hút về dịch vụ hạ tầng, nhà ở và việc làm cho các đô thị trong vùng. Hệ thống đô thị được phân như sau:

Thủ đô Hà Nội: hướng phát triển không gian theo ba khu vực: Khu vực đô thị phía Nam sông Hồng, theo hướng chỉnh trang và mở rộng đô thị về hướng Tây - Tây Nam; Khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng hình thành mới trung tâm thương mại - đô thị gắn với đầu mối giao thông quốc gia tổng hợp và tham gia vào hành lang kinh tế Côn Minh - Hạ Long; Khu vực đô thị phía Đông sông Hồng - Nam sông Đuống đáp ứng dịch vụ nhà ở gắn khu vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại.

Các thành phố cấp vùng, phân vùng: gồm các thành phố Hải Dương, Vĩnh Yên, Hoà Bình, trong đó thành phố Hải Dương là đô thị cấp vùng, các đô thị trung tâm tỉnh là Bắc Ninh, Hưng Yên và Phủ Lý. Phát triển đô thị trung tâm tỉnh và các đô thị trên địa bàn theo hướng đầu tư tập trung, nâng cao chất lượng kiến trúc và điều kiện dịch vụ đô thị, hạ tầng...

Các đô thị chuyên ngành chủ yếu là các đô thị mới gắn với các trung tâm đào tạo, công nghệ cao (Hoà Lạc), công nghiệp (như Phố Nối, Đồng Văn...), du lịch (như Sơn Tây, Sao Đỏ - Chí Linh, Tam Đảo, Lương Sơn, Quan Sơn...), dịch vụ thương mại, phát triển nhà ở (như An Khánh, Mê Linh, Văn Giang, Từ Sơn...).

Các đô thị, thị trấn cấp huyện là trung tâm công nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ dân cư nông nghiệp - nông thôn.

Không gian công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội

Hình thành các khu vực công nghiệp chính trong vùng theo các xu hướng bố trí không gian phát triển toàn vùng, bao gồm:

Vùng đô thị hạt nhân trung tâm: Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, công nghệ cao, mới, không ô nhiễm, ít chiếm đất, sử dụng lao động có lựa chọn, gắn với khu vực nghiên cứu; Khu công nghệ cao Hà Nội xây dựng tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long; Các khu công nghiệp khác cần rà soát lại loại hình và phát triển trong khu vực phụ cận trung tâm.

Các vùng đối trọng

Vùng công nghiệp đường 18: phát triển công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản, cơ khí hoá chất...

Vùng công nghiệp Bắc sông Hồng: gồm khu vực Sóc Sơn - Nội Bài, Mê Linh - Phúc Yên - Vĩnh Yên với hướng phát triển các công nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử, hạn chế các công nghiệp chế biến, ô nhiễm cao.

Vùng Phả Lại: công nghiệp nhiệt điện.

Vùng công nghiệp gắn với 2 đô thị lớn phụ cận là thành phố Việt Trì và thành phố Thái Nguyên, trong đó Thái Nguyên và phụ cận phía Nam (sông Công, Phổ Yên) phát triển công nghiệp thép, công nghiệp vật liệu xây dựng.

Phát triển vùng công nghiệp gắn tuyến trục đô thị hoá mạnh của vùng về phía Đông hướng cảng Hải Phòng với các ngành công nghiệp chế tác, chế biến lương thực thực phẩm, vật liệu cao cấp, công nghiệp nhẹ, dịch vụ sản xuất nông nghiệp. 

Xây dựng khu vực công nghệ cao phía Tây khu vực Hoà Lạc.

Công nghiệp thủy điện tại Hoà Bình.

Phát triển các vùng làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Tây.

Phát triển các cụm công nghiệp quy mô nhỏ gắn đô thị như Xuân Mai, Lương Sơn, Hoà Bình trên quốc lộ 6.

Phía Nam hình thành khu vực công nghiệp đa ngành gắn với 2 đô thị phía Nam của vùng là Hưng Yên và Phủ Lý.

Vùng trọng điểm công nghiệp

Vùng trọng điểm công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội chủ yếu tập trung vào khu vực phía Đông (từ vùng đô thị trung tâm nối ra Hải Phòng và Quảng Ninh), tạo một hành lang kinh tế chủ đạo của toàn vùng với sự nối kết các tuyến đường cao tốc Đông - Tây, hành lang đô thị hoá mạnh với các đô thị trung tâm phát triển lớn và các cụm đô thị - công nghiệp - dịch vụ xen kẽ trên toàn dải trục, hình thành một vùng phát triển đối trọng với đô thị trung tâm.

Đối với Thủ đô Hà Nội: di chuyển kết hợp cải tạo, nâng cấp cơ sở các ngành sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm ra xa nội thành (khi chuyển ra ngoại thành có biện pháp đồng bộ bảo vệ môi trường) gắn với việc hình thành các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị mới như các khu Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Bồ Đề (Gia Lâm), Yên Viên.

Tổ chức không gian du lịch vùng

Vùng ưu tiên đầu tư phát triển du lịch: nằm trong hạt nhân của các trung tâm du lịch; các điểm du lịch lớn; nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch có khả năng khai thác đồng thời.

Không gian trung tâm du lịch: thành phố Hà Nội là trung tâm du lịch của vùng, là nơi hội tụ các di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc và các lễ hội truyền thống với nhiều di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích đặc biệt, được coi là tiềm năng du lịch nhân văn lớn nhất trong cả nước. Tại đây, ưu tiên đầu tư các công trình dịch vụ, vận chuyển giao thông, nâng cấp các điểm tham quan.

Không gian các trung tâm du lịch vệ tinh: phát triển chủ yếu gắn với các đô thị trong vùng như thành phố Việt Trì, thành phố Vĩnh Yên, thành phố Sơn Tây, thành phố Hoà Bình, thành phố Nam Định, thành phố Bắc Ninh, thành phố Hải Dương với các ưu tiên đầu tư các cơ sở lưu trú, các công trình vận chuyển giao thông, dịch vụ.

Các vùng du lịch lớn: Vùng du lịch sinh thái - giải trí - thể thao - nghỉ dưỡng Ba Vì - Hà Tây; Vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Tam Đảo - Tây Thiên ; Vùng du lịch văn hoá, lễ hội kết hợp thắng cảnh hồ - vùng cảnh quan núi đá Hương Sơn - Quan Sơn - Tam Chúc.

Định hướng phát triển hệ thống dịch vụ xã hội


Tổ chức hệ thống dịch vụ thương mại - y tế vùng:

Để hỗ trợ cho các đô thị có vai trò trung tâm vùng và các đô thị chuyên ngành lớn, có khoảng cách hợp lý với Hà Nội đồng thời có vai trò ảnh hưởng đến sự điều phối dịch cư trong vùng như các đô thị: Hải Dương, Vĩnh Yên và Hoà Bình đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ thương mại - công cộng, văn hoá giải trí và y tế để nâng cao chất lượng đô thị nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút các nguồn lực vào đô thị.

Xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao quy mô vùng tại đô thị Hòa Lạc (Hà Tây), thành phố Hải Dương, Vĩnh Yên và thị xã Phủ Lý nhằm giảm sự quá tải các bệnh viện đầu ngành tại nội thành Hà Nội.

Xây dựng các trung tâm thương mại đầu mối, với vai trò phát luồng, điều hòa phân phối hàng hóa trong vùng và các khu vực lân cận tại Phủ Lý (Hà Nam), Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Hòa Lạc.

Tổ chức hệ thống đào tạo vùng

Tổ chức 3 trung tâm đào tạo của vùng là Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định, trong đó Hà Nội là trung tâm và Hải Phòng - Nam Định là hai địa bàn hỗ trợ nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia, vùng Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Hà Nội là trung tâm đào tạo lớn nhất. Hình thành các trung tâm đào tạo mới gắn với các đô thị trong vùng theo các dự án lớn như khu Đại học Quốc gia tại Hoà Lạc, các trường cao đẳng kỹ thuật hình thành từng cụm gắn với các khu vực công nghiệp tập trung lớn Bắc Thăng Long - Nội Bài - Sóc Sơn của Hà Nội, vùng công nghiệp đường 18 và 18 mới (thuộc Hải Dương - Quảng Ninh), khu vực công nghiệp Phố Nối - Yên Mỹ (Hưng Yên).

Để từng bước thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội có hiệu quả, giai đoạn đầu được xác định sẽ tập trung vào 27 chương trình, dự án cụ thể. Về hạ tầng xã hội có chương trình sắp xếp điều chỉnh các cơ sở giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề nhằm di chuyển một số trường ra khỏi nội thành Hà Nội, xây dựng chợ đầu mối và các siêu thị bán buôn... Hạ tầng kỹ thuật có dự án đầu tư cải tạo, mở rộng các tuyến quốc lộ hướng tâm quốc lộ 2, 3, 32..., dự án khôi phục dòng sông Đáy, xây dựng nghĩa trang Mai Dịch 2, nghĩa trang sinh thái, quy hoạch xây dựng hệ thống vành đai sinh thái vùng Thủ đô Hà Nội... /.

(Theo Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • TP HCM: Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến đến năm 2020
  • Đến 2020, Bình Thuận trở thành tỉnh công nghiệp-dịch vụ hiện đại
  • Ổn định 800 nghìn ha cao-su vào năm 2020
  • Quảng Ngãi: Kỳ họp lần thứ 21 HĐND tỉnh khoá X: Giai đoạn 2011- 2015, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 14%
  • Đến 2020, Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp
  • Công tác phòng chống tham nhũng và các giải pháp của chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020
  • Bàn về xây dựng Chiến lược Phát triển đất nước thời kỳ đến 2020
  • Điện Biên phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh miền núi biên giới vững mạnh
  • Thay thế 100% cầu yếu trên quốc lộ vào năm 2020
  • Năm 2020: Xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh
  • Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hàng trăm triệu tấn than đá vào năm 2020
  • Định hướng công nghiệp Hà Giang theo con đường phát triển nhanh và bền vững
  • Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020
  • Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050
  • Sức chứa kinh tế tỉnh Đồng Nai trong quá trình phát triển đến năm 2020