Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông di động Việt Nam

Sau hơn 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, thực hiện cam kết WTO về mở cửa thị trường viễn thông, năm 2009 sẽ là năm đầu đánh dấu sự kiện các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đầu tư vào thị trường viễn thông Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài vốn rất mạnh về tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại ngay trên sân nhà. Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, đặt ra yêu cầu cấp bách phải tìm kiếm các biện pháp mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa đồng thời tích cực, chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới thông qua đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

 

 

Tích cực từ cạnh tranh nội

Bước vào đầu năm 2007, trên thị trường viễn thông di động Việt Nam đã diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt chủ yếu giữa 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động trong nước. Trong đó, có ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động sử dụng công nghệ GSM là Công ty thông tin di động VMS (MobiFone), Công ty dịch vụ viễn thông (Vinaphone) và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel); ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động sử dụng cùng công nghệ CDMA là Công ty thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom), Công ty Cổ phần viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom với mạng di động HT mobile, từ ngày 15/3/2008 HT mobile chính thức chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang e - GSM) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (với mạng di động S - Fone). Quá trình ganh đua giữa các doanh nghiệp viễn thông di động (DNVTDĐ) Việt Nam đã mang lại những kết quả tích cực.

Quy mô mạng lưới và vùng phủ sóng ngày càng rộng và sâu. MobiFone và Vinaphone là hai mạng di động ra đời sớm nhất thị trường viễn thông di động Việt Nam và có tăng trưởng vùng phủ sóng cũng như lắp đặt trạm thu phát sóng BTS tăng liên tục qua các năm. Viettel là một doanh nghiệp ra đời sau, song đã tiến hành phát triển mạng lưới trước kinh doanh sau, vì thế trong một thời gian ngắn ra đời từ năm 2004 đã nhanh chóng tăng vùng phủ sóng liên tục và năm 2006 đã bắt đầu vượt xa Vinaphone và MobiFone, đến nay Viettel đã phủ sóng 63/63 tỉnh thành trong cả nước. Viettel là mạng di động có vùng phủ sóng rộng và sâu nhất cả nước đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, biên cương hải đảo nơi mà các mạng di động khác khó vươn tới. Mạng di động S-fone, EVN Telecom và HT Mobile chủ yếu chỉ khai thác ở những thị trường nhu cầu lớn như thành phố lớn, thị xã nên có vùng phủ sóng thấp nhất.

Doanh thu ngày càng tăng, số lượng thuê bao di động tăng rất nóng với nhiều người sử dụng dịch vụ di động. Cùng với việc đẩy mạnh lắp đặt thêm trạm thu phát sóng và thêm vùng phủ sóng, các DNVTDĐ đã không ngừng cạnh tranh, đẩy mạnh chạy đua phát triển thuê bao. Tính đến quý I/2008, cả nước đạt gần 50 triệu thuê bao di động, trong đó 43,9 triệu thuê bao thuộc về ba nhà khai thác có cùng công nghệ GSM gồm có Viettel với 17 triệu, Mobifone với 14,5 triệu, Vinaphone với 12,4 triệu, còn lại 6,1 triệu là của các mạng di động sử dụng cùng công nghệ CDMA gồm có S-Fone, EVN Telecom và HT mobile. Năm 2008, doanh thu dịch vụ viễn thông Việt Nam đạt khoảng 5,5 tỷ USD, trong đó VNPT ước đạt hơn 3 tỷ USD, Viettel ước đạt 2 tỷ USD.

Chính sách giá cước linh hoạt, với dịch vụ đa dạng và hướng tới khách hàng. Các doanh nghiệp viễn thông đang đua nhau giảm giá cước để lôi kéo khách hàng và phát triển khách hàng mới. Nếu trước đây, khi Việt Nam bắt đầu có mạng di động với sự độc quyền của VNPT, giá cước di động là 3.000đ - 3.500đ/phút, thì nay với sự ra đời của các doanh nghiệp viễn thông mới đã phá vỡ độc quyền của VPNT, làm cho giá cước di động hiện nay trên thị trường giảm chỉ còn từ 900đ/phút - 1.500đ/phút đối với thuê bao trả sau và 1.800đ/phút - 2.500đ/phút đối với thuê bao trả trước.

Cùng với việc giảm cước, các doanh nghiệp viễn thỗng liên tục tung ra thị trường nhiều gói dịch vụ khách nhau nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Như Viettel có các gói cước trả sau, trả trước, gói cước Tomato cho người có thu nhập thấp, ở nông thôn, gói cước Ciao dành cho học sinh sinh viên là chủ yếu, gói cước cha và con, gói cước Happy zone; Mobifone có Mobi gold, Mobicard, Mobi 4U, Mobi Q, Mobi 365...

Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông không ngừng cung cấp các dịch vụ gia tăng trên mạng di động nhằm đưa đến cho khách hàng sử dụng các dịch vụ đa dạng và phong phú. Ví dụ các hãng di động cung cấp dịch vụ kết nối internet GPRS, nhạc chuông chờ, chọn bài hát, tải nhạc chuông...

Chăm sóc khách hàng ngày càng được chú trọng. Trong thị trường viễn thông cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay thì chất lượng dịch vụ là yếu tố sống còn để giữ chân khách hàng và phát triển khách hàng mới. Các doanh nghiệp viễn thông đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như Viettel, Mobifone, Vinaphone rất chú trọng công tác chăm sóc khách hàng, tăng nhân viên callcenter phục vụ khách hàng nhanh nhất và chính xác nhất, công tác chăm sóc khách hàng được thực hiện ở cả 3 khâu: trước, trong và sau bán hàng.

Nhưng vẫn còn nhiều yếu kém

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, nhưng thị trường dịch vụ viễn thông di động Việt Nam thời gian qua cũng như hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu kém và hạn chế, biểu hiện:

Cơ chế quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp viễn thông còn bất cập. Đến nay nước ta chưa có Luật Viễn thông mà mới chỉ có Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông (có hiệu lực từ năm 2002). Tuy nhiên, pháp lệnh mới chỉ gồm những điều khoản chung, thiếu cụ thể  nên khó điều tiết hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông, trong khi đó thị trường viễn thông Việt Nam đang phát triển rất nóng. Theo đánh giá của Quốc tế thì Việt Nam thuộc tốp những nước có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất châu Á.

Cơ quan quản lý nhà nước chưa quản lý được chặt thuê bao di động của các doanh nghiệp viễn thông, số liệu cơ quan nhà nước về viễn thông di động công bố công khai còn chậm và hạn chế.

Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Mobifone và Vinaphone thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Viettel thuộc Bộ Quốc Phòng, EVN Telecom thuộc tập đoàn Điện lực, một số doanh nghiệp khác thành lập dưới dạng hợp tác kinh doanh BCC nên khi thực hiện việc đầu tư, vươn ra nước ngoài... thường mất nhiều thời gian và thủ tục để xin phép, báo cáo cơ quan nhà nước chủ quản.

Sự tăng trưởng và phát triển không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Trên thị trường hiện có 6 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động, nhưng thực chất cuộc cạnh tranh chỉ tập trung vào Viettel, MobiFone và Vinaphone, đây là ba nhà viễn thông di động chiếm tới 90% thị phần viễn thông di động Việt Nam. Trong đó Viettel là doanh nghiệp có tốc độ phát triển thuê bao lớn nhất với vùng phủ sóng rộng và sâu nhất, đến hết năm 2008 Viettel có hơn 28 triệu thuê bao di động.

Chất lượng dịch vụ chưa ổn định. Theo tiêu chuẩn của hiệp hội GSM toàn cầu có thiết lập tiêu chuẩn cuộc gọi thành công là 98%, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông di động ở Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn này mà thường chỉ đạt từ 95% - 97% với tỷ lệ cuộc gọi rớt còn cao.

Thị trường viễn thông phát triển quá nóng, các doanh nghiệp viễn thông đua nhau tăng thuê bao, chạy đua thuê bao trong khi đầu tư cho hạ tầng mạng lưới còn chưa theo kịp dẫn đến hiện tượng nghẽn mạng vẫn thường xảy ra, đặc biệt là vào dịp lễ, dịp tết dương lịch và âm lịch...

Tỷ suất sinh lợi/thuê bao ngày cảng giảm. Để chạy đua phát triển thuê bao mới, hạn chế thuê bao rời mạng, các doanh nghiệp viễn thông đua nhau cạnh tranh giảm giá, tăng khuyến mại cho khách hàng, thậm chí là khuyến mại ồ ạt quá mức trong khi đó vẫn phải mất rất nhiều chi phí  để đầu tư phát triển mạng lưới dẫn đến giá bán đang tiến về gần với giá thành hơn, điều đó cũng có nghĩa là tỷ suất sinh lời/thuê bao ngày càng giảm. Từ năm 2004 trở lại đây, tỷ suất sinh lợi bình quân trên thuê bao có xu hướng ngày càng giảm, điển hình như Mobifone giảm từ 2,65 năm 2002 xuống còn 1,14 năm 2006. 

Dịch vu gia tăng còn nghèo nàn. Các dịch vụ viễn thông di động gia tăng trên thị trường Việt Nam còn nghèo nàn và rất hạn chế, hiện mới chỉ tập trung vào các dịch vụ cơ bản là thoại và tin  nhắn, cùng với dịch vụ gia tăng cơ bản và sơ đẳng nhất như âm thanh, nhạc chuông, hình nền, truy cập internet... Trong khi đó nếu nhìn ra hãng viễn thông bên cạnh chúng ta như ChinaMobile của Trung Quốc có dịch vụ gia tăng rất phát triển và đa dạng, từ dịch vụ Go-tone dành cho doanh nhân có thu nhập cao đến các dịch vụ gia tăng qua tin nhắn dành cho nông dân như dịch vụ mẹo nhà nông, kỹ thuật chăn nuôi... Rõ ràng các dịch vụ gia tăng hiện này trên thị trường viễn thông Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức dịch vụ gia tăng cơ bản chưa đi vào chiều sâu.

Hạ tầng mạng lưới còn hẹp và thiếu đồng bộ, doanh nghiệp mới chỉ tập trung khai thác ở thành phố, thị xã, thị trường nông thôn rộng lớn còn bị bỏ ngỏ. Thị trường viễn thông di động tại các thành phố lớn hiện đang cạnh tranh găy gắt, trong khi đó thị trường nông thôn rộng lớn chiếm hơn 70% dân số cả nước vẫn chưa được các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam quan tâm đến nhiều, các doanh nghiệp viễn thông chủ yếu tập trung phát triển mạng lưới phục vụ các thành phố còn vùng sâu vùng xa ít quan tâm. Trong các doanh nghiệp thì chỉ  có Viettel là đặc biệt chú trọng hơn cả đến phát triển mạng lưới phủ sóng 63/63 tỉnh thành, vươn ra cả hải đảo, phủ tới vùng sâu vùng xa.

Các giải pháp cần thực hiện

Từ thực trạng cạnh tranh của các DNVTDĐ Việt Nam thời gian qua và yêu cầu bức thiết của hội nhập quốc tế, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau đây để nâng cao năng lực cạnh tranh:

Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho các DNVTDĐ. Cần nhanh chóng hoàn chỉnh và ban hành Luật Bưu chính Viễn thông để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các đối tác nước ngoài đầu tư vào thị trường viễn thông Việt Nam cũng như các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. 

Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp cùng chia sẻ, khai thác cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông cùng chia sẻ khai thác hạ tầng viễn thông, hạn chế chạy đua xây dựng hạ tầng tốn kém và mất mỹ quan do các trạm BTS mọc lên quá nhiều.

Mạnh dạn định hướng sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp viễn thông nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả. Năm 2009 là năm bắt đầu các đối tác nước ngoài vào Việt Nam đầu tư góp vốn thành lập các doanh nghiệp viễn thông, hiện tại trên thị trường Việt Nam có 6 doanh nghiệp đang hoạt động, thời gian tới chắc chắn con số này sẽ tăng lên, tuy nhiên thị trường viễn thông di động có xu hướng bão hoà sau năm 2010, nhiều doanh nghiệp hoạt động nhưng không đủ sức cạnh tranh, vì vậy Bộ chủ quản cần nghiên cứu định hướng về chính sách khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông nhỏ chấp nhận sáp nhập, mua lại từ các Công ty lớn để nâng cao sức cạnh tranh.

Tìm kiếm và phát triển thị trường mới. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam còn bỏ ngỏ thị trường viễn thông rộng lớn ở nông thôn. Để đảm bảo tăng trưởng thuê bao và lợi nhuận thì các doanh nghiệp viễn thông cần đẩy mạnh phân khúc thị trường, chú trọng phát triển khách hàng tiềm năng tại các vùng nông thôn rộng lớn xuống đến các huyện, xã.

Đặc thù dân số Việt Nam là dân số trẻ, với đối tượng có độ tuổi từ 15 đến 27 lớn, đây là nhóm đối tượng khách hàng rất tiềm năng, ngoài sử dụng dịch vụ nghe, gọi, nhắn tin thì nhóm độ tuổi này thích sử dụng các dịch vụ mới, sử dụng rất nhiều các dịch vụ gia tăng trên mạng di động như game, nhạc chuông, internet... Các doanh nghiệp viễn thông cần đẩy mạnh phát triển, có chính sách phân loại khách hàng theo vùng, địa lý và nhóm tuổi.

Đẩy mạnh nghiên cứu đầu tư ra nước ngoài ở những nước có trình độ phát triển và văn hoá tương đồng với Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế và cọ sát với bên ngoài.

Đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và đưa ra các dịch vụ gia tăng mới trên nền mạng di động để thu hút thêm khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ. Các doanh nghiệp cần ứng dụng mạnh hơn nữa các dịch vụ di động gia tăng vượt khỏi dịch vụ gia tăng cơ bản đơn thuần hiện nay, đưa ra dịch vụ mới như: dịch vụ dữ liệu âm thanh (audio data), dịch vụ hình ảnh Web, dịch vụ video, dịch vụ text data... nhằm đáp ứng nhu cầu thường xuyên thay đổi và thích cái mới, lạ của khách hàng.

Nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Có thể nói chất lượng dịch vụ là yếu tố sống còn trong thị trường viễn thông di động đang cạnh tranh gay gắt hiện nay. Cuộc đua phát triển thuê bao đến chóng mặt hiện nay đã làm cho chất lượng dịch vụ của các mạng viễn thông Việt Nam bị giảm sút, chưa ổn định, dẫn đến tình trạng khách hàng mới phát triển được nhiều nhưng khách hàng cũ dời mạng cũng không ít. Để đảm bảo tăng thuê bao, thị phần và doanh thu bền vững thì các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam phải đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Trong đó tập trung vào đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng lưới, đảm bảo cân đối giữa mục tiêu tăng thuê bao với đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng, chống nghẽn mạng, nâng tỷ lệ cuộc gọi thành công lên từ trên 98%, giảm thiểu tỷ lệ cuộc gọi bị rớt, chuyên nghiệp hoá dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Đầu tư nâng cấp công nghệ mới hiện đại. Đặc thù kinh doanh dịch vụ viễn thông là công nghệ sử dụng hiện đại và thay đổi liên tục, chu kỳ sống của sản phẩm rất ngắn, nhiều công nghệ, thiết bị mới ra đời thay thế cho công nghệ cũ. Vì vậy để đảm bảo cho phát triển bền vững thì các doanh nghiệp viễn thông cần đầu tư nhập khẩu lắp đặt ứng dụng công nghệ mới từ nước ngoài thường xuyên để giảm chi phí sản xuất và làm nền tảng cho ứng dụng các dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần chủ động tự đầu tư nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến, nâng cấp máy móc và công nghệ hiện đang sử dụng.

Phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam hiện đang rất thiếu, với tốc độ phát triển và tăng quy mô đến chóng mặt của các doanh nghiệp viễn thông hiện nay đã dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và nhân lực làm việc chuyên nghiệp về dịch vụ khách hàng. Trong khi nguồn nhân lực đào tạo từ các trường Đại học còn yếu và thiếu thì để nâng cao khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp viễn thông cần chú trọng đào tạo thường xuyên lực lượng nhân lực hiện có để nâng cao trình độ làm nguồn cơ sở, thành lập các trung tâm đào tạo, các trường đại học của riêng doanh nghiệp và cử nhân viên đi học tập ở nước ngoài.

Thường xuyên tái cấu trúc sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Để nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường cạnh tranh ngày càng trở lên khốc liệt như hiện nay thì doanh nghiệp viễn thông phải thường xuyên thay đổi, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy. Do đặc thù các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam ra đời từ những thời kỳ và hoàn cảnh khác nhau, chủ yếu dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các Bộ chủ quản, cùng với quá trình đổi mới cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước, Bộ chủ quản và doanh nghiệp viễn thông di động cần nhanh chóng đổi mới theo hướng  phân cấp, hạch toán độc lập, cổ phần hoá tách dần khỏi Bộ chủ quản để nâng cao khả năng cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ động đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần sự chủ động tìm kiếm cơ hội mới và dám chấp nhận mạo hiểm thách thức ở thị trường bên ngoài Việt Nam để phát triển. Từ bài học kinh nghiệm của Viettel - là doanh nghiệp đi tiên phong về đầu tư ra nước ngoài, có thể rút ra kinh nghiệm để thành công trong địa bàn đầu tư mới này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng các vấn đề sau: Thích ứng nhanh với thị trường và môi trường cạnh tranh ở nước ngoài, xây dựng các chính sách marketing đa dạng phù hợp với nhu cầu của khách hàng; Gắn kết phát triển kinh doanh với vấn đề nâng cao phúc lợi xã hội để phát triển bền vững và gắn kết với nước sở tại; Xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới vững chắc làm cơ sở cho phát triển kinh doanh và thực hiện các chiến lược trong kinh doanh./.

(Theo Nguyễn Mạnh Hùng/tapchikinhtedubao)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Định hướng công nghiệp Hà Giang theo con đường phát triển nhanh và bền vững
  • Hà Giang quyết tâm vượt khó thực hiện vượt mức mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2009
  • Tỉnh Điện Biên phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch ngày một vững chắc
  • Thành phố Điện Biên Phủ phát huy vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội của Tỉnh
  • Kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2009: Tiếp tục chuyển biến tích cực
  • Những kỷ lục báo chí Việt Nam
  • Báo chí với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
  • Đặc điểm của ngân hàng trung ương ở một số nước và Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi