Tiếp tục có những phàn nàn về việc thực hiện cơ chế một cửa trong đăng ký kinh doanh, cũng như trong nhiều thủ tục hành chính khác.
Mặc dù được áp dụng từ nhiều năm qua và đã đạt được những kết quả đáng mừng, nhưng việc thí điểm cơ chế một cửa, ngay cả cơ chế một cửa liên thông không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”.
Chẳng hạn, ở Kiên Giang, việc UBND tỉnh này quyết định áp dụng cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 10/2007 đã rút ngắn thời gian giải quyết gần 5 lần so với quy định, chỉ còn từ 3 đến 4 ngày làm việc. Từ thành công trên, Kiên Giang đã tiếp tục áp dụng cơ chế một cửa liên thông ở Ban quản lý Đầu tư và Phát triển đảo Phú Quốc. Nhờ thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản và mau lẹ, thời gian đăng ký rút ngắn hơn, nên tình hình kinh doanh trên địa bàn Thành phố Rạch Giá tiếp tục phát triển. Số doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh và hầu hết đều làm ăn có hiệu quả…
Tuy vậy, không phải nơi nào cũng làm được như Kiên Giang. Thời gian qua, nhiều địa phương đã áp dụng cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh, với quy trình cấp đăng ký kinh doanh, mã số thuế, cấp phép khắc dấu được thống nhất vào “một cửa”. Quy trình này được cho là có rất nhiều tiến bộ, thế nhưng do năng lực và phương tiện của cơ quan đăng ký kinh doanh còn yếu, cách làm việc vẫn thủ công, nên kết quả cải cách này chưa được như mong đợi.
Trong khi đó, cơ chế một cửa còn có nhiều khúc mắc hơn, đặc biệt với thủ tục đầu tư và đất đai nói chung, phải trải qua nhiều đơn vị mới hoàn tất được hồ sơ. Ở Bắc Ninh, một kết quả khảo sát gần đây cho thấy, để có thể làm thủ tục đăng ký kinh doanh và đất đai, doanh nghiệp phải qua 4-5 bộ phận một cửa của các sở, ngành khác nhau. Nhưng do các bộ phận một cửa này không được thiết kế liên thông, nên nhà đầu tư phải tới nộp hồ sơ tại tất cả các “một cửa” này.
Hơn thế, do bộ phận một cửa chủ yếu do cán bộ hành chính tổng hợp đảm nhiệm, có trách nhiệm cung cấp thông tin và nhận hồ sơ, nên chỉ đóng vai trò cung cấp thông tin cho nhà đầu tư và kiểm tra hồ sơ của nhà đầu tư theo những yêu cầu về chủng loại tài liệu, số lượng tài liệu, hơn là có thể đưa ra những thông tin trợ giúp cho nhà đầu tư trong quá trình làm thủ tục.
Chẳng hạn, khi nhà đầu tư có yêu cầu thông tin thêm về cách thức chuẩn bị hồ sơ tài liệu, bộ phận một cửa lại phải chuyển yêu cầu này tới chuyên viên phòng chuyên môn trực tiếp giải quyết. Đây chính là một trong những hạn chế chung của mô hình một cửa ở Việt Nam hiện nay.
Thực trạng này rõ ràng khiến mô hình một cửa không phát huy được hiệu quả. Chính vì thế, các đề xuất về việc hình thành ba đầu mối tiếp xúc cho các quy trình liên quan đến đầu tư, đất đai và xây dựng đã được đưa ra (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng). Từ đó, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đầu mối cho các thủ tục liên quan.
Cùng với đó là việc xây dựng cơ chế một cửa tại văn phòng UBND tỉnh. Tùy theo từng thủ tục, UBND tỉnh có thể cân nhắc giao các đầu mối phối hợp luân chuyển hồ sơ giữa các đầu mối, cũng như với bộ phận một cửa của văn phòng UBND tỉnh. Như vậy, tất cả quy trình do các sở xử lý sẽ gộp lại thành một với mỗi thủ tục là các bước khác nhau trong quy trình. Các phòng ban chuyên môn tham gia vào các bước khác nhau của quá trình tổng hợp này sẽ cùng nhau làm việc, chia sẻ thông tin và phát hành công văn hoặc giấy phép theo thẩm quyền được UBND tỉnh giao phó.
Bên cạnh đó, bộ phận một cửa tại các cơ quan nên hoạt động như là một đầu mối liên lạc và có thể trả lời tất cả các câu hỏi về tình trạng hồ sơ của nhà đầu tư và của các bộ phận khác, chứ không chỉ là bộ phận thụ lý hồ sơ như hiện nay. Để có được điều này, đòi hỏi phải nâng cao năng lực của cán bộ làm việc tại các bộ phận.
(Theo Đầu Tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com