Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thách thức đa chiều lên kinh tế VN

Suy thoái kinh tế của 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới, gồm: Mỹ, 15 nước sử dụng đồng tiền chung euro và Nhật Bản đang tác động đa chiều lên kinh tế VN. Đặc biệt là thách thức “kép” về xuất khẩu và đầu tư vốn là hai động lực chính của tăng trưởng kinh tế VN nhiều năm qua

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lần lượt nền kinh tế 15 nước châu Âu sử dụng đồng tiền chung euro và Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế sau khi quý II và III tăng trưởng âm liên tiếp. Trong báo cáo cập nhật mới nhất về kinh tế thế giới năm 2009, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng suy thoái kinh tế nặng nề nhất trong năm 2009 là Mỹ với âm 0,7%, tiếp đó khu vực kinh tế đồng euro âm 0,5% và Nhật Bản âm 0,2%.

 

 

 

 

 

 

 

 

“Lắc lư” vì sóng lớn

Không nằm trong tâm xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính dẫn tới suy thoái kinh tế nhưng nền kinh tế VN đã bắt đầu “lắc lư” bởi những cơn sóng lớn xuất phát từ ba trung tâm kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (QH) Ngô Quang Xuân, do đã hội nhập khá sâu và rộng nên VN không thể nằm ngoài phạm vi vùng ảnh hưởng rất tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng hiện nay. Với kinh nghiệm nhiều năm làm đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện VN tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Ngô Quang Xuân, cảnh báo VN cần phải chuẩn bị cho khả năng đối mặt với năm 2009 khó khăn hơn nhiều năm 2008, bởi cuộc khủng hoảng xuất phát từ “đầu tàu” kinh tế Mỹ khác rất xa cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế châu Á 1997-1998.

 

 

 

 

 

 

 

 

Cùng đánh giá trên, TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới sẽ tác động rất mạnh tới nền kinh tế VN. TS Kiên phân tích với tổng giá trị xuất nhập khẩu bằng 1,6 lần tổng GDP, mức cao hơn cả nền kinh tế Mỹ khoảng 0,6 lần, nền kinh tế VN hiện quá phụ thuộc vào bên ngoài. Thế nên, một biến động dù nhỏ từ bên ngoài cũng có thể tác động tới kinh tế VN chứ chưa nói tới cuộc khủng hoảng tài chính rồi dẫn tới suy thoái kinh tế ở 3 trung tâm kinh tế lớn nhất đang làm kinh tế toàn cầu lao đao.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thách thức “kép” xuất khẩu-đầu tư

Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, TS Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng khi 3 trụ cột lớn nhất của nền kinh tế thế giới suy thoái sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế VN vì nền kinh tế của chúng còn yếu và phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. “Đặc biệt tác động lớn nhất tới hai lĩnh vực là xuất khẩu và đầu tư, cả đầu tư gián tiếp và trực tiếp (FDI) vào VN sẽ cùng giảm. Trong khi đó, xuất khẩu bị thu hẹp cả về số lượng và giá cả. Những tác động lại ảnh hưởng lớn nhất tới các DN vừa và nhỏ” - TS Kiêm nhận định.

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, suy giảm của 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu tác động tới kinh tế VN, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu liên tiếp đi xuống trong những tháng gần đây. Theo bà Phạm Chi Lan, VN cũng không thể vui mừng với con số đầu tư cam kết kỷ lục trên 60 tỉ USD năm nay, bởi suy thoái làm số vốn triển khai thực tế sẽ ít hơn nhiều. “Con số vốn đầu tư cam kết vào VN năm qua đúng là rất nhiều nhưng các nhà đầu tư phải vay phần lớn vốn của các tổ chức tài chính. Khi các tổ chức tài chính lớn gặp khó khăn như hiện nay thì rất khó bảo đảm cung cấp vốn cho các cam kết đầu tư để triển khai dự án ở VN. Các nhà đầu tư cũng tính lại xem thị trường có nhu cầu hay không mới triển khai dự án đầu tư để bán hàng hóa sản xuất ra. Thị trường khó khăn sẽ buộc họ phải rà soát, xem xét lại tất cả các dự án đầu tư” - bà Lan lý giải.

 

 

 

 

 

 

 

 

TS Cao Sĩ Kiêm nhìn nhận các DN vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn cả vì các DN này phần lớn làm hàng xuất khẩu trong khi lại phụ thuộc vào vật tư, nguyên liệu sản xuất bên ngoài. “Vì thế suy thoái ở các thị trường xuất khẩu chính sẽ làm đình trệ sản xuất, sản xuất đình trệ thì công nhân không có việc làm, không thu nhập và dẫn tới đời sống khó khăn”.

 

 

 

 

 

 

 

 

Kiếm tìm thị trường mới

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng suy thoái sẽ khiến xuất khẩu của VN sang các thị trường Mỹ, khu vực đồng tiền chung euro và Nhật Bản gặp khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng và sức mua ở những nơi này cùng giảm xuống. “Các nhà nhập khẩu hàng hoá VN cũng gặp khó khăn hơn trong tiếp cận tín dụng, thu hẹp doanh số... nên họ phải tính toán lại, nhập về ít hơn và mở rộng tìm kiếm các nguồn hàng khác cạnh tranh hơn VN” - bà Lan phân tích thêm.
 

Chính vì thế có những ý kiến cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng để ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý và ổn định vĩ mô. Muốn thế cần tập trung tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành để tăng xuất khẩu các mặt hàng có khả năng cạnh tranh, có thị trường. Đặc biệt phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới đi đôi với mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường thuộc khu vực mậu dịch tự do như ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc... và các thị trường ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại cho rằng không dễ phát triển xuất khẩu sang các thị trường mới. Theo bà, kinh nghiệm thế giới cho thấy duy trì thị trường cũ đỡ tốn kém hơn nhiều so với mở thị trường mới. “Hơn thế, có thể thấy rằng những thị trường mà chúng ta tập trung xuất khẩu lâu nay là những thị trường có khả năng tiêu thụ rất lớn sản phẩm của VN. Kinh tế giữa nước ta với các thị trường này cũng có tính bổ sung cho nhau, tức là hàng của ta xuất sang không đụng nhiều tới sản xuất của họ. Trong khi đó, nếu xuất sang các thị trường mới nổi thì hàng hóa của VN có thể cạnh tranh trực diện với hàng hóa trong nước của họ và hoàn toàn có thể hiểu được nếu họ áp dụng các biện pháp nhằm bảo hộ hàng hóa trong nước hơn là cởi mở để chúng ta bán hàng trên thị trường của họ” - bà Lan nói.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tái cấu trúc để phát triển

Cùng nhận định kinh tế VN phải chuẩn bị đối phó với khả năng suy giảm kinh tế do gặp khó về xuất khẩu, đầu tư, du lịch... nhưng không chuyên gia kinh tế nào cho rằng VN nên từ bỏ mục tiêu kiềm chế lạm phát để chuyển sang kích cầu vào lúc này. “Hiện chưa ai đặt vấn đề triệt để chống giảm phát mà phải tăng cường công tác chống lạm phát, vì có rút lạm phát năm tới xuống 15% thì đó vẫn là một mức rất cao. Trong khi đó các tác nhân gây lạm phát vẫn còn rất mạnh và có thể gây sức ép rất nhanh như bội chi ngân sách, lãng phí chi tiêu, nhập siêu cao, nợ xấu ngân hàng... Vì thế ưu tiên lúc này vẫn phải là chống lạm phát” - TS Cao Sĩ Kiêm nhìn nhận.

 

 

 

 

 

 

 

 

“Chưa có giảm phát ở nước ta”. chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, song theo bà, Chính phủ cũng nên nới dần về hạn mức tín dụng, lãi suất ngân hàng để gỡ khó cho DN. “Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ là cần thiết để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, khu vực xuất khẩu. Đối với DN nhỏ và vừa là giữ việc làm và thu nhập cho người lao động. Xuất khẩu là vô cùng quan trọng vì giữ đầu ra quan trọng cho sản xuất” - bà Lan nói.

 

 

 

 

 

 

 

 

Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng kiểm soát được lạm phát giảm sẽ kéo lãi suất xuống, mà lãi suất xuống sẽ tạo điều kiện giảm bớt chi phí, hạ giá thành, từ đó DN sẽ ổn định sản xuất và làm ăn có lãi. “DN sống được tức là có việc làm, có thu nhập cho người lao động. Do vậy, cách tốt nhất của các DN là đóng góp thiết thực vào chống lạm phát để giúp giảm nhanh lãi suất ngân hàng” - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia kiến nghị.

 

 

 

 

 

 

 

 

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng Chính phủ cần chú trọng tới các giải pháp khác ngoài giải pháp tiền tệ như chi tiêu ngân sách, đầu tư từ ngân sách... đồng thời quan tâm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ phát triển. “Lúc này cần áp dụng các biện pháp thiết thực, có trọng tâm... Đối với các khu vực không hiệu quả như bất động sản hay đầu tư của các DN Nhà nước phải cương quyết hạn chế” - bà Lan bày tỏ. Bà Lan cũng cho rằng cần phải quan tâm hơn nữa tới khu vực ngoài quốc doanh vì đây là nơi tạo nhiều việc làm, có hiệu quả cao hơn khu vực Nhà nước nhưng lại không tốn tiền của xã hội, nguồn lực của đất nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

“Chính trong lúc khó khăn này là lúc để chúng ta xem lại tất cả các vấn đề để tái cấu trúc nhằm phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn” - bà Lan nhìn nhận.

 

 

 

 

 

 

 

 

2009 bằng 2008 là thành công lớn

Gần đây diễn biến kinh tế thế giới có nhiều tác động rất lớn đến chúng ta. Tác động với chúng ta trước hết về thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu. Tác động về đầu tư, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ bên ngoài đổ vào VN. Tác động trong một số lĩnh vực về tài chính, tiền tệ và tác động đến giá cả mặt hàng liên quan đến nhu cầu sử dụng của chúng ta.

Tác động vào VN năm 2009 nặng nề hơn năm 2008, từ đó thấy năm 2009 sẽ khó khăn hơn năm 2008. Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế nếu giữ được mức như năm 2008 là một thành công lớn, nhưng đề phòng khả năng có thể thấp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc

 

(Theo báo người lao động )

  • "Kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt đẹp trở lại"
  • DCG: Kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt đẹp
  • 3 điểm chính của chính sách kinh tế 2009
  • Phát triển công nghiệp chế biến các mặt nông, lâm, thuỷ sản chủ lực
  • 5 bài học dẫn đến thành công
  • Thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế: Tích tụ nguồn lực
  • Không nhất thiết phải có quy định riêng về tập đoàn kinh tế nhà nước
  • Vốn đầu tư vào thị trường nước ta tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi