Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã có chung nhận định như vậy tại Hội thảo góp ý về nghị định hình thành, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức diễn ra hôm qua (21-11).
Theo ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc xây dựng dự thảo nghị định là nhằm tạo khung pháp lý cho việc hình thành, tổ chức, hoạt động và quản lý chủ sở hữu Nhà nước đối với TĐKTNN. Bởi, mặc dù đã có vài quy định trong Luật Doanh nghiệp và Nghị định 139 quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp nhưng các văn bản này mới chỉ quy định rất chung về TĐKT cho mọi loại hình doanh nghiệp; chưa có quy định về TĐKTNN, nhất là những quy định thay thế cho Luật Doanh nghiệp nhà nước để quản lý TĐKTNN sau khi luật này hết hiệu lực vào 1-7-2010.
Tuy nhiên, đa số ý kiến tại hội thảo lại không hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên. Theo ông Nguyễn Hữu Phát, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, tại sao lại chỉ có quy định cho TĐKTNN trong khi các TĐKT tư nhân cũng có nhu cầu về quy định về mô hình hoạt động. Bên cạnh đó, dự thảo nghị định đề cập nhiều đến liên kết, tổ chức hoạt động và dường như “bỏ qua” những quy định trong Luật Cạnh tranh – văn bản đề cập đến vị trí thống lĩnh thị trường.
“Thời gian qua, chúng ta chưa có đánh giá về vai trò của các tập đoàn, tổng công ty trong việc họ có lạm dụng vị trí độc quyền để hoạt động hay không? Dự thảo nghị định chưa có “hơi thở” của Luật Cạnh tranh là chưa phù hợp”, ông Phát nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico cũng cho rằng, sau 1-7-2010, tất cả các doanh nghiệp sẽ có một sân chơi chung là Luật Doanh nghiệp, do đó nếu có quy định riêng cho các TĐKTNN là không phù hợp.
(Theo Báo Sài gòn giải phóng )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com