Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Môi trường kinh doanh Việt Nam: Trung bình!

Hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam và cách áp dụng chưa được đánh giá cao, dù những nỗ lực cải thiện của Việt Nam rất lớn.

Điểm cho việc thực thi chính sách của Việt Nam từ góc nhìn của các doanh nghiệp (DN) tham gia điều tra của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố mới đây là 38,5, chưa đạt tới mức trung bình 34,8 của khu vực ASEAN. Nội dung thực thi thủ tục hành chính phức tạp và phiền hà, Việt Nam cũng đứng ở mức rất xa so với điểm trung bình, là 50 so với 35, đứng thấp nhất khu vực. Các quốc gia láng giềng đều được đánh giá quanh mức trung bình. Thái Lan và Philippines được đánh giá cao nhất về thủ tục hành chính.
 
Theo bình luận của ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa qua được mức trung bình yếu. Trong 5 vấn đề lớn nhất của môi trường kinh doanh đối với các DN sản xuất, gồm những tồn tại trong hạ tầng cơ sở, thủ tục hành chính, thực thi chính sách, hành thuế, hệ thống pháp luật kinh tế, Việt Nam chỉ có một nội dung được xếp vào hàng trung bình khá là hành thuế với mức 23,1 điểm so với trung bình khu vực ASEAN là 27,5 điểm. Cũng cần phải nói thêm rằng, mặc dù mới được công bố, song cuộc điều tra DN Nhật Bản đánh giá về các thị trường khu vực ASEAN và Ấn Độ được thực hiện trên cơ sở số liệu của năm 2007. Như vậy, những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được phản ánh trong kết quả điều tra này.
 
Tương tự, các DN phi sản xuất đều đánh giá không cao toàn bộ 5 vấn đề lớn của môi trường kinh doanh Việt Nam đang cản trở hoạt động của họ. Năm nội dung đó là thiếu văn phòng và giá thuê tăng; thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà; hạ tầng kém phát triển; thực thi chính sách không chắc chắn và rõ ràng; hệ thống pháp luật kinh tế kém phát triển, quản lý và áp dụng tuỳ tiện. Trong số này, ngoài yếu kém về hạ tầng, thiếu văn phòng và giá thuê đắt đang nổi lên là cản trở rất đáng kể. Các DN đã xếp Việt Nam ở mức rất thấp trong nội dung này, 69,2 điểm so với mức trung bình là 38,1 điểm. Thái Lan được đánh giá khá cao với mức 4,7 điểm; Malaysia là 19 điểm.
 
Một điểm rất đáng lưu tâm là hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam và cách áp dụng vẫn chưa được đánh giá cao, dù cho những nỗ lực cải thiện của Việt Nam rất lớn. Cụ thể, Việt Nam chỉ được nhìn nhận ở mức 57,7 điểm so với mức trung bình khu vực ASEAN là 27,9 điểm. Điểm cho thực thi chính sách cũng không khá hơn, là 42,3 so với trung bình khu vực là 28,7.
 
Có thể thấy, với DN phi sản xuất tại Việt Nam, hai yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ là văn phòng và các quy định pháp luật có liên quan. Ở đây, những chậm trễ trong hướng dẫn thực hiện một số cam kết với WTO đã khiến cho môi trường kinh doanh của Việt Nam bị đánh giá thấp. Nếu như cuộc điều tra được thực hiện vào năm nay, sau gần 2 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, có thể mức điểm lại lùi xa hơn, khi mà hàng loạt vướng mắc này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
 
Cụ thể, theo liệt kê của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, một số cam kết quốc tế hiện vẫn chưa được hiểu thống nhất và chưa được hướng dẫn thực hiện như định nghĩa và cách hiểu về DN có vốn đầu tư nước ngoài; DN có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo pháp luật Việt Nam và đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam là tổ chức kinh tế Việt Nam hay tổ chức kinh tế nước ngoài; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành, nghề cụ thể, lộ trình tăng tỷ lệ sở hữu và các điều kiện… Riêng trong hoạt động đăng ký đầu tư, kinh doanh vào thời điểm trước thềm ngày 11/1/2009, thời điểm mở cửa lĩnh vực phân phối cho nhà đầu tư nước ngoài, các cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn chưa nhận được hướng dẫn xử lý thế nào với trường hợp nhà đầu tư góp vốn, mua lại DN phân phối trong nước có hơn 1 cơ sở bán lẻ thì xử lý như thế nào; áp dụng mức hạn chế nào cho các DN đầu tư nước ngoài kinh doanh đa ngành bị hạn chế tỷ lệ sở hữu theo quy định của pháp luật… Ngay cả câu hỏi ứng xử thế nào với các đề nghị đăng ký kinh doanh, đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ không có trong biểu cam kết cũng chưa được làm rõ. Khoảng thời gian còn lại cho thời điểm thực hiện nhiều cam kết của Việt Nam không còn nhiều, song sự lúng túng và chậm trễ của nhiều cơ quan quản lý nhà nước đang gây tổn hại tới nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh chung.

(Theo Đầu tư chứng khoán)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi