Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

600 triệu USD có vực dậy nổi ngành công nghiệp vi sinh vật học?

Sự phát triển của các nhà máy công nghiệp vi sinh vật học (industrial microbiology), một ngành công nghiệp ứng dụng nhằm sử dụng vi sinh vật tạo ra các sản phẩm có ích sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể cho nền sản xuất nông nghiệp. Việt Nam đã có rất nhiều nghiên cứu sản phẩm phục vụ nông nghiệp nhưng không ra được thị trường chỉ vì thiếu công nghệ vi sinh vật học. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Lân Dũng, uỷ viên uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, chủ tịch hội Các ngành sinh học Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Hiện nay, nước ta đã có những sản phẩm phục vụ đời sống nào từ công nghệ vi sinh vật học (CNVSVH)? Tiềm năng phát triển kinh tế và trình độ của nước ta trong lĩnh vực CNVSVH đang ở đâu so với thế giới?

PGS.TS Nguyễn Lân Dũng: Nước ta cũng đã có các nhà máy CNVSVH, nhưng rất tiếc chỉ bó hẹp trong ba lĩnh vực bia, bột ngọt và vắcxin. Một nhà máy vốn 100% nước ngoài có tới 11 nồi lên men, mỗi nồi có dung tích tới 700.000 lít. Thế nhưng không thể tưởng tượng nổi sau mấy ngày lên men mỗi lít dịch lên men cho ra tới 150g bột ngọt hay 100g lizin (lysine). Có nhiều nhà máy bột ngọt của nhiều hãng nước ngoài đang được sản xuất ở quy mô lớn trong nước và ta được gì chỉ ở số lợi nhuận thu được: việc làm cho vài nghìn công nhân, có nơi tiêu thụ sắn và rỉ đường, một ít tiền thuế các loại? Nếu đó là nhà máy của chính chúng ta thì hàng năm sẽ đóng góp biết bao nhiêu cho GDP của đất nước. Còn về bia thì hầu như các nhà máy nhập khẩu toàn bộ thiết bị và nguyên liệu (đại mạch, hoa bia...) Chỉ có vắcxin là lĩnh vực CNVSVH đáng tự hào nhất của ta và cũng vì là lĩnh vực từ lâu đã được đầu tư nhiều nhất cho cả lĩnh vực nghiên cứu lẫn sản xuất.

Ông từng nói rằng Việt Nam là một trong các nước có tính đa dạng sinh học thuộc loại phong phú nhất thế giới, phải chăng chúng ta có một tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế từ công nghệ sinh học mà chúng ta chưa khai thác được?

Cũng như các nước châu Á khác, chúng tôi (viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học thuộc đại học Quốc gia Hà Nội) thường xuyên hợp tác với Nhật để phân lập, định tên, xác định hoạt tính các loài vi sinh vật phân lập từ đất. Đã tìm thấy được rất nhiều loài mới (đã công bố trên các tạp chí quốc tế), trong đó có không ít những chủng thuộc các loài (cũ và mới) có hoạt tính sinh học rất cao, kể cả khả năng sinh ra các chất kháng sinh quý giá. Nhưng biết rồi để đấy vì chúng ta đâu có các nhà máy CNVSVH ngoài ba lĩnh vực nói trên. Chúng tôi được biết Nhà nước đang đầu tư 44 tỉ đồng cho viện Công nghiệp thực phẩm để xây dựng một nhà máy dạng pilot (thử nghiệm) chủ yếu phục vụ cho công nghiệp thực phẩm. Chúng tôi cũng đang cố gắng tự xây dựng tại Hoà Lạc một xưởng pilot nhằm hợp tác quốc tế sản xuất các chế phẩm có giá trị cao. Nhưng như vậy là quá ít, quá nhỏ bé và không thể đáp ứng cho nhu cầu thay thế nhập khẩu rất lớn về các sản phẩm CNVSVH. Đặc biệt là thuốc kháng sinh và vitamin. Thật khó tưởng tượng được một nước trên 86 triệu dân vậy mà cho đến nay trên thị trường chưa có một miligram của bất kỳ chất kháng sinh hay vitamin nào được sản xuất trong nước (!) Sản phẩm của CNVSVH đâu chỉ có kháng sinh và vitamin mà còn biết bao nhiêu sản phẩm có giá trị cao khác nữa.

Mặc dù trong thời gian qua, ngành CNVSVH đã có những bước tiến, nhưng tại sao Việt Nam vẫn chưa có những sản phẩm từ công nghệ sinh học mang lại giá trị cao?

Tôi cho rằng chúng ta hiểu biết chưa đầy đủ về công nghệ sinh học. Chẳng hạn chúng ta đầu tư cho mỗi tỉnh một phòng nuôi cấy mô rất tốn kém mà nhiều nơi chẳng biết dùng làm gì? Chúng ta đầu tư rất đúng cho một số phòng thí nghiệm trọng điểm để nghiên cứu công nghệ di truyền, nghiên cứu điều tra vi sinh vật, nhưng nếu có thành công thì các sản phẩm thu được sẽ sản xuất tại đâu và với quy mô nào để có thể đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chúng ta sử dụng quá dàn trải kinh phí mà Quốc hội đã dành cho khoa học và công nghệ. Một đồng chí lãnh đạo uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho tôi biết năm tới ngân sách dành cho lĩnh vực này lên đến 600 triệu USD. So với nước ngoài là nhỏ nhưng với nước ta là rất lớn nếu chúng ta biết đầu tư tập trung cho các cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất có khả năng tạo ra các sản phẩm cụ thể trên cơ sở các thành tựu của kỷ nguyên công nghệ sinh học hiện đại với các chủng vi sinh vật mang gen tái tổ hợp. Tôi vừa dự lễ kỷ niệm 10 năm viện Sinh học nông nghiệp thuộc trường đại học Nông nghiệp Hà Nội và thấy với số lượng cán bộ không nhiều nhưng thành tựu nghiên cứu và phục vụ sản xuất của viện thật đáng kể. Vậy mà toàn bộ thiết bị nghiên cứu của cả viện chưa đến được một triệu USD.

Cụ thể, chúng ta nên làm gì trong tình hình hiện nay, thưa ông?

Xin nhắc lại nguyên liệu cho ngành CNVSVH chủ yếu chỉ là tinh bột, rỉ đường và một ít phân khoáng. Đầu tư cho ngành này bên cạnh việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu vi sinh vật và công nghệ gen thì chỉ là việc xây dựng các nhà máy với các nồi lên men và các thiết bị thu hồi sản phẩm. Không nên đấu thầu tràn lan các đề tài, mà nên giao nhiệm vụ cụ thể trước nhu cầu xã hội đang cần hoặc sẽ cần với quy mô lớn cho các đơn vị có đủ khả năng thực hiện và giúp đỡ một cách thiết thực, ít nhất cũng như đã từng đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vắcxin. Chúng ta cần có tầm nhìn quốc tế về CNVSVH và có thể phát triển rất nhanh trong lĩnh vực này vì chúng ta có một sự đa dạng vi sinh vật rất phong phú, có nguồn nông sản phẩm dồi dào và đã có một đội ngũ nghiên cứu trẻ tuy chưa đông nhưng không kém tài và nhiệt tình với sự nghiệp khoa học phục vụ đất nước, trước khi họ bỏ đi làm thuê cho các viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp nước ngoài vì không có đất dụng võ!

(Theo Diệu Thuỳ // SGTT Online)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Cấm sử dụng chung cư làm văn phòng: "Không sai luật"
  • Xuất Khẩu năm 2010: Mục tiêu tăng trưởng 6%
  • Chuyện lương, thưởng lãnh đạo các Tập đoàn TCty Nhà nước : “Ba giải pháp điều chỉnh”
  • Nhận thêm ghế nóng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: Tôi sẽ làm được
  • Làm gì để nâng cao vai trò người đại diện vốn nhà nước?
  • Cần nhất là ổn định kinh tế vĩ mô
  • "Doanh nghiệp góp phần đưa tên VN ra quốc tế"
  • Biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi