Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 24/2009/TT-BXD hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng. Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng về Thông tư này.
![]() Ông Phạm Gia Yên |
Thưa ông, những chế tài được xem là rất mạnh tay, với mức phạt có thể lên đến 300 triệu hoặc 500 triệu đồng liệu có khắc phục được tình trạng “phạt cho tồn tại” như hiện nay không?
Tôi cho rằng, pháp luật ban hành ra tuy có đề ra các mức xử phạt rất cao, nhưng mang tính chất răn đe là chính và yêu cầu trước hết đối với người cán bộ thực thi công vụ là phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân biết để không vi phạm. Chỉ tiến hành xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm mà thôi. Mục tiêu cuối cùng là giúp đỡ mọi người dân thực hiện đúng pháp luật.
Theo tôi, khi đưa ra những chế tài đủ mạnh sẽ tạo hành lang pháp lý để thực hiện hiệu quả việc thiết lập lại kỷ cương trật tự trong hoạt động xây dựng.
Việc giao quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã được tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng bị xử phạt vi phạm hành chính liệu có dẫn đến tình trạng lạm quyền hay không. Nếu có thì những cán bộ này sẽ bị xử lý ra sao?
Theo tôi, việc giao quyền cho cán bộ cấp xã là phù hợp và đúng với tinh thần cải cách hành chính của Chính phủ, còn trong quá trình thực thi đòi hỏi người cán bộ phải có kiến thức và đạo đức. Chúng ta không thể loại trừ những trường hợp lạm quyền, nhưng những cán bộ lạm quyền dẫn đến làm sai thì sẽ phải trả giá bằng việc bồi thường cho người dân. Chỉ khi chúng ta mạnh dạn trao quyền cho cơ sở thì mới có được một bộ máy chính quyền cơ sở vững mạnh được.
Khi người dân bị xử phạt có khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định của chính quyền thì trong quá trình xem xét, xử lý, công trình xây dựng đó sẽ được giải quyết ra sao?
Trường hợp tổ chức, cá nhân có khiếu nại, tố cáo đối với quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm của cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt hành chính, cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định cưỡng chế phá dỡ để giải quyết khiếu nại, tố cáo theo trình tự, thủ tục và thời hạn pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong thời gian tạm đình chỉ quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình xây dựng vi phạm vẫn có hiệu lực thi hành. Nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, vẫn tiếp tục thi công xây dựng trong thời gian tạm đình chỉ quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình, thì cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình có quyền tổ chức thực hiện ngay quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm.
Thông tư số 24/2009/TT-BXD đã phân cấp và trao quyền xử phạt vi phạm hành chính tới tận cấp xã, vậy vai trò của Thanh tra Bộ Xây dựng là gì?
Vai trò của Thanh tra Bộ Xây dựng là hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện nghiệp vụ chuyên môn cho các cấp cơ sở thực hiện pháp luật. Khi có khiếu kiện, chúng tôi sẽ tiến hành xem xét và nếu có sai phạm, sẽ kiến nghị xử lý cán bộ.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành (từ ngày 9/9/2009), vậy Bộ Xây dựng sẽ làm gì để triển khai văn bản này cho các cấp có thể thực thi kịp thời và chuẩn xác theo đúng tinh thần của văn bản quy phạm pháp luật?
Tôi cho rằng, Nghị định 23//2009/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ, Thông tư số 24/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành chỉ chi tiết hóa một số nội dung cụ thể và giải thích về những quy định còn có cách hiểu khác nhau để cán bộ thi hành đúng tinh thần của quy định pháp luật.
(Theo Đức Minh // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com