Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề một cách bền vững, cần nhiều giải pháp đột phá.
![]() Ông Vũ Quốc Tuấn |
Nhận định của ông về tình hình lao động tại các làng nghề hiện nay?
Cuối năm 2008 là thời điểm đặc biệt khó khăn với các làng nghề, hầu hết phải đối diện với hàng loạt khó khăn về vốn, thông tin thị trường, đầu ra sản phẩm. Phần lớn các làng nghề là sản xuất thủ công, thiết bị lạc hậu, vốn ít, nhân lực thiếu và yếu, sản phẩm ứ đọng, trong khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng. Trong số 2.017 làng nghề trên cả nước, với tổng số khoảng 11 triệu lao động, thì có tới 50% làng nghề phải thu hẹp, hoặc ngừng sản xuất.
Tuy nhiên, với nhiều giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hiện các làng nghề đã qua cơn bĩ cực, xuất khẩu có dấu hiệu khả quan. Thống kê sơ bộ cho thấy, tỷ lệ lao động mất việc trong làng nghề hiện chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Có một thực tế là, nhiều làng nghề, doanh nghiệp (DN) nông thôn có nhu cầu vay vốn, nhưng rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi nhiều nơi tiếp cận được, thì lại không dám vay. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Khu vực làng nghề gồm 2 loại hình DN là sản xuất hàng xuất khẩu và sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Cuối năm 2008, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nên xuất khẩu của làng nghề chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2007, do đó DN làm hàng xuất khẩu không có nhu cầu vay vốn. Trong khi đó, DN sản xuất hàng tiêu dùng nội địa vẫn có nhu cầu vay vốn để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Tôi cho rằng, việc khó tiếp cận vốn là do DN, làng nghề không có khả năng làm những dự án kinh doanh, phương án sản xuất theo yêu cầu của ngân hàng. Khảo sát sơ bộ cho thấy, chỉ có 5-10% DN làng nghề tiếp cận được các nguồn vốn kích cầu.
Một giải pháp được xem là “cú huých”, giúp các làng nghề tiêu thụ sản phẩm là việc triển khai đưa hàng sản xuất trong nước về khu vực nông thôn. Hiệu quả của giải pháp này thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chương trình này, như tổ chức hội chợ, triển lãm, mở chuỗi đại lý để giới thiệu hàng với người tiêu dùng nông thôn. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, cần thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ, như chi phí vận chuyển, tổ chức đại lý, phân phối hàng chuyên nghiệp, đặc biệt là cần có biện pháp để giám sát hàng ngoại nhập ồ ạt vào thị trường nội địa.
Để các làng nghề phát triển bền vững, theo ông, cần tập trung vào những giải pháp nào?
Tôi cho rằng, cần quy hoạch cụ thể các làng nghề, tập trung ưu tiên các làng nghề trọng điểm, đầu tư trực tiếp vào từng làng nghề để nâng cao công nghệ, tay nghề cho người lao động, giải quyết vấn đề môi trường, tổ chức tốt công tác xúc tiến thương mại để có đầu ra ổn định. Đặc biệt, cần có một cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể về vấn đề này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “cụm công nghiệp - làng nghề”, nhưng vì sao các làng nghề vẫn không mặn mà với chủ trương này?
Chủ trương này rất đúng, nhưng thực hiện thế nào, thì cần phải bàn kỹ. Xây dựng cụm công nghiệp làng nghề có thể đưa công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng xuất lao động, nhưng mặt khác, phải giải quyết khâu thủ công trong các làng nghề, giữ vững sản xuất ở nông thôn.
(Theo Việt Hùng // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com