Trong phiên họp nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ, các nhà tài trợ đã đặc biệt quan tâm về gói kích cầu 8 tỉ USD. Sài Gòn Tiếp Thị phỏng vấn đại diện quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Benedict Bingham
Chính phủ đã công bố gói kích cầu tới 8 tỉ USD và giải trình về nguồn của nó cho Quốc hội. Về phần mình, ông bình luận gì thêm?
Chúng tôi rất ấn tượng về mức độ của các thảo luận tại Quốc hội về kế hoạch ngân sách. Chúng tôi muốn khích lệ Chính phủ và Quốc hội là vào cuối kỳ họp này đưa ra được thoả thuận về kế hoạch ngân sách bao gồm gói kích thích tài chính và nó phải có nguồn rõ ràng.
Trong phiên họp CG này đã có nhiều quan ngại về quy mô của gói kích thích lên đến 8 tỉ USD. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ và Quốc hội giảm kế hoạch tài chính, mà có thể tài trợ một cách minh bạch và có nguồn, và được xác định.
Vấn đề thứ hai, vào thời điểm này, Chính phủ nên đối thoại một cách rõ ràng với thị trường tài chính về nguồn chính xác cho kế hoạch kích thích kinh tế. Đang có rất nhiều lẫn lộn trên thị trường tài chính về điểm này.
Chúng tôi ước tính rằng nguồn tài chính sẵn có là vào khoảng 130 ngàn tỉ đồng, tức là vào khoảng 8,5% GDP.
Nhưng Chính phủ đã giải trình rõ về bảy nguồn cho kích cầu với Quốc hội. Vì sao ông nói là vẫn cần giải thích rõ hơn?
Có bao nhiêu trái phiếu chính phủ có thể được bán thành công trên thị trường tài chính trong năm nay? Có bao nhiêu tiền gửi mà Chính phủ thu được để có thể làm cho kế hoạch kích cầu này tương đồng với thực tế của thị trường tài chính? Đó là vấn đề.
Vậy ông bình luận như thế nào về quy mô của gói kích cầu lên đến 8,5% GDP của Việt Nam, cao hơn nhiều nước trong khu vực?
Tất cả các nước đang cố đưa ra các gói kích cầu dựa trên tình hình thực tế của nước mình. Về phần mình, Chính phủ Việt Nam cần xem xét hai điều cụ thể. Thứ nhất, liệu có tiền cho Chính phủ thực hiện gói kích cầu hay không?
Thứ hai, cứ cho là nguồn tài chính là có sẵn rồi, thì liệu nó làm tăng nợ công trong trung hạn? Vì vậy, Chính phủ cần xem lại, khi chuẩn bị kế hoạch về nguồn tài chính, thì họ cần hai tiêu chí trên. Chúng tôi đặt câu hỏi cho vấn đề thứ nhất. Chúng tôi ước tính rằng gói kích thích cộng với kế hoạch ngân sách có thể làm tăng nhu cầu tài trợ của Chính phủ lên đến 12,5% GDP trong năm nay. Nguồn tài chính có thể tối đa là 8,5% GDP, vì vậy, làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu tài trợ và khả năng tài chính là vấn đề.
Tóm lại, đâu là quan tâm chính của ông về gói kích thích?
Quan tâm lớn nhất của tôi là nhu cầu tài chính của Chính phủ cho gói kích thích kinh tế là cao hơn so với nguồn tài chính sẵn có. Vì vậy cần có điều chỉnh trong các gói này để thu hẹp khoảng cách. Những lĩnh vực nào cần bổ sung, những khoản chi tiêu nào cần cắt bớt cũng cần tính toán.
Liệu gói kích thích này có làm tăng quá cao vai trò của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến khu vực kinh tế tư nhân?
Đây không phải là điều chúng tôi quan tâm đặc biệt. Vấn đề là liệu các gói này đóng góp như thế nào vào ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng tôi lo ngại nó sẽ có tác dụng ngược trong ổn định kinh tế vĩ mô năm nay.
Ý ông là nó làm tăng xu hướng lạm phát?
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Martin Rama đã khuyến nghị Chính phủ cần theo dõi chặt với nguy cơ lạm phát trong năm sau. Đây là ý đúng. Nhưng tôi nghĩ vấn đề cấp bách hiện nay là giải quyết áp lực trên thị trường ngoại hối. Hơn nữa, một số chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất và chính sách thuế phải được xoá bỏ sớm hơn.
Gói kích cầu và chuyện không nhỏ Các nhà tài trợ đang đặt câu hỏi liên quan đến kế hoạch kích cầu tham vọng trị giá 8 tỉ USD mà Chính phủ đã giải trình rõ trong phiên họp đang tiến hành của Quốc hội. Một bản báo cáo của ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp tại hội nghị CG giữa kỳ ở TP Buôn Ma Thuột cho rằng, một số biện pháp kích cầu được áp dụng, hay đã công bố làm cho nhiều người “khá bối rối” và làm “dấy lên mối lo lắng” về khả năng chi tiêu không bền vững của Chính phủ. Bản báo cáo này chỉ rõ kế hoạch 143 ngàn tỉ đồng (8 tỉ USD) do bộ Kế hoạch và đầu tư soạn thảo. WB cho rằng, vì khoản kích cầu này lên đến 8,7% GDP trong năm nay, nên nó làm băn khoăn nhiều giới quan tâm. Con số này cộng với mức thâm hụt ngân sách vào khoảng 8,3% GDP sẽ làm cho kế hoạch ngân sách đã phê duyệt năm 2008 thâm hụt tới 17% GDP. “Nếu điều này xảy ra, gói kích cầu của Việt Nam sẽ khác hẳn so với các quốc gia khác trong khu vực”, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Martin Rama nhận xét. Bản báo cáo cho rằng, “kế hoạch 143 ngàn tỉ” có nhiều nội dung trùng lắp, có một số biện pháp chắc chắn sẽ gây tổn thất cho xã hội. Báo cáo cho rằng, việc đưa ra gói kích cầu là một giải pháp có thể biện minh được trước sự suy giảm nhu cầu xuất khẩu, song mức thâm hụt quá lớn có thể dẫn đến nguy cơ là đẩy các doanh nghiệp tư nhân ra xa hơn là hỗ trợ họ. Hơn nữa, kế hoạch ngân sách không có phương án đảm bảo tài chính thích hợp có thể ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhà đầu tư. Các nhà tài trợ khuyến nghị: “Vấn đề thực sự cần giải quyết tại thời điểm này là gói kích cầu bao nhiêu là đủ, và làm thế nào để có nguồn lực cho nó. Đây không phải chuyện nhỏ. Vào thời điểm đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt, và giai đoạn lạm phát thấp và thị trường tiền tệ suy thoái sắp chấm dứt, thì một mức thâm hụt ngân sách quá lớn là không thể biện hộ được. Khi thị trường còn chưa có gì chắc chắn, một gói kích cầu thiếu nguồn tài chính đầy đủ có thể mang lại kết quả ngược lại với mong đợi. Vì tất cả những lý do đó, các biện pháp được đề xuất trong “kế hoạch 143 ngàn tỉ đồng” vẫn đang chờ (Quốc hội) phê duyệt cần phải được cân nhắc một cách thận trọng”. |
( Theo Tư Giang // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com