Ông Akito Tachibana, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, Lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), TGĐ Toyota Việt Nam (TMV) nói như vậy trước dư luận về việc VAMA vận động hành lang để duy trì hàng rào bảo hộ khiến giá ô tô trong nước quá cao.
Hiện nay, để đăng ký mua một chiếc xe của TMV rất khó khăn, thậm chí muốn nhận xe ngay, khách hàng phải chi thêm cho đại lý từ 1.500 - 2.000 USD... Ông có biết việc này?
Ông Akito Tachibana |
Tôi không bao giờ đồng ý với cách làm việc như vậy và luôn yêu cầu các đại lý của TMV phải nghiêm túc phục vụ khách hàng, không được đòi hỏi khách phải trả thêm tiền lắp phụ kiện hoặc chi tiền cho nhân viên đại lý để được lấy xe ngay.
Tôi sẵn sàng tiếp nhận bằng chứng về việc này và sẽ có biện pháp xử lý thích hợp. TMV luôn khuyến khích người tiêu dùng cung cấp thông tin cho chúng tôi để hạn chế tiêu cực bởi trong chuyện này chỉ môi giới được lợi còn người tiêu dùng và TMV đều chịu thiệt.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện mới đạt 1.000 USD nhưng lại phải mua xe hơi với giá cao gấp ba lần ở Mỹ và châu Âu. Có cách gì thay đổi không?
Vấn đề là thuế. Chi phí sản xuất ô tô ở nước nào cũng giống nhau, nhưng thuế nhập khẩu ở Việt Nam cao gấp ba lần so với các nước khác, đấy là lý do khiến giá xe cao.
Với dòng xe lắp ráp trong nước, chi phí cao hơn các nước khác do ba yếu tố, thứ nhất là chi phí vận chuyển từ các nước khác; thứ hai là tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chưa cao; thứ ba là quy mô thị trường chưa lớn.
Ở đây, thuế và sản lượng đóng vai trò rất quan trọng vì sản lượng sẽ quyết định cả vấn đề nội địa hóa nữa. Nếu có sản lượng lớn thì mới nội địa hóa được.
Đến nay, nhiều ý kiến cho rằng chương trình nội địa hóa linh kiện ô tô tại Việt Nam về cơ bản đã phá sản quan điểm của ông ra sao?
Vấn đề chủ yếu nằm ở sản lượng không đủ để giảm chi phí. Chẳng hạn dòng xe Innova có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất là 37 phần trăm, trước thời điểm áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mới, sản lượng của Innova đã đạt gần 1.500 xe/tháng, có nghĩa là có thể nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa, giảm được chi phí và giá nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt đã làm giảm sản lượng Innova rất nhiều.
Điều đó khiến dòng xe chiến lược của TMV gần như phá sản. Các hãng xe khác cũng có mẫu xe chiến lược của họ, tuy nhiên chưa có mẫu xe nào đạt sản lượng vài ngàn xe/tháng.
Người ta nói các hãng ô tô quá tham lam. Giá xe chỉ cần giảm 1/3 chắc chắn lượng khách hàng sẽ tăng lên nhiều và quy mô thị trường sẽ lớn. Sao các ông không nghĩ tới việc giảm giá xe để tăng quy mô thị trường?
Hồi năm 1997, thuế nhập khẩu từ 81 phần trăm giảm xuống 70 phần trăm, khi đó nhu cầu của người dân tăng vọt. Thách thức của chúng tôi là làm thế nào để giảm thiểu chi phí và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo lộ trình mở cửa thị trường, năm 2018 là thời điểm thuế ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam bằng 0 phần trăm. Ông có tin rằng Việt Nam đủ sức xây dựng ngành công nghiệp ô tô trước 2018?
Năm 2018 sẽ là thời điểm phổ cập hóa ô tô ở Việt Nam. Tôi mong từ giờ đến lúc đó Chính phủ sẽ có những sự hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước để có thể cạnh tranh với các đối thủ từ các nước Asean.
Chính vì thế, chúng tôi muốn xây dựng được dòng xe chiến lược, không phải sản xuất hàng loạt mẫu xe như hiện nay mà chỉ có một đến hai dòng xe chiến lược đảm bảo chất lượng và giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.
Năm 2018 là thời điểm rất quan trọng, sẽ quyết định nhà sản xuất nào tồn tại, ai phải rời khỏi thị trường Việt Nam. Muốn vậy các hãng đều phải có chiến lược riêng của mình. Nếu hãng nào cũng có nhiều mẫu xe nhưng quy mô sản xuất chỉ vài trăm xe/năm thì không thể tồn tại được.
Tại sao thị trường đang cháy hàng mà các ông không sản xuất thêm?
Tôi rất cảm ơn Chính phủ vì các gói kích cầu và việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và phí trước bạ làm cho người mua xe được lợi từ 2.000 đến 3.000 USD/xe và làm cho nhu cầu thị trường tăng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu chính sách quay lại như trước đây thì tôi dự đoán từ tháng 1/2010, thị trường sẽ sụt giảm khoảng 20 phần trăm và sẽ rất khó đoán diễn biến thị trường. Rất may năm 2009 sản lượng của VAMA vẫn đạt được mục tiêu đề ra. VAMA mong muốn Chính phủ tiếp tục chính sách hỗ trợ để có thị trường ổn định.
Dư luận có ý kiến cho rằng VAMA đã lobby các cơ quan chức năng để duy trì sự ưu đãi về chính sách càng lâu càng tốt khiến người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe với giá quá đắt trong khi chất lượng không cao?
Chúng tôi không lobby ai cả! Theo lộ trình một số loại thuế đã giảm dần nhưng rồi lại đột ngột tăng trở lại với các lý do hệ thống hạ tầng giao thông quá tệ hay giảm nhập siêu. Điều đó ảnh hưởng xấu đến VAMA.
Cảm ơn ông.
(Theo Tien phong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com