![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh. |
Trong cuộc trao đổi vớiTBKTSGbên lề cuộc hội thảo “Pháp luật điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh: kinh nghiệm EU và bài học cho Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, Trưởng ban soạn thảo Luật Cạnh tranh, đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp nhằm sử dụng Luật Cạnh tranh như một công cụ pháp lý hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình trong cạnh tranh.
TBKTSG: Thưa ông, đã hơn bốn năm kể từ khi Luật Cạnh tranh ra đời. Là người chủ trì soạn luật, theo ông Luật Cạnh tranh có tác dụng gì trong việc góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, đúng luật giữa các thành phần kinh tế?
- Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh:Pháp luật có hai chức năng cơ bản là điều chỉnh và giáo dục, trong đó chức năng giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất. Chúng ta thử đánh giá việc thực thi pháp luật cạnh tranh Việt Nam trên hai phương diện này.
Thứ nhất, về việc thực hiện chức năng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh thì thời gian qua đã có trên 30 vụ cạnh tranh, gồm các hành vi quảng cáo không lành mạnh; gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; chỉ dẫn gây nhầm lẫn; bán hàng đa cấp bất chính; lạm dụng vị trí độc quyền; thỏa thuận hạn chế cạnh tranh... được điều tra và xử phạt theo quy định pháp luật.
Thứ hai, có thể nói nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh đã từng bước được nâng cao nhờ công tác bồi dưỡng kiến thức, tuyên truyền luật. Một số doanh nghiệp đã tham vấn Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) trước khi tiến hành chiến lược cạnh tranh.
TBKTSG: Ý ông là Luật Cạnh tranh đã đi vào cuộc sống?
- Dù thời gian triển khai chưa lâu và gặp nhiều khó khăn về nhân lực để tổ chức thực thi, Luật Cạnh tranh đã đi vào cuộc sống và bước đầu phát huy tác dụng trên thực tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nắm vững và sử dụng các quy định của luật như một công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
TBKTSG: Tại sao có hiện tượng đó?
- Nhận thức về Luật Cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế do họ thiếu chuyên gia có kiến thức về luật.
Hơn nữa, vì chưa nhận thức đúng cho nên họ không vượt qua được tâm lý “ngại va chạm”, “ngại can dự vào các vấn đề liên quan đến pháp lý”, dẫn đến sử dụng không hiệu quả công cụ Luật Cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.
TBKTSG: Nhưng nhiều ý kiến lo ngại quá trình thực hiện còn rất nhiều vướng mắc, dù Luật Cạnh tranh khá hoàn chỉnh. Tại sao giữa quy định và thực thi luôn có khoảng trống, thưa ông?
- Không riêng Luật Cạnh tranh, tất cả các luật mới ban hành đều có những khoảng cách nhất định giữa các quy định và việc thực hiện.
Tất cả các nước đã ban hành và thực hiện Luật Cạnh tranh đều công nhận đây là một đạo luật rất phức tạp. Khá nhiều nước từ thời điểm ban hành cho đến khi xử lý vụ việc đầu tiên cũng mất vài năm. Ví dụ, Mỹ ban hành đạo luật Clayton năm 1914 thì vụ đầu tiên được cơ quan cạnh tranh Mỹ xử lý vào năm 1917.
Ở nước ta, Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2005 và vụ việc cạnh tranh không lành mạnh đầu tiên được Cục Quản lý cạnh tranh thụ lý là vào cuối năm 2006.
Phải thừa nhận thực thi các quy định của pháp luật cạnh tranh trong thời gian đầu gặp không ít khó khăn. Khó khăn xuất phát từ thực tế là cơ quan thực thi luật mới được thành lập từ đầu năm 2006, nhân lực và kinh nghiệm hạn chế trong khi các vụ cạnh tranh rất phức tạp.
TBKTSG: Nhiều khi tỷ lệ tuân thủ luật không phụ thuộc vào sự hoàn chỉnh của một đạo luật mà được quyết định bởi một số yếu tố khác. Ông có nghĩ đến một giải pháp cho vấn đề này không?
- Xét từ quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tôi cho rằng cần tuyên truyền phổ biến Luật Cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp để họ hiểu và điều chỉnh hành vi cạnh tranh trong kinh doanh cho phù hợp với quy định của pháp luật. Khi nhận thức của họ được nâng cao, văn hóa cạnh tranh hướng tới một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng sẽ được hình thành và khi ấy tỷ lệ tuân thủ cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
TBKTSG: Một trong những đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh là “doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước” và cả doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích. Nhưng thực ra Luật Cạnh tranh chưa thể điều chỉnh các đối tượng này, bởi họ nắm vị trí thống lĩnh thị trường và đã có trường hợp lạm dụng vị thế độc quyền trên thương trường.
- Điều 22 Hiến pháp 1992 đã xác lập nguyên tắc các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. Điều 15 Luật Cạnh tranh quy định về kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Đối chiếu các quy định nêu trên với tình hình thực tế hiện nay khó có thể nói Luật Cạnh tranh chưa thể điều chỉnh các đối tượng này.
TBKTSG: Có phải chúng ta xây dựng luật nhưng chưa đưa được “cuộc sống vào luật”, tức là chưa tính toán hết các yếu tố thực tiễn chi phối việc thực thi luật?
- Cần khẳng định luật đã đi vào cuộc sống. Tôi tin với các quy định tại điều 22 Hiến pháp 1992 và Luật Cạnh tranh chắc chắn không một hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền nào không bị xử lý khi bị phát hiện và được điều tra theo quy định pháp luật.
TBKTSG: Là người đứng đầu việc xây dựng Luật Cạnh tranh, ông nhìn nhận thế nào về năng lực xây dựng và ban hành chính sách ở nước ta? Cần làm gì để điều chỉnh những điểm chưa phù hợp trong đạo luật này?
- Đối với Luật Cạnh tranh, tôi cho rằng quá trình xây dựng luật thể hiện nhiều điểm tiến bộ. Để đưa một hành vi vào đối tượng điều chỉnh, các nhà làm luật không chỉ rà soát, nghiên cứu các vấn đề phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của Việt Nam mà còn tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường của các nước có nền kinh tế thị trường lâu đời như Mỹ, EU, Nhật...
Luật Cạnh tranh cũng là văn bản đầu tiên được đăng lên mạng để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp, các luật sư, giới học giả. Vì vậy, đạo luật này được các chuyên gia UNTAD đánh giá là một văn bản luật tiến bộ và toàn diện.
Mặc dù vậy, do là đạo luật đầu tiên được ban hành để điều chỉnh tổng thể hành vi phản cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên không loại trừ trường hợp một số quy định của Luật Cạnh tranh chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Chúng tôi sẽ rà soát để phát hiện, đánh giá những bất cập và khi cần thiết sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan liên quan và doanh nghiệp trong quá trình thực thi luật.
(Theo Thành Trung // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com