Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỗi doanh nghiệp đều phải là những con Hổ

Ông Cao Viết Sinh - tinkinhte.com
Ông Cao Viết Sinh
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, người đang tham gia vào quá trình soạn thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 khẳng định, đối với ông, quan trọng nhất là làm sao để người dân có cuộc sống tốt hơn.
 
Con người là trung tâm của quá trình phát triển

Thưa ông, bước sang năm con Hổ, nhiều người đặt ra ước vọng Việt Nam trở thành một con Hổ mới của châu Á trong tương lai gần...?

Mọi ước vọng đều là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, tôi không thích tự nhận nước mình là một con Rồng, hay con Hổ, bởi điều đó có thể sẽ khiến chúng ta một lúc nào đó tự ru ngủ mình. Trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi cũng không đặt ra mục tiêu đó.

Có thể, khi các tổ chức quốc tế hay một vài tác giả nghiên cứu thường gọi Việt Nam là con Hổ của châu Á là họ nhìn vào những hành động, những nỗ lực, những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong suốt thời gian qua. Còn với tôi, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cuộc sống tốt hơn, sống trong môi trường xã hội đồng thuận, dân chủ, kỷ cương, công bằng và văn minh.

Cuộc sống của người Việt Nam đúng là mỗi ngày đã tốt hơn. Năm 2010, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người khoảng 1.200 USD/năm. Nhưng như thế có lẽ là chưa đủ…?

Đúng là sẽ đạt được 1.200 USD/người, nhưng đó là chỉ tiêu tính bình quân, thực tế vẫn còn chênh lệch giữa các nhóm dân cư lên tới trên 8 lần, vẫn còn 62 huyện nghèo, đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa còn lắm gian nan. Vì vậy, trong thời gian tới, mục tiêu phát triển không chỉ đơn thuần là tốc độ tăng trưởng, mà trọng tâm là chất lượng phát triển bền vững.

Mục tiêu dự kiến của nước ta tới năm 2020 là sẽ trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình với quy mô nền kinh tế gấp gần 3 lần so với hiện nay (năm 2010, theo giá thực tế, quy mô nền kinh tế dự kiến là trên 100 tỷ USD - PV), GDP bình quân đầu người trên 3.000 USD/năm… Nếu quy về sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế lúc ấy lớn hơn nhiều và thu nhập bình quân đầu người cũng có thể tương đương 7.000-8.000 USD/năm. Lúc ấy, đời sống của dân ta sẽ khác, xã hội sẽ khác, kết cấu hạ tầng cả về kinh tế và xã hội sẽ khác...

Nhưng có thể, 10 năm tới, trong khi Việt Nam chỉ tiến được một bước, thì các nước xung quanh đã tiến thêm 2-3 bước, và như vậy, chúng ta vẫn tiếp tục tụt hậu…?

Có thể, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ không bằng Malaysia, Singapore…, nhưng kết cấu xã hội của mình sẽ ổn định hơn, bền vững hơn, đời sống người dân phấn chấn hơn, hài hòa hơn, công bằng hơn, chênh lệch giàu nghèo ít hơn.

Bởi vì, trong thập niên phát triển sắp tới, chúng ta sẽ không chỉ quan tâm tới chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người, mà còn hướng đến chỉ tiêu chất lượng cuộc sống, các chỉ số về phát triển con người (HDI), chỉ số bình đẳng giới cũng như chỉ số hạnh phúc mà một số nhà nghiên cứu mới đề xuất cũng sẽ chú ý ngày càng nhiều hơn...

Kinh tế phát triển, nhưng người lao động phải vất vả, luôn thiếu ngủ, thiếu thời gian, cuộc sống quay cuồng, có thu nhập cao, nhưng lại không thể hưởng thụ cuộc sống… thì chưa hẳn đã là tốt. Gần đây, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề này và quan tâm nhiều hơn đến chỉ số hạnh phúc.

Việt Nam sẽ bắt đầu một giai đoạn phát triển mới theo hướng phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Coi con người là trung tâm của quá trình phát triển, từ đó chăm lo lợi ích chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân tốt hơn, quan tâm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân nhiều hơn.

Vấn đề phát huy đầy đủ quyền làm chủ của người dân cũng sẽ được đặc biệt coi trọng. Xã hội của Việt Nam tới đây sẽ là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Mục tiêu là vậy, nhưng rõ ràng, đâu phải chỉ trong ngày một ngày hai chúng ta có thể hướng tới điều đó, thưa ông? Muốn người dân có cuộc sống tốt hơn, thì chúng ta phải có một nền kinh tế tương đối phát triển…?

Câu hỏi đặt ra là, tới năm 2020, Việt Nam ở vị trí nào trong khu vực? Tôi cho rằng, nếu đạt được các mục tiêu đề ra vào năm 2020 là trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình, thì nước mình cũng đã có được cấp độ phát triển tương đối khá so với các nước xung quanh.

Ngoài những điều tôi nói ở trên, như quy mô nền kinh tế có thể lên tới 300 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương 7.000-8.000 USD/năm, thì Việt Nam khi đó đã có nhà máy điện nguyên tử, hoàn thành một số đoạn của đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, một số sân bay, cảng biển hiện đại sẽ được đầu tư và đưa vào vận hành…, tuổi thọ bình quân người dân là 75 tuổi, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Như vậy, bộ mặt xã hội Việt Nam sẽ khác đi rất nhiều so với bây giờ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại hơn. Chỉ số HDI cũng vươn lên hạng cao trong các nước ASEAN, hạ tầng công nghệ thông tin cũng vậy. Năm 2020 là như vậy, còn tới năm 2030-2040, chúng ta phấn đấu để đứng vào hàng ngũ các nước phát triển.

Nhận diện những điểm yếu để tiếp tục đổi mới

Thưa ông, chúng ta sẽ bắt tay vào thực hiện kế hoạch đó như thế nào…?

Để tiếp tục phát triển và đạt được các mục tiêu đề ra, có lẽ trước tiên phải nhìn nhận lại về những gì chúng ta đã làm được và chưa làm được trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010.

Theo như tính toán của chúng tôi, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2001-2010 vào khoảng 7,2%. Đây là một mức tăng trưởng tương đối cao và Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Cũng vì nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao liên tục trong thời gian dài như vậy, nên sau 10 năm, quy mô, thực lực của nền kinh tế đã tăng lên không ngừng. Ước tính, quy mô GDP năm 2010 của Việt Nam theo giá thực tế đạt trên 100 tỷ USD, gấp trên 3 lần so với mức 31,2 tỷ USD của năm 2000. Tăng trưởng kinh tế cao đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân; thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao rõ rệt; thể lực và trí lực của người dân được cải thiện…

Theo báo cáo Chỉ số HDI năm 2007/2008, do Văn phòng Báo cáo phát triển con người thuộc Liên hợp quốc công bố, HDI của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Với mức thu nhập GDP/đầu người, cũng như HDI như vậy, Việt Nam không còn là nước kém phát triển theo phân loại của quốc tế… Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ mới, thời kỳ gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Nhưng gần đây, dư luận hay nhắc tới cái bẫy của một nước có thu nhập trung bình. Nếu không tiếp tục đổi mới, có thể Việt Nam sẽ mãi đứng ở một chỗ và dù có tăng trưởng nhưng lại không có phát triển…?

Phải thừa nhận là Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khá dài tăng trưởng dựa chủ yếu vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng. Đóng góp của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là vốn, vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đóng góp của khoa học - công nghệ thì vẫn còn rất khiêm tốn.

Là một nước đang phát triển, rất thiếu vốn, nhưng Việt Nam đã và đang duy trì phương thức tăng trưởng dựa chủ yếu vào thâm dụng vốn (yếu tố này đóng góp trên 52% tăng trưởng GDP). Trong khi đó, dù có lợi thế là lao động trẻ, dồi dào nhưng do chưa được chú trọng khai thác đúng mức nên lao động hiện chỉ đóng góp chưa đến 20% vào tăng trưởng. Rõ ràng, chúng ta đã lãng phí rất lớn nguồn lực.

Còn yếu tố khoa học - công nghệ (do bằng chỉ số năng suất tổng hợp - TFP), cũng chỉ đóng góp khoảng 28%. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều, khoảng 60-75%. Chính vai trò hạn chế của TFP đối với tăng trưởng là một rào cản lớn cho việc nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, nhất là đến khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và khả năng khai thác triệt để các tiềm năng của đất nước…

Đó có phải là lý do chính khiến các nhà hoạch định chính sách thời gian gần đây đã đề cập nhiều tới vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng và tư duy phát triển không, thưa ông?

Thế giới sau khủng hoảng đang đòi hỏi tất cả các nền kinh tế phải tái cấu trúc. Việt Nam cũng đang tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế và mục tiêu trong giai đoạn tới sẽ là chuyển mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, dựa vào khoa học - công nghệ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động…

Các mục tiêu cụ thể tới năm 2020 là cơ cấu kinh tế sẽ theo hướng công nghiệp hiện đại, với tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn 15%, lao động trong nông nghiệp còn 30-35%, tỷ lệ đô thị hóa 40 - 45%, hạ tầng kinh tế tương đối hiện đại.

Còn về tư duy phát triển, không thể nói một cách chung chung được. Người ta hay phê bình Việt Nam tăng trưởng nóng, nhưng mức tăng trưởng trung bình 7,2%/năm trong 10 năm vừa qua đâu phải là nóng, mà còn là dưới tiềm năng. Điều mà chúng ta đã và đang hướng tới là phát triển bền vững, đặc biệt giai đoạn sau năm 2010 này. Sẽ không có chuyện tăng trưởng bằng bất cứ giá nào, mà phải là tăng trưởng gắn với bền vững. Mô hình tăng trưởng của mình sẽ là như vậy, gắn với bền vững, ổn định vĩ mô và lấy năng suất, chất lượng làm hàng đầu. Tăng trưởng hiện nay của chúng ta đang dựa vào vốn, nhưng tới năm 2020 thì phải dựa vào khoa học - công nghệ, yếu tố TFP trong tăng trưởng phải đạt ít nhất 35%...

Tóm lại là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng, giữa phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu; giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển toàn diện con người. Tất nhiên, việc chuyển đổi không thể trong ngày một ngày hai có thể làm được, mà cần có lộ trình, vì vậy, tất cả đều phải nỗ lực.

Mỗi doanh nghiệp đều phải là những con Hổ

Có lẽ, phải quay lại một câu chuyện đã cũ, liên quan tới 3 điểm nghẽn của nền kinh tế là cơ sở hạ tầng, thể chế chính sách và nguồn nhân lực. Ai cũng nhắc tới 3 vấn đề này, nhưng trong điều kiện nguồn lực con người và tài chính có hạn, theo ông, chúng ta nên tập trung trước hết vào việc gỡ bỏ điểm nghẽn nào?

Không thể nói tập trung cho cái nào trước, cái nào sau. Trên thực tế, nếu không có hạ tầng đi trước, chúng ta sẽ không phát triển được, thậm chí hạ tầng yếu sẽ cản trở sự phát triển của xã hội, của nền kinh tế. Tương tự như vậy đối với thể chế chính sách. Nhưng cái căn bản nhất, cốt lõi nhất, theo tôi, vẫn là con người. Con người tốt thì sẽ xử lý tốt các vấn đề liên quan tới thể chế chính sách, đến chất lượng hạ tầng. Chính vì thế, tới đây, tôi cho rằng, phải tập trung đào tạo con người, phải tiến tới xây dựng các trường đại học đẳng cấp khu vực và quốc tế. Con người Việt Nam của năm 2020 sẽ toàn diện hơn, cả về trí tuệ và đạo đức, nhận thức tốt, nhân ái, hòa thuận, và đặc biệt là có tri thức. Nếu nhận thức của dân trí, quan trí không theo kịp sự phát triển của xã hội thì sẽ cản trở sự phát triển.

Còn nền kinh tế, thưa ông? Chúng ta có thể hình dung thế nào về định hướng phát triển kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới?

Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 đã vạch ra rằng, tới đây chúng ta sẽ phải tạo sự đột phá trong xây dựng và phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; cải cách hành chính để giải phóng lực lượng sản xuất và sử dụng tốt các nguồn lực; tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, thay đổi căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục - đào tạo quốc dân; xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tập trung vào giao thông đô thị, đặc biệt đô thị lớn…

Đối với từng ngành kinh tế cụ thể thì công nghiệp sẽ được tập trung theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp. Chúng ta sẽ ưu tiên phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, như các ngành sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp dược, công nghệ thông tin… Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện để hình thành các tập đoàn có thương hiệu và giá trị gia tăng lớn.

Trong nông nghiệp, chúng ta sẽ xây dựng mô hình tổ chức phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, trong đó lưu ý các vấn đề về đổi mới xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng gia trại, trang trại, nông nghiệp có quy mô lớn; đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng; chú ý chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp…

Với dịch vụ, chúng ta tập trung phát triển các ngành vận tải, thương mại - du lịch, bưu chính - viễn thông và một số ngành có lợi thế cạnh tranh, như hàng hải, hàng không, công nghệ thông tin, du lịch, y tế… Việt Nam sau này có thể phát triển thành trung tâm chữa bệnh đẳng cấp khu vực.

Riêng lĩnh vực giao thông, mục tiêu hàng đầu là phát triển giao thông hiện đại, đặc biệt ở các khu vực đô thị, đường sắt cao tốc, tàu điện ngầm… và cả tập trung cho cảng biển trung chuyển…

Tới khi đó, Việt Nam liệu đã có thể trở thành một con Hổ mới của châu Á, thưa ông?

Tôi vẫn muốn nhắc lại về việc phấn đấu đạt các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, đó là trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình, kết cấu xã hội cân bằng hơn, người dân có cuộc sống tốt hơn, hoà thuận hơn, cảm nhận được hạnh phúc… Đấy mới là mục tiêu quan trọng.

Còn chuyện trở thành một con Hổ mới của châu Á, tôi cho rằng, thành được hay không là do Việt Nam có kịp thời tái cơ cấu nền kinh tế để đón nhận những thuận lợi, những cơ hội đặt ra sau năm 2010 - thế giới hậu khủng hoảng hay không. Một yếu tố nữa rất quan trọng là “đội hình” doanh nghiệp Việt Nam có đạt trình độ khu vực và quốc tế không? Nếu mỗi doanh nghiệp Việt Nam không phải là những con Rồng, con Hổ, thì Việt Nam không thể trở thành con Hổ, con Rồng được… Không chỉ là các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn, mà cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng vậy. Họ có sẵn sàng tái cơ cấu để vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh hay không? Các nước họ cũng đi lên từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không chỉ là doanh nghiệp lớn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có nhắc tới việc xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc cũng là ở ý này. Doanh nghiệp nội địa phải vững mạnh, vươn lên ngang tầm khu vực và quốc tế thì đất nước mới phát triển được. Hơn nữa, muốn thành con Hổ, thì nhận thức của doanh nghiệp, người dân cũng phải khác, không thể giữ mãi tư tưởng tiểu nông, làm ăn không bài bản hoặc chụp giựt… như bây giờ được, mà phải có ý chí và lòng tự hào dân tộc.

Tôi cho rằng, nếu hoàn thành vượt mức các mục tiêu mà Dự thảo Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020 đặt ra, thì Việt Nam cũng có thể sánh vai với các nước trong khu vực, cũng có thể đứng trong tốp đầu của khu vực ASEAN, mà không hề thua kém.

(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Đầu tư công nghệ thúc đẩy phát triển ngành gốm sứ
  • Hạn chế xuất khẩu cà phê theo phương thức giao xa
  • 5 bài học quý báu từ kinh tế Việt Nam 2009
  • TS.Vũ Viết Ngoạn: 'Rất ít khả năng suy thoái kép'
  • Cho nước ngoài thuê đất rừng là rất nguy hiểm
  • Tầm nhìn từ trên cao
  • Hai nhiệm vụ cốt lõi trong năm 2010
  • Vì một thương hiệu quốc gia cho cà phê Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi