![]() |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc |
Thưa Bộ trưởng, năm 2009, đâu là thành công lớn nhất trong điều hành nền kinh tế?
Theo tôi, thành công lớn nhất trong điều hành kinh tế năm 2009 là chúng ta đã nhạy bén đối phó với khủng hoảng kinh tế. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, chúng ta đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
Tuy nhiên, sau đó tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những biến động xấu, đặc biệt là kinh tế thế giới đã đi vào suy thoái, khủng hoảng thực sự, từ đó tác động đến nền kinh tế nước ta. Chính phủ đã rất nhạy bén nắm bắt tình hình, từ đó điều chỉnh mục tiêu tổng quát ngay trong tháng 12/2008.
Đặc biệt, tại Nghị quyết 30 của Chính phủ, ngoài việc kịp thời điều hành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cũng đã thay đổi mục tiêu từ ưu tiên chống lạm phát sang ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Có thể nói, sự nhạy bén trong việc nắm bắt kịp thời xu thế biến động của kinh tế thế giới cũng như sự chỉ đạo điều hành kịp thời, quyết liệt, và phù hợp với thực tế đã giúp cho nền kinh tế nước ta không rơi vào khủng hoảng, và đã hạn chế được mức độ suy giảm, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, khoảng 5,32%. Tôi cho rằng, đây là một thành công lớn trong điều hành kinh tế của Việt Nam trong năm 2009.
Bên cạnh thành công, theo Bộ trưởng còn những điều gì cần được rút kinh nghiệm cho năm tới?
Trong điều hành kinh tế năm 2009, vẫn có một số vấn đề chưa đạt được như mong muốn. Thứ nhất, việc thực hiện gói kích cầu của Chính phủ nói chung là tốt, nhưng vẫn còn một vài thủ tục gây cản trở, làm cho công tác triển khai chưa tốt ở một số nơi.
Thứ hai, trong đầu tư xây dựng cơ bản, mặc dù chúng ta đã kịp thời cải cách thủ tục, nhưng cũng phải tới cuối năm mới đi vào thực tế, nên tốc độ giải ngân vẫn chưa cao, kể cả vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ ba, các thủ tục hành chính, như thủ tục hải quan, thuế… vẫn còn nặng nề, nên đã cản trở một số hoạt động của doanh nghiệp. Những vấn đề đó chúng ta cần phải lưu ý để xử lý kịp thời trong năm 2010.
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án tái cấu trúc lại nền kinh tế. Xin Bộ trưởng cho biết tiến độ và mục tiêu của Đề án này?
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cấu trúc nền kinh tế và đang chờ Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến. Đề án đã nêu lên các vấn đề chính cần phải làm để tái cấu trúc nền kinh tế, và những vấn đề này thực ra từ trước đến nay chúng ta cũng đã làm. Trước đây, chúng ta không gọi là tái cấu trúc nền kinh tế, mà gọi là chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hoặc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nội dung chính và quan trọng nhất là chúng ta xem xét, đánh giá thực tế nền kinh tế của nước ta đang như thế nào, ở đâu, để từ đó xác định được những nội dung cần chuyển dịch hay cơ cấu lại ra sao.
Vậy những vấn đề lớn mà Đề án đặt ra là gì, thưa Bộ trưởng?
Đề án đã đặt ra 3 vấn đề lớn cần phải giải quyết.
Thứ nhất, nếu muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì chúng ta phải có một nền móng vững chắc, nền móng đó phải dựa trên cơ sở là sự đột phá về thể chế.
Cụ thể, chúng ta phải hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với lộ trình cam kết WTO, với xu thế hội nhập, và đặc biệt là phải phù hợp với nhu cầu thực tiễn đòi hỏi nâng cao hơn nữa hiệu quả và hiệu lực của quản lý nhà nước đối với các định chế, các chủ thể tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Thứ hai là vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển, vì vấn đề đó cũng đang là một điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay.
Thứ ba là vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Vấn đề đặt ra là làm sao đủ nhân lực để phục vụ yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp, cũng như sự phát triển của nền kinh tế hiện nay.
Theo Bộ trưởng, 3 vấn đề lớn đó sẽ phải được cụ thể hóa vào từng lĩnh vực ra sao?
Ba vấn đề tôi nêu ở trên là 3 trụ cột chính, còn đương nhiên trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thì từng ngành, từng lĩnh vực phải có những áp dụng cụ thể.
Ví dụ, công nghiệp khi chuyển đổi phải chú ý vào các lĩnh vực công nghiệp thu hút lượng tri thức cao, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng đòi hỏi có những ngành công nghiệp đảm bảo nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với tình hình lao động thực tế của chúng ta hiện nay để giải quyết vấn đề chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu dân cư ở thành thị và nông thôn, đảm bảo cho tỷ lệ công nghiệp hóa ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Hay nông nghiệp, phải tập trung sự phát triển hướng vào những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, đồng thời phải hướng vào giá trị xuất khẩu ngày càng lớn hơn, không phải chỉ có số lượng mà phải coi trọng chất lượng, để từ đó có thể nâng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân.
Trong lĩnh vực dịch vụ cũng vậy, chúng ta phải chú trọng phát triển toàn diện các loại hình dịch vụ từ tài chính, ngân hàng, bưu chính - viễn thông đến dịch vụ về du lịch, thương mại..., nhưng trong đó cần đặc biệt chú trọng những lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bưu chính - viễn thông...
Bộ trưởng có dự cảm gì đối với sự phát triển kinh tế năm 2010 của đất nước?
Tôi cho rằng, năm 2010, nền kinh tế nước ta sẽ phát triển tốt hơn năm 2009. Mục tiêu đã được Quốc hội thông qua là tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, nhưng chúng ta sẽ cố gắng phấn đấu để đạt mục tiêu cao hơn. Nếu chúng ta đạt được như vậy thì điều kiện và khả năng để chúng ta đi vào năm 2011 sẽ tốt hơn, nó sẽ tạo đà cho chúng ta bước vào thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 tốt hơn, từ đó lấy lại đà tăng trưởng của những năm trước đây.
Năm 2010 là năm chúng ta vừa phải thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải tận dụng thời cơ để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Vậy đâu là nhiệm vụ trọng tâm, thưa Bộ trưởng?
Tôi cho rằng, cả hai nhiệm vụ này đều là trọng tâm. Chúng sẽ bổ sung cho nhau. Mục tiêu cụ thể của năm 2010 là thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm tiếp theo (2011 - 2015). Đặc biệt, năm nay cũng là năm chạy đà, chuẩn bị thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới (2011 - 2020). Do vậy, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2010 và nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế luôn luôn gắn kết với nhau. Muốn phát triển, muốn tăng trưởng cao, tăng trưởng có hiệu quả thì chúng ta phải chú trọng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hay nói cách khác là tái cấu trúc nền kinh tế. Và khi tái cấu trúc nền kinh tế đạt hiệu quả cao thì chính là góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp năm mới Canh Dần, Bộ trưởng có nhắn gửi gì đến toàn thể cán bộ, nhân viên ngành kế hoạch và đầu tư?
Năm 2010 này là năm cực kỳ quan trọng, năm kết thúc của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, đồng thời cũng là năm để chuẩn bị điều kiện bước sang năm 2011 - là năm khởi động kế hoạch 5 năm mới, đồng thời là năm chúng ta chuẩn bị cho công tác xây dựng các báo cáo chính trị phục vụ đại hội Đảng các cấp.
Vì vậy, tôi mong muốn toàn thể anh chị em ngành kế hoạch và đầu tư từ Trung ương đến địa phương, cơ sở hãy phát huy vai trò truyền thống của mình để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị đã được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền giao cho chúng ta.
(Theo Đức Minh // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com