Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tầm nhìn từ trên cao

Ông Ngô Viết Thụ - tinkinhte.com
Ông Ngô Viết Thụ
Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Báo Đầu tư ghé thăm TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, con trai của kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ, để nghe những tâm sự của một người “hành nghề”về câu chuyện quy hoạch ở Hà Nội, cũng như các thành phố lớn trên cả nước.

Đô thị hóa là quá trình tất yếu và cũng là một động lực mạnh đối với sự phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển. Theo ông, quy hoạch các đô thị lớn của Việt Nam đang ở đâu? 

Gần đây, một nhà báo nước ngoài đã yêu cầu tôi tóm tắt về thực trạng phát triển các đô thị của Việt Nam. Thực khó để có được một lời nhận xét ngắn gọn mà bao quát được hết các khía cạnh của câu hỏi, và tôi đã trả lời nhà báo đó như sau: tình trạng quy hoạch các đô thị lớn của Việt Nam hiện còn hỗn độn, nhưng sự hỗn độn đó tiềm ẩn rất nhiều cơ hội cho các nhà lãnh đạo khi họ nhìn ra gốc rễ của vấn đề và chọn được những phương cách đúng đắn nhất để giải quyết vấn đề đó.

Ví dụ, vấn đề cơ sở hạ tầng kém ở khu trung tâm các đô thị lớn hiện nay vẫn có thể được xem xét như một yếu tố tài chính giúp thúc đẩy việc sớm phát triển các khu vực mới lân cận, để khuyến khích dịch chuyển dân cư khỏi các trung tâm đô thị hiện đã quá đông đúc. Nếu làm được như vậy, thì vấn đề tắc nghẽn giao thông và áp lực cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng ở trung tâm các đô thị lớn sẽ sớm được giải tỏa. Chúng ta sẽ có thêm nhiều thời gian để tính toán một cách kỹ lưỡng khi nghiên cứu các vấn đề quy hoạch, kèm theo các giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn, để giải quyết toàn bộ bài toán đô thị.

Từ năm 1996, tôi và nhiều chuyên gia đã thuyết phục các lãnh đạo thành phố về việc cần đưa ra quyết định chiến lược về việc ưu tiên phát triển các khu vực ngoại ô trước, sau đó mới ưu tiên phát triển các khu trung tâm, để tránh áp lực đè nặng lên các hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có. Nhưng từ nhiều năm nay, các thành phố ở ta vẫn đang làm theo cách ngược lại, bởi vì (có lẽ) các vị lãnh đạo cho rằng, nếu không cho phép xây nhà cao tầng trong các khu đất trung tâm có giá trị lịch sử, thì nhà đầu tư sẽ bỏ đi mất.

Từ năm 2009, các vị lãnh đạo quốc gia cuối cùng cũng đã đưa ra quốc sách đối với việc phát triển các thành phố lớn của Việt Nam, trong đó có nhấn mạnh việc tập trung ưu tiên phát triển các vùng ngoại ô trong thập kỷ tới. Phát triển các khu vực trung tâm vẫn được cho phép, nhưng sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn trước đây, đặc biệt với các khu vực có giá trị văn hóa và lịch sử. Các vùng ngoại ô cũng sẽ được ưu tiên hơn về tài chính và thể chế trong quá trình phát triển sắp tới.

Qua đó cho thấy một điều là, với một chính sách rõ ràng và phù hợp, đem lại lợi ích tương ứng cho cả nhà đầu tư lẫn người dân, thì các nhà đầu tư sẽ vui vẻ tuân theo, khi họ hiểu rằng, họ vẫn có thể vừa thu được hưởng lợi, vừa đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Tôi rất kỳ vọng trong thời gian tới, các lãnh đạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tham khảo những lời khuyên của các chuyên gia đối với những vấn đề chiến lược ở Việt Nam, bởi vì đằng sau những gì được gọi là nguy cơ và hạn chế, luôn tồn tại những cơ hội. Nếu tư duy và ý thức được như vậy, chúng ta sẽ hoàn toàn có thể chủ động xoay chuyển được tình thế.

Là người đã từng tham gia thiết kế - quy hoạch và cải tạo không ít các khu đô thị ở châu Á, theo ông, nên làm thế nào để vừa giữ được một khu phố, vừa chỉnh trang lại cho phù hợp với dáng vóc thời đại. Và liệu có một trật tự nào để gắn kết các khu phố cũ với các công trình phát triển mới của cả một thành phố hay không?

Tôi cho rằng, để có thể hài hòa được giữa mới và cũ, cần sự chuyên nghiệp cao và cam kết bền chặt giữa cấp quản lý và những người làm quy hoạch thiết kế. Một đô thị có bản sắc phải vừa cho phép người ta nhận ra các tầng lớp công trình lịch sử của từng thời kỳ trước đó, vừa gây được cảm nhận sự đa dạng đó trong một thể thống nhất. Các công trình hiện đại (có thể coi như tầng lớp kiến trúc và văn hóa được xây dựng mới nhất) giúp tôn vinh, thay vì tìm cách xóa bỏ hoàn toàn giá trị lịch sử của các công trình có giá trị được xây dựng trước kia. 

Với mục tiêu chiến lược đó, chúng ta không chỉ bảo tồn, gìn giữ các công trình lịch sử, mà cả những không gian bao quanh các công trình lịch sử đó. Các công trình xây dựng mới trong khu trung tâm lịch sử cần phải được thiết kế sao cho hòa hợp với cả không gian lịch sử và cảnh quan chung. Còn các công trình xây dựng mới trong các khu vực hoàn toàn mới thì cần được xây dựng trên những quy chuẩn hướng dẫn về thiết kế xây dựng, nhằm tạo ra những khuôn mẫu về chất lượng sống đô thị tốt nhất. Việc bố trí các không gian xanh thoáng rộng hay đại lộ xanh dành cho người đi bộ có thể được xem như một giải pháp hiệu quả để tạo sự kết nối hoàn hảo giữa các khu phố cổ và các khu dân cư mới xây dựng.

Theo hình dung của anh, “bản vẽ” nào sẽ phù hợp cho Hà Nội năm 2010? Và để làm được như vậy, cần có những nguồn lực nào cùng tham gia?

Từ ngàn năm nay, Hà Nội là thủ đô và là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị; được coi là một di sản của Việt Nam và thế giới. Sẽ không bao giờ có một bản vẽ hoàn hảo về Hà Nội vì Thành phố luôn biến động và thay đổi quá nhanh, giống như một đô thị “cải lão hoàn đồng”. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta có thể tiếp cận tốt nhất đến “cái bản vẽ hoàn hảo không bao giờ có đó” thông qua các chiến lược phát triển tối ưu nhất hiện nay cho vùng Thủ đô Hà Nội. 

Chiến lược phát triển khu vực Thủ đô Hà Nội phải tạo ra được một cấu trúc bền vững cho việc phát triển cả ngắn hạn và dài hạn của cả khu vực. Trong đó bao gồm 5 thành phần quan trọng.

Thứ nhất, khu trung tâm lịch sử của thành phố, với bản sắc được bảo vệ nghiêm ngặt trước sự xâm lăng của các công trình mới theo phong cách không phù hợp với toàn cục.

Thứ hai, khu trung tâm mở rộng mới và hiện đại, phải nằm trong bán kính đi bộ kết nối với khu trung tâm lịch sử (ví dụ như khu vực cạnh Hồ Tây), và đảm bảo được nhu cầu ngày càng gia tăng về cơ sở hạ tầng và diện tích mặt bằng cần thiết cho các bộ và các cơ quan chức năng giữ trọng trách điều hành một quốc gia không ngừng phát triển như Việt Nam.

Thứ ba, một loạt thành phố vệ tinh được phát triển theo một chiến lược xuyên suốt của cả khu vực Thủ đô Hà Nội (chúng ta hiện có một Hà Nội rất rộng với quá nhiều quận, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, thì sớm hay muộn, các vị lãnh đạo của Hà Nội sẽ đưa ra một hệ thống quản lý hiệu quả hơn, trong đó Hà Nội nên được coi là đô thị lớn nhất cùng với các đô thị vệ tinh nhỏ hơn nằm trong sự quản lý chiến lược của các nhà lãnh đạo vùng đô thị Thủ đô Hà Nội).

Thứ tư, một mạng lưới giao thông đi lại hiệu quả hơn, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc và giao thông công cộng, để có thể kết nối tốt nhất các trung tâm của Hà Nội với các thành phố vệ tinh.

Thứ năm,  một hệ thống vành đai xanh, vừa giúp tách rời các khu đô thị và khu ngoại ô của vùng đô thị Thủ đô Hà Nội, vừa giúp cho người dân có thể tiếp cận không gian xanh trong khoảng cách đi bộ, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu trong Thành phố.

Qua thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, ông có lạc quan về tương lai của Việt Nam, dù hiện tại còn nhiều khó khăn?

Tôi tin rằng, cho dù thế nào đi nữa, Hà Nội và các đô thị của Việt Nam sẽ ngày càng thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu các vị lãnh đạo lựa chọn được những chiến lược phát triển tốt hơn cho các đô thị, thì quá trình này sẽ trở nên hiệu quả và mau chóng hơn rất nhiều.

Sự lạc quan này được gia tăng khi mới đây tôi nghe được những chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc phải dừng phá dỡ các biệt thự cổ trong các khu trung tâm để xây dựng các tòa nhà cao ốc, cũng như về việc phải xem xét các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu khi lập quy hoạch tổng thể cho Hà Nội và các thành phố trọng điểm của Việt Nam.

Đó là một dấu hiệu khả quan cho thấy, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam ngày nay không chỉ quan tâm chung chung tới việc phát triển các đô thị, mà bắt đầu trực tiếp chỉ đạo. Tôi tin rằng, khi những chỉ đạo chiến lược trực tiếp từ các cấp lãnh đạo cao nhất như vậy được tiếp tục tiến hành trong thời gian tới, thì sẽ tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững hơn của Hà Nội – đô thị quan trọng nhất của cả nước và thúc đẩy việc hình thành những chính sách phát triển quốc gia phù hợp hơn cho các đô thị trên cả nước.

(Theo Thuý Ngà // Báo đầu tư)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Hai nhiệm vụ cốt lõi trong năm 2010
  • Vì một thương hiệu quốc gia cho cà phê Việt Nam
  • Thuế TNCN: Nhiều khoản thu nhập được giảm trừx
  • "Đặt thị trường trong nước đúng vị trí, yêu cầu"
  • ASEAN BAC : Tận dụng các cơ hội đang đến
  • Thay đổi quan niệm về CSR
  • Kích thích phát triển bằng chính sách
  • Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Hậu Giang Bùi Văn Chiến: Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi