Ba năm gia nhập WTO, với những cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn, cũng như những cơ hội rộng mở hơn; Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn tới rất nhiều khó khăn nhưng cũng chính là cơ hội lớn để các DN VN cũng như nền kinh tế đổi mới, tái cấu trúc. DĐDN có cuộc trao đổi cùng TS Võ Trí Thành - Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ xung quanh vấn đề này.
TS Thành cho rằng, trong suốt những năm đổi mới cải cách vừa qua, đặc biệt những năm gần đây, DN VN vấp phải rất nhiều cú sốc, từ những cú sốc bên ngoài như sốc giá, sốc khủng hoảng, đến sốc bên trong như chính sách. Đặc biệt nhiều chính sách không được dự báo trước cũng tạo thành những cú sốc cho DN.
- Vậy theo ông, liều thuốc gì đã giúp DN VN chống chọi được những cú sốc vừa qua ?
Sự tự chủ, cái khó ló cái khôn khiến DN tự đổi mơi, hoàn thiện mình để sống và phát triển. Tuy nhiên, trong thế giới tính bất định cao, có nhiều sự thay đổi về nguồn lực, hàng hóa dịch vụ, vốn, lao động, thông tin nhiều... thì DN còn tiếp tục "hứng chịu" những cú sốc. Chính những sự thay đổi nói trên tạo ra cạnh tranh khốc liệt, nhưng càng cạnh tranh bao nhiêu các DN càng cần liên kết và hợp tác bấy nhiêu. Học cách tạo cạnh tranh nhờ lợi thế vị trí trong hội nhập (cùng với lợi thế so sánh về lao động, tài nguyên...) sẽ biến thành các lợi thế khác trong mạng cung ứng, quan hệ đối tác, sản xuất hàng hóa... Trong môi trường hội nhập như hiện nay, DN cần không ngừng đổi mới mình để có thể "ứng xử" và chuẩn bị cho tốt hơn đối với những thay đổi.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, chính cuộc khủng hoảng vừa qua đã mang lại những giá trị rất tích cực cho DN trong việc phát hiện ra "bệnh tật" của mình mà trong điều kiện bình thường DN khó làm nổi.
- Đề án tái cấu trúc nền kinh tế sắp tới sẽ định hướng sự phát triển của DN VN như thế nào, thưa ông ?
Bản chất của tái cấu trúc nền kinh tế vẫn là tiếp tục công cuộc đổi mới kinh tế định hướng thị trường, mở cửa hội nhập, có nghĩa là tạo ra môi trường cạnh tranh để đảm bảo các nguồn lực, nhất là các nguồn lực về vốn, cùng với các nguồn lực khác như đất đai, nguồn nhân lực được phân bổ hiệu quả. Khi đó cơ cấu kinh tế sẽ thay đổi tương xứng.
- Điều đó có nghĩa vai trò nhà nước sẽ tăng lên ?
Vai trò nhà nước sẽ rất quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro bất ổn vĩ mô, rủi ro bất ổn xã hội, rủi ro liên quan đến môi trường kinh doanh, sinh thái... Như vậy vai trò nhà nước không những không giảm mà tăng lên để hỗ trợ cho sự phát triển của DN. Bên cạnh đó, DN cũng phải có "tầm" vượt khó. Không chỉ là kinh doanh lấy lợi nhuận thuần túy theo nghĩa truyền thống mà phải là lợi nhuận về dài hạn - gắn liền với trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường.
- Ông có cho rằng, lợi nhuận và chi phí cho các vấn đề bảo vệ môi trường vẫn là mâu thuẫn khiến DN VN chưa hướng đến hoạt động kinh doanh "xanh" ?
Theo tôi, trong rất ngắn hạn nó mâu thuẫn nhưng trong dài hạn thì không. Có rất nhiều điều sự thay đổi từ tư duy trong vấn đề này sẽ tác động đến hiệu quả sản xuất của DN. Trước tiên là hành vi của người tiêu dùng ngày càng thay đổi, hướng tới những sản phẩm "xanh". Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng muốn giữ hình ảnh của mình để việc huy động vốn được dễ dàng hơn trong khi đầu tư vào các dự án. Chi tiết này cũng tạo điều kiện cho DN huy động vốn đối với các tổ chức tín dụng thuận lợi hơn. Mặt khác, xuất khẩu trong thời hội nhập yêu cầu về an toàn vệ sinh, tác động môi trường đối với sản phẩm là điều kiện quan trọng để DN có thể tiếp cận, thâm nhập với thị trường nước ngoài. Chính vì vậy nhìn thấu đáo thì bảo vệ môi trường không mâu thuẫn với chi phí, lợi nhuận mà còn tạo tiền đề cho DN phát triển.
Chính vụ Vedan trong năm vừa qua đã để lại nhiều bài học mà các DN phải suy nghĩ. Ở đây, chính sự nhận thức không tốt đã gây hại cho DN, ảnh hưởng trầm trọng đến thương hiệu của DN mà thời gian và tiền bạc cũng khó lấy lại được. Tuy nhiên trong giai đoạn ban đầu của sự phát triển chúng ta cũng cần có thời gian. Và những vụ việc như trên giúp cho chúng ta có sự cảnh tỉnh, từ người dân, DN, đến người tiêu dùng, nhà nước. Trong ngắn hạn DN còn phải nghiên cứu, dần thay thế, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có sự hỗ trợ cho quá trình này. Thường các nước đều có các chương trình hỗ trợ để giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường nếu DN thay đổi.
- Đánh giá ba năm VN gia nhập WTO vừa qua, Bộ Công Thương cho biết chỉ 20% DN VN tận dụng được lợi thế về thuế quan, xuất xứ hàng hóa. Vậy theo ông, điểm yếu này do đâu ?
Theo tôi là do chúng ta, bao gồm cả Chính phủ, DN, và vai trò của các hiệp hội. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp cận thực hiện các cam kết, nhưng đến thực thi cam kết còn lúng túng, cách tuyên truyền còn chưa trúng, chưa hay. Về phía DN thì còn chưa chủ động, cách tư duy còn hạn chế, thường DN còn tư tuởng "ăn xổi", ngắn hạn, ít nghĩ đến dài hạn. Tuy nhiên, tôi tin là hai năm nữa, những DN tiên phong sẽ nhiều hơn, bản thân DNNVV sẽ có nhiều DN lớn lên.
- Theo ông, tất cả những dấu hiệu về kinh tế vĩ mô, biến động tỷ giá, đặc biệt động thái thắt chặt tín dụng đối với DN những ngày cuối năm 2009 sẽ cho chúng ta dự báo như thế nào về quý 1 năm 2010 ?
Nếu nhìn về thế giới và khu vực thì đây là thời điểm khó khăn, tiến thoái lưỡng nan về chính sách đối với nhiều nước chứ không riêng VN. Lưỡng nan ở cách thức rút khỏi sự can thiệp ồ ạt, rút lui khỏi gói kích thích kinh tế. Nhiều dự báo kinh tế năm 2010 khả quan, tăng trưởng dương nhưng quá trình phục hồi nhìn chung còn yếu, các vấn đề tài chính, thất nghiệp và nguy cơ rủi ro tài chính chưa hẳn đã chấm dứt, nên nếu tiếp tục kích thích kinh tế sẽ đối mặt với nguy cơ lạm phát, nợ chính phủ... Nếu dừng hẳn thì kinh tế thế giới lại lao vào suy thoái. Tuy nhiên vấn đề này sẽ được đánh giá trong quý 1 năm 2010 dù nhìn cả năm bầu không khí lạc quan tươi sáng hơn.
Kinh tế VN độ mở cao, nhưng cũng vấp phải tình trạng tương tự. Chúng ta đã có tăng trưởng cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, việc thay đổi lãi suất cơ bản, chênh lệch tỷ giá... cho thấy thái độ rõ ràng, Chính phủ trong những tháng trước mắt tập trung vào ổn định kinh tế vi mô để đảm bảo rằng quá trình hồi phục cũng như điều kiện để VN tăng trưởng bền vững hơn trong những năm sau. Đương nhiên những điều kiện dễ dãi về tín dụng, chi tiêu Chính phủ, nhập khẩu sẽ nghiêm ngặt hơn, thắt chặt hơn. Điều đó sẽ gây khó khăn nhất định cho các DN. Nhưng sau giai đoạn đó thì sự phục hồi sẽ tạo ra những thuận lợi. Nếu hết quý 1, hay nửa đầu năm 2010 tình hình thế giới trở nên sáng sửa hơn, môi trường cạnh tranh rõ ràng hơn, kinh tế VN sau những tháng trước mắt ổn định lại được sẽ có đà phát triển thuận lợi. Và điều quan trọng không chỉ tăng trưởng cao hơn năm 2009 mà là con số tăng trưởng đảm bảo ổn định xã hội, đảm bảo tiền đề cho sự phát triển của các năm sau.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com