![]() |
Đại sứ Vũ Dũng |
Xin Đại sứ cho biết những đánh giá của WTO về Việt Nam sau 3 năm gia nhập tổ chức này?
Nhìn chung, các thành viên WTO đều có đánh giá rất tốt về Việt Nam. Trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Geneva cuối tháng 1 vừa qua, Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy đã đánh giá cao những thành công kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Ông cho rằng, Việt Nam là một thí dụ thành công của WTO, của mở cửa, hội nhập và tự do hoá thương mại.
Tổng giám đốc WTO cũng đánh giá cao việc thực hiện nghiêm túc các cam kết gia nhập của Việt Nam. Thí dụ, chúng ta đã tiến hành 3 lần giảm thuế theo đúng lộ trình cam kết và đã cho phép các DN nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ nhạy cảm như phân phối bán lẻ, ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Pascal Lamy cũng khuyên Việt Nam nên tham gia tích cực và mạnh mẽ hơn vào Vòng đàm phán Doha, đồng thời chú ý nâng cao nhận thức và hiểu biết về WTO cho doanh nghiệp để có thể tranh thủ tốt hơn nữa các cơ hội do WTO mang lại. Ông cho biết, hơn 60% thành viên WTO đã xây dựng các trung tâm tham vấn về WTO cho doanh nghiệp và gợi ý Việt Nam nên tham khảo mô hình này.
Mức độ tham gia Vòng đàm phán Doha của Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa Đại sứ?
Tiếng nói của Việt Nam tại Vòng đàm phán Doha còn chưa rõ nét. Trên một số lĩnh vực, chúng ta mới chủ yếu là theo dõi, học hỏi. Đây là điều dễ hiểu đối với một thành viên mới gia nhập như Việt Nam, nhưng đương nhiên không nên để giai đoạn này kéo dài. Chúng ta mới chỉ là thành viên của một nhóm địa lý là ASEAN và là quan sát viên của nhóm Cairns (về nông nghiệp), chứ chưa chính thức tham gia bất cứ nhóm nào trong số trên 20 nhóm lợi ích do các thành viên WTO thành lập.
Sự tham gia khiêm tốn này của Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, là một nước mới gia nhập, trong những năm qua, Việt Nam phải tập trung nỗ lực cho việc thực hiện các cam kết của mình. Thứ hai, hiểu biết và năng lực tham gia đàm phán của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Để Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn cho Vòng đàm phán Doha, đồng thời mang lại những hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp trong nước, Đại sứ có những kiến nghị gì?
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tham gia nhiều cuộc đàm phán trong khuôn khổ Vòng đàm phán Doha, trong đó có những lĩnh vực liên quan nhiều đến Việt Nam, như thuỷ sản, dệt may, cạnh tranh xuất khẩu... Tuy không phải đàm phán về thuế, nhưng chúng ta sẽ phải thực hiện các kết quả đàm phán khác về trợ cấp, cạnh tranh xuất khẩu, sở hữu trí tuệ hoặc tuy không bắt buộc phải tham gia đàm phán về cắt giảm thuế quan theo ngành, nhưng chúng ta không thể đứng ngoài, vì đứng ngoài cuộc có nghĩa là chúng ta sẽ không đưa được những nội dung doanh nghiệp mình cần vào kết quả đàm phán. Hơn nữa, theo nguyên tắc đa số của WTO, tuy không tham gia đàm phán, nhưng kết quả đàm phán sẽ có giá trị áp dụng với tất cả các thành viên.
Việt Nam là nước dựa nhiều vào xuất khẩu, nên nhận thức về WTO và tầm quan trọng của đàm phán WTO cần được nâng cao. Các vấn đề đàm phán của WTO càng ngày càng phức tạp. Đơn cử, một vấn đề nhỏ như quy định về nhãn mác quần áo mà WTO bàn thảo cũng liên quan tới nhiều bộ, ngành. Do vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và giữa trong nước và Phái đoàn tại Geneva là rất quan trọng.
(Theo Bình Châu // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com